Phát triển công nghiệp chế biến - hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi

08:02, 07/02/2018

Trong tổng sản lượng thịt hơi của tỉnh sản xuất mỗi năm thì tỷ lệ tiêu thụ dưới dạng các sản phẩm chế biến là không nhiều. Việc phát triển công nghiệp chế biến thịt với đa dạng sản phẩm là định hướng nhằm tăng sức tiêu thụ giải quyết khó khăn cho ngành chăn nuôi hiện nay.

Chế biến thịt lợn tại Cty TNHH một thành viên Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành (TP Nam Định).
Chế biến thịt lợn tại Cty TNHH một thành viên Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành (TP Nam Định).

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), hiện mỗi năm toàn tỉnh sản xuất được trên 150 nghìn tấn thịt lợn hơi xuất chuồng; 3.700 tấn thịt trâu, bò và hơn 21 nghìn tấn thịt gia cầm. Hầu hết lượng thịt này đến tay người tiêu dùng dưới dạng tươi sống, giết mổ thủ công nên nguy cơ mất ATVSTP rất cao. Chế biến các sản phẩm từ thịt mặc dù đã xuất hiện từ lâu nhưng theo phương thức cổ truyền với những sản phẩm phổ biến như: ruốc, giò, chả, nem chua, nem chạo, tỷ lệ không nhiều. Đa số các cơ sở tư nhân hoạt động chế biến thịt truyền thống vẫn sử dụng máy bán cơ giới như xay, ép... Năng lực chế biến, công nghệ thiết bị vẫn ở trình độ thủ công, lạc hậu. Công nghệ bao gói cổ truyền bằng lá dong, lá chuối và sử dụng hàn the để bảo quản nên nguy cơ độc hại cao, dễ bị nhiễm khuẩn, khó đảm bảo VSATTP. Ngành chế biến thịt công nghiệp ở tỉnh ta chỉ mới hình thành và phát triển được vài năm trở lại đây. Tỷ lệ thịt được chế biến nhìn chung vẫn thấp, sản lượng thịt được chế biến chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng thịt. Hiện, tỉnh có 4 cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp là Cty TNHH Công Danh ở CCN An Xá (TP Nam Định) chuyên chế biến lợn sữa, lợn choai; Cty TNHH Trường Huy, xã Hải Phong (Hải Hậu) chuyên chế biến lợn sữa; Cty CP Nghĩa Thành (TP Nam Định) chế biến lợn thịt thành các sản phẩm xúc xích, giò, chả và Cty CP Thương mại và đầu tư Biển Đông chế biến, xuất khẩu thịt lợn. Mặc dù mới thành lập và hoạt động vài năm nhưng Cty TNHH Công Danh đang có những bước tiến đáng kể. Được xây dựng trên diện tích 5.300m2, Cty hiện tại đã đưa công suất chế biến đạt 3.000-5.000 con lợn sữa/ngày và 300 con lợn choai/ngày. Bà Lương Thị Dung, Phó Giám đốc Cty cho biết: Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt là Sở NN và PTNT, thời gian tới, Cty sẽ hình thành chuỗi liên kết với các hộ chăn nuôi thông qua việc hình thành các HTX chăn nuôi tại cơ sở. HTX là đầu mối tổ chức sản xuất và cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp, qua đó sẽ giảm bớt khâu trung gian như hiện nay. Khi tham gia vào chuỗi sản xuất, toàn bộ chi phí cho khâu trung gian sẽ được chia sẻ cho người chăn nuôi, một phần nhỏ chi phí cho hoạt động quản lý của HTX. Ngoài ra, người chăn nuôi tham gia vào chuỗi sẽ được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và một phần chi phí vật tư phục vụ sản xuất như thuốc sát trùng, vắc-xin. Với việc giảm khâu trung gian như thế, mỗi con lợn sữa người chăn nuôi được hưởng thêm 15-20 nghìn đồng, tương đương với mỗi con nái sẽ hưởng thêm 300-400 nghìn đồng/năm. Dự kiến năm 2018 sẽ hình thành 20 HTX chăn nuôi tại các huyện có tổng đàn lợn nái Móng Cái lớn như: Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh và Xuân Trường. Giai đoạn 2019-2020 sẽ xây dựng 50 HTX chăn nuôi lợn nái Móng Cái để sản xuất lợn sữa và 10 HTX chăn nuôi lợn nái lai để sản xuất lợn choai; phấn đấu đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu của nhà máy. Cty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông đã xây dựng xong nhà máy chế biến thực phẩm sạch - khu chăn nuôi xanh tại xã Hải Nam (Hải Hậu). Đến tham quan nhà máy, chúng tôi được chứng kiến dây chuyền sử dụng công nghệ giết mổ gia cầm và chế biến thịt hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay. Nhà máy thực hiện giết mổ lợn bằng dây chuyền tự động công suất 300 con/giờ và kho lạnh với công nghệ đồng bộ nhập khẩu từ Hàn Quốc. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động trong quý I-2018. Nếu hoạt động theo đúng công suất thiết kế, nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 20% sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của tỉnh. Ông Vũ Trọng Nghĩa, Giám đốc Cty cho biết: Để đón đầu cơ hội xuất khẩu thịt lợn vào thị trường Hàn Quốc, Cty đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ 2.000 tấn thịt lợn/năm với Cty thực phẩm Hàn Quốc. Cty cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Mi-na-mi Ki-u-su (Nhật Bản) về việc hợp tác phát triển nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật chế biến thực phẩm. Đồng thời Cty đã liên kết với Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giống lợn và quy trình chăn nuôi vào sản xuất. Để có vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy, Cty tổ chức hợp tác với các địa phương có nền chăn nuôi phát triển, tập hợp những hộ có kinh nghiệm về chăn nuôi, nghiên cứu thành lập HTX chăn nuôi kiểu mới. Cty sẽ hỗ trợ kiến thiết củng cố lại chuồng trại, đường giao thông, điện, quản lý môi trường… Qua mạng lưới thú y xã nhằm đưa những con lợn đực chất lượng tốt để cung cấp nguồn giống đảm bảo cho người chăn nuôi. Cty tổ chức lại kênh thu mua, giúp người chăn nuôi không bị thương lái ép giá vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh. Thực hiện đúng định hướng này sẽ giúp mối liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân bền chặt hơn khi lợi nhuận của người chăn nuôi được bảo đảm.

Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang rất bấp bênh. Giá thịt lợn lao dốc trong thời gian dài; giá các loại trứng gà, trứng vịt, thịt gà hơi và giá con giống gà, lợn đều giảm, biến động không lường. Người chăn nuôi cụt dần vốn. Thực trạng này khiến nhiều hộ chăn nuôi chán nản không muốn tái đàn nữa, dẫn đến nguồn cung giảm, giá thịt lại tăng cao. Từ thực tế này cho thấy vấn đề liên kết trong chăn nuôi đặt ra hết sức cấp bách. Việc phát triển chế biến thịt, đặc biệt các nhà máy của Cty TNHH Công Danh, Cty CP Thương mại và đầu tư Biển Đông… hình thành các mối liên kết sẽ giúp giải quyết khó khăn trong khâu tiêu thụ, sản phẩm thịt được chế biến và bảo quản tại kho chuyên dụng sẽ kéo dài thời gian chờ tiêu thụ mà không ảnh hưởng đến chất lượng, làm giảm áp lực cho sản xuất khi cung vượt cầu. Do vậy để phát triển chăn nuôi lâu dài, bền vững, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương bắt buộc phải đẩy mạnh phát triển các HTX chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tổ chức các chuỗi liên kết khép kín giữa các HTX chăn nuôi an toàn dịch bệnh với các nhà máy chế biến hướng tới xuất khẩu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com