Những năm gần đây, Nam Định là một trong những tỉnh trở thành điểm đến “hấp dẫn” các nhà đầu tư. Năm 2017, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, đạt cao nhất từ trước đến nay về số vốn đăng ký và lần đầu tiên tỉnh ta lọt vào tốp 3 tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt nhất cả nước trong 10 tháng đầu năm. Thu hút đầu tư mạnh mẽ tại địa bàn tỉnh góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh. Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 120% so với năm 2016; góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho số lượng lớn lao động địa phương, hơn 36 nghìn người với thu nhập bình quân đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Sản xuất tại Cty CP May Sông Hồng. |
Để đạt được thành công trên là do qua các chương trình xúc tiến đầu tư, gặp mặt doanh nghiệp, tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp với quyết tâm xây dựng một môi trường đầu tư năng động, hấp dẫn, phục vụ tích cực cho thu hút đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh. Không chỉ cởi mở trong tư tưởng chỉ đạo, tại các chương trình xúc tiến đầu tư trong năm 2017, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tăng cường tính chủ động “gõ cửa” để trao đổi và mời gọi các tập đoàn đến với Nam Định tìm hiểu nghiên cứu cơ hội đầu tư các dự án. Nhiều tín hiệu vui đã xuất hiện. Tập đoàn FLC đề xuất mong muốn đầu tư dự án đô thị thông minh kết hợp vui chơi, giải trí tại Thành phố Nam Định và các địa bàn lân cận, với quy mô trên 300ha ngay trong buổi thảo luận phương án đầu tư ngày 10-11-2017. Dự kiến đây sẽ là một trung tâm đô thị và du lịch giải trí mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Với quyết tâm thiết lập góc nhìn tích cực và yên tâm cho doanh nghiệp ngay từ khi tiếp xúc cũng như đi đến quyết định đầu tư, trong năm 2017, tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh tạo nên bước ngoặt trong cải cách thủ tục hành chính. Khi thực hiện thủ tục đầu tư, các doanh nghiệp chỉ cần đề xuất các yêu cầu về xúc tiến đầu tư và chỉ phải giao dịch với một đầu mối duy nhất của tỉnh là Trung tâm. Tỉnh đã ban hành nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư; các địa phương, đơn vị trong tỉnh cũng đã nghiêm túc thực hiện nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp của tỉnh, hướng đến xây dựng chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cùng với việc tận dụng các lợi thế nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, lực lượng lao động dồi dào, tỉnh ta đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đối với các dự án đầu tư vào các khu, CCN; các dự án có vốn lớn, công nghệ kỹ thuật cao; các dự án đầu tư vào khu vực nông thôn. Trong đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp theo công nghệ sạch; chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp sản xuất giống chủ lực của tỉnh phát triển để từng bước đưa tỉnh trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, con nuôi của khu vực; phát triển mạnh mẽ các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã lựa chọn dành vị trí các KCN nằm trên các trục đường huyết mạch, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, điện, thông tin liên lạc đến hàng rào KCN, áp dụng các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN cũng như nhà đầu tư thứ cấp (miễn tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách với chi phí san lấp mặt bằng, xây dựng trạm xử lý nước thải...). Hiện có 3/9 KCN của tỉnh đã đi vào hoạt động là Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh; trong đó KCN Bảo Minh và KCN Hòa Xá cũng đã lấp đầy 100%. Đến nay, KCN Dệt may Rạng Đông với diện tích 600ha, lớn nhất trong các KCN của tỉnh đang được xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2020, Nam Định tiếp tục thu hút đầu tư vào KCN Mỹ Thuận nằm trên trục đường Nam Định - Phủ Lý (Hà Nam), kết nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Các KCN này đều nằm ven các tuyến đường cao tốc nên rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Không chỉ đạt tỷ lệ lấp đầy cao, số vốn thực hiện của nhà đầu tư tại các KCN của tỉnh cũng rất ấn tượng. Nhà đầu tư hạ tầng KCN đăng ký số vốn hơn 13 nghìn tỷ đồng và hơn 668 triệu USD, đã thực hiện hơn 5.000 tỷ đồng và hơn 443 triệu USD. Theo quy hoạch, ngoài 9 KCN, tỉnh cũng đã quy hoạch CCN ở các huyện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công tác đào tạo nghề cho người lao động, quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao được đặc biệt chú trọng.
Để đạt được mục tiêu giai đoạn 2016-2020 thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh hơn 3 tỷ USD, đầu tư từ các nguồn vốn trong nước đạt trên 30 nghìn tỷ đồng, tỉnh chủ trương quyết liệt đẩy mạnh cải tạo, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện; công khai minh bạch thông tin, nghiên cứu triển khai áp dụng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 và 4 nhằm tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 07 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết việc trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, tránh chồng chéo gây phiền hà đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các sở, ngành chức năng định kỳ tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời phổ biến những quy định, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh trong quá trình đầu tư… Đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức về đạo đức công vụ theo tinh thần phục vụ nhà đầu tư, không sách nhiễu, gây phiền hà làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm, đặc biệt chú trọng vào các quốc gia có ngành công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... với các dự án ưu tiên, kêu gọi đầu tư như: Phát triển hạ tầng các KCN, công nghiệp dược phẩm và sản xuất dược liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí, dệt may, da giày, điện, điện tử... Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khu, CCN đã được quy hoạch, có sẵn mặt bằng sạch đảm bảo triển khai dự án ngay. Với tâm huyết, nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp của các cấp chính quyền, ngành chức năng đang được cụ thể hóa nhằm đón bắt cho được làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy