Điều chỉnh quy hoạch, phát triển mạng lưới giao thông theo hướng kết nối liên hoàn

06:02, 23/02/2018

Thực tế những năm qua cho thấy việc quan tâm phát triển hạ tầng giao thông đã góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn Nam Định là điểm đến để đầu tư. Vì vậy, trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển giao thông đã được phê duyệt tỉnh đã chủ động rà soát, điều chỉnh và bổ sung để bảo đảm quy hoạch phát triển giao thông phải thực sự “đi trước một bước” và phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng ổn định và bền vững.

Ngày 22-11-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2693 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu xây dựng tỉnh Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng nên khi quy hoạch mạng lưới đường bộ, tỉnh đã định hướng đầu tư phát triển các trục đường xuyên tâm, có các đường vành bao quanh Thành phố Nam Định và các trục quốc lộ, tỉnh lộ... hướng vào trung tâm thành phố tạo thành mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn, đủ khả năng kết nối vận tải đa phương thức và giảm thời gian vận tải giữa các huyện trong tỉnh, các tỉnh trong vùng; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế của tỉnh và của khu vực đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Theo quy hoạch đến năm 2030 mạng lưới đường bộ tỉnh sẽ bao gồm 3 đường vành đai quanh thành phố, 7 tuyến quốc lộ và 3 tuyến đường cao tốc, 1 tuyến đường bộ ven biển, 13 tuyến đường tỉnh và các đường giao thông nông thôn. Trong đó, đến năm 2030, xây dựng 3 đường vành đai bao quanh Thành phố Nam Định để liên kết các trục hướng tâm và trung tâm huyện. Gồm: 25km đường vành đai I với đoạn tuyến Quốc lộ 10 (từ cầu Tân Đệ đến cầu Lộc An), đoạn tuyến Quốc lộ 21 tránh qua Thành phố Nam Định (đường Lê Đức Thọ), đoạn tuyến Quốc lộ 21B (đường Đông Nam và cầu Tân Phong vượt sông Đào nối vào đường đông bắc Thành phố Nam Định tới Quốc lộ 10), tạo thành một vành đai khép kín; quy hoạch giai đoạn 2020-2030 đạt tiêu chuẩn đường phố chính đô thị chủ yếu, mặt cắt ngang 6 làn xe cơ giới. 21km đường vành đai II quy hoạch đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, giai đoạn 2020-2030 nâng cấp tối thiểu đạt quy mô cấp III đồng bằng. Tuyến đường vành đai III, hình thành trên cơ sở Quốc lộ 37B đoạn từ phà Cồn Nhất (Giao Thủy) đến ngã tư Đồng Đội và tỉnh lộ 486B; quy hoạch toàn tuyến đến năm 2030 tối thiểu đạt quy mô cấp III đồng bằng. Hệ thống quốc lộ, đến năm 2030, xây dựng 7 tuyến theo quy mô tối thiểu đạt cấp III đồng bằng, riêng các đoạn qua đô thị tuân theo quy hoạch đô thị. Trong đó bao gồm: Quốc lộ 10 dài 35,84km; Quốc lộ 21B dài 61,2km; Quốc lộ 37B dài 64,69km; Quốc lộ 38B dài 25,2km; Quốc lộ 37C (dự kiến theo Văn bản số 4376/BGTVT-KCHT ngày 24-4-2017 của Bộ GTVT), dài khoảng 78,26km đi qua 3 tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình kết nối Quốc lộ 10, Quốc lộ 37B, Quốc lộ 38B, Quốc lộ 1, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với đường Hồ Chí Minh. Đoạn đi qua địa phận tỉnh dài khoảng 21,07km, có điểm đầu tại nút giao với đường Quốc lộ 37B (Km90+350/Quốc lộ 37B) xã Yên Cường (Ý Yên), đi theo đường huyện 57B, Quốc lộ 10, Quốc lộ 38B (Cát Đằng - Phố Cháy) sau đó theo tỉnh lộ 485 đến ngã tư Phủ Cầu tuyến đi thẳng đến âu Cổ Đam và vượt sông Đáy sang tỉnh Ninh Bình. Quốc lộ 39B (dự kiến theo Văn bản số 2461/BGTVT-KCHT ngày 10-3-2017 của Bộ GTVT), dài khoảng 89,2km đi qua 3 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, bắt đầu tại nút giao Quốc lộ 38 (Km47+500) Thị trấn Ân Thi (tỉnh Hưng Yên), kết thúc tại nút giao Quốc lộ 21 (Km174+100) cầu Lạc Quần. Đoạn đi qua địa phận tỉnh ta dài 13,2km, có điểm đầu tại cầu Sa Cao - Thái Hạc (cách bến phà Sa Cao - Thái Hạc cũ khoảng 1,5km về phía hạ lưu, tuyến theo tỉnh lộ 489C (đang triển khai thi công) đến nút giao Quốc lộ 21 (Km174+100) cầu Lạc Quần. Tuyến đường bộ ven biển thực hiện theo Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam và Văn bản số 2409/TTg-KTN ngày 24-11-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai tuyến đường bộ ven biển đoạn Quảng Ninh - Thanh Hóa. Đoạn qua địa phận tỉnh dài 65,8km, quy hoạch toàn tuyến đạt cấp III đồng bằng. Hệ thống đường cao tốc gồm 3 tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1-3-2016. Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn chạy qua địa phận tỉnh dài 20,4km, mặt cắt ngang 6 làn xe (mặt đường rộng 22m, đường có dải phân cách giữa, dải dừng xe khẩn cấp, dải an toàn và lề đường trồng cỏ). Đường cao tốc Phủ Lý - Nam Định dài 25km, điểm đầu từ Thành phố Nam Định (giao Quốc lộ 10), điểm cuối nối vào đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại trạm thu phí Liêm Tuyền, quy mô đầu tư 4 làn xe. Đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh dài 160km, được quy hoạch đạt quy mô 6 làn xe (giai đoạn I 4 làn xe), điểm đầu tại Thành phố Ninh Bình, điểm cuối giao với Quốc lộ 18 tỉnh Quảng Ninh. Hệ thống tỉnh lộ quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp III đồng bằng với 13 tuyến, bao gồm cả tuyến vành đai. Cụ thể: tỉnh lộ 485 dài 16,5km; tỉnh lộ 485B (đường vành đai II); tỉnh lộ 486B dài khoảng 19,2km, từ Quốc lộ 37B đến Quốc lộ 21B; tỉnh lộ 487 dài 22,3km, điểm đầu tại đê hữu sông Ninh Cơ, thuộc địa phận xã Trực Chính (Trực Ninh), điểm cuối giao với Quốc lộ 37B (Km85+582,5 - Quốc lộ 37B); tỉnh lộ 487B dài khoảng 14,5km, điểm đầu tại cầu Khâm trên Quốc lộ 21, theo đê Quy Phú, đường Trắng (Nam Trực), cắt qua tỉnh lộ 490C và kết thúc tại đê tả Đào xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng); tỉnh lộ 488 dài khoảng 24,1km, điểm đầu tại cầu Tiền Lang đê biển xã Giao Hải (Giao Thủy) theo đường huyện Tiến Hải cắt tỉnh lộ 489 tại dốc Hoành Nha sau đó đi trùng tỉnh lộ 489 đến dốc Ngô Đồng, tiếp tục đi theo đường huyện 50 và kết thúc tại tỉnh lộ 489 xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Tỉnh lộ 488 dài khoảng 13,5km, từ ngã ba Ngặt Kéo (Quốc lộ 21) địa phận huyện Trực Ninh đến giao với tỉnh lộ 490C; trong đó nghiên cứu cải tuyến tránh Thị trấn Cát Thành theo hướng tuyến mới từ khu vực cống Chéo xã Trực Thanh đến giao Quốc lộ 21 phía trước CCN Thị trấn Cổ Lễ. Tỉnh lộ 488C dài 40,4km, từ chợ Quán (Quốc lộ 37B) qua phà Ninh Mỹ giao cắt tỉnh lộ 490C, sau đó đi chung với tỉnh lộ 490C khoảng 1,1km, tuyến tiếp tục đi theo đường huyện Giây Nhất, đường huyện Hồng Hải Đông và kết thúc tại tỉnh lộ 490C, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Tỉnh lộ 489 dài 42,02km, từ bến phà Sa Cao đi ngã ba Xuân Bảng - Thị trấn Xuân Trường đến Vườn quốc gia Xuân Thủy. Tỉnh lộ 489B dài 10km, từ ngã tư Hải Vân (Quốc lộ 21) đi Thị trấn Quất Lâm. Tỉnh lộ 489C từ cầu Lạc Quần đi hướng tuyến mới đến giao tỉnh lộ 489 tại cống Đầm Sen sau đó đi thẳng vượt qua sông Hồng sang tỉnh Thái Bình bằng cầu Sa Cao; khi hoàn thành xây dựng cầu Sa Cao và tuyến chính dự án xây dựng tỉnh lộ 489C được cấp có thẩm quyền chấp thuận đưa lên thành Quốc lộ 39B thì bàn giao tuyến nhánh dài 3,47km thuộc dự án trên về địa phương quản lý. Tỉnh lộ 490C dài 55,2km từ cầu Đò Quan (Thành phố Nam Định) đến xã Nam Điền (Nghĩa Hưng). Tỉnh lộ 490B dài 46km (đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường Cầu Giẽ - Ninh Bình) từ nút giao Cao Bồ xã Yên Bằng (Ý Yên) đến điểm cuối là trạm đèn biển Lạch Giang, xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng). Riêng hệ thống giao thông nông thôn đến năm 2030 bảo đảm 100% đường huyện, đường xã được vào cấp kỹ thuật, được nhựa hóa hoặc bê tông hóa và bảo trì theo kế hoạch; 100% đường thôn xóm được cứng hóa, đạt tối thiểu loại A.

Để đảm bảo việc phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch, Sở GTVT đang phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tiến hành công bố rộng rãi quy hoạch; xác định chỉ giới và quản lý chặt chẽ hành lang đất giành cho giao thông. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt tỉnh chỉ đạo lập dự án xây dựng và tập trung kêu gọi, huy động mọi nguồn vốn (hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn PPP, vốn ODA...) đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm ưu tiên đầu tư phát triển những công trình có tính đột phá, tạo tính liên kết vùng và liên kết các phương thức vận tải./.

Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com