Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Nam Định luôn là lĩnh vực “nóng”. Bởi cùng với quá trình đầu tư kiến thiết phát triển đô thị, việc mở rộng địa giới hành chính, nâng cấp xã lên phường nhưng việc quản lý của các cấp chính quyền còn bất cập, dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất trật tự trong hoạt động xây dựng nhà ở dân cư.
Cty TNHH Thương mại Thành Phát đã hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép xây dựng dãy ki-ốt tại 24 đường Song Hào, phường Trần Quang Khải đảm bảo theo quy định của pháp luật. |
Theo đồng chí Phạm Quốc Hải, Phó Phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết: “Trong 3 năm qua, Phòng Quản lý đô thị đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành nhiều văn bản quy định về quản lý trật tự xây dựng đô thị, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân của việc tuân thủ quy định về xây dựng”. Hiện thời gian cấp phép xây dựng (CPXD) đã giảm xuống từ 10-15 ngày. Việc chấp hành quy định CPXD của nhân dân đã chuyển biến rõ rệt, số lượng hồ sơ đề nghị cấp phép khi có nhu cầu xây dựng ngày càng tăng. Trong năm 2017, Thành phố Nam Định đã tiếp nhận và giải quyết hơn 596 hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng (GPXD). Trong đó, có 565 trường hợp thuộc lĩnh vực nhà ở đô thị, 20 trường hợp thuộc lĩnh vực nhà ở nông thôn và 11 GPXD tạm. Cùng với cải thiện quy trình CPXD, Phòng Quản lý đô thị cũng tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định số 807/2012/QĐ-UBND ngày 24-4-2012 quy định quy trình xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đô thị và trách nhiệm của UBND các phường, xã; Đội quản lý trật tự đô thị thành phố, Công an thành phố, Phòng Quản lý đô thị thành phố. Theo đó, tăng cường trách nhiệm của UBND phường, xã trong quản lý trật tự xây dựng, bảo đảm mọi vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện và xử lý ngay trong thời hạn 2 ngày kể từ khi xuất hiện, kiên quyết không để vi phạm phát sinh kéo dài phức tạp. Đối với các vụ việc vi phạm không xác định được người vi phạm, UBND phường, xã phải lập biên bản và tổ chức khắc phục, khôi phục lại hiện trạng ban đầu trong vòng 8 tiếng kể từ khi phát hiện. Đối với các hành vi vi phạm trật tự đô thị của tổ chức, cá nhân, UBND phường, xã phải lập biên bản xử lý, xử phạt theo đúng quy trình. Trong vòng 24 tiếng, các tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện việc khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu thì UBND phường, xã phải tổ chức thực hiện các biện pháp phá dỡ, khôi phục hiện trạng ban đầu sau 3 ngày kể từ khi có quyết định đình chỉ thi công xây dựng. Các đơn vị như Đội quản lý trật tự đô thị, Công an thành phố, Phòng Quản lý đô thị, Phòng TN và MT có trách nhiệm phối hợp với UBND phường, xã thực hiện theo đúng quy trình xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý đô thị, quản lý đất đai. Đồng thời, đẩy mạnh tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới về Luật Xây dựng, nghị định, thông tư mới về CPXD, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Nhờ thế, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị từng bước được hạn chế, nhiều vụ việc vi phạm đã được phát hiện sớm, ngăn chặn, khắc phục kịp thời, ý thức chấp hành pháp luật xây dựng của người dân được nâng lên.
Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, tình hình quản lý trật tự xây dựng ở các địa phương còn tồn tại một số vụ vi phạm xây dựng trái phép mang tính phức tạp vượt thẩm quyền xử lý của cấp cơ sở phường, xã. Qua thanh tra, kiểm tra ở cơ sở đã phát hiện và xử lý kịp thời 125 công trình xây dựng không phép, 16 công trình xây dựng sai so với GPXD. Tình trạng xây dựng không phép chủ yếu tập trung ở các hộ dân cư thôn xóm thuộc địa bàn các xã ngoại thành Nam Vân, Nam Phong, Lộc An, Lộc Hòa. Có 7 vụ việc vi phạm về trật tự xây dựng vượt thẩm quyền, các phường, xã đã báo cáo với UBND thành phố để xử lý kịp thời, dứt điểm như hoạt động xây dựng trái phép của Cty CP Thành Phát trên đường Song Hào (phường Trần Quang Khải), Cty CP Xây dựng Thủy lợi Sông Hồng, Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Sinh Thái xây dựng không đúng GPXD. Đơn cử như Cty CP May Sông Hồng xây dựng công trình không có GPXD trên diện tích 1.600m2 tại số 105 đường Nguyễn Đức Thuận trong tháng 8 vừa qua. Tại thời điểm kiểm tra công trình đã được xây dựng xong khung cột sắt 4 tầng và đang xây dựng tường phía bắc. Sau khi phát hiện sự việc, UBND phường Thống Nhất đã phối hợp với Đội quản lý trật tự đô thị thành phố tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu Cty CP May Sông Hồng ngừng thi công xây dựng, đồng thời, chuyển hồ sơ vi phạm về Phòng Quản lý đô thị thành phố. UBND thành phố đã có Quyết định số 4520/QĐ-XPVPHC ngày 11-9-2017 xử phạt Cty 40 triệu đồng, yêu cầu ngừng thi công công trình xây dựng và hoàn thiện thủ tục CPXD theo quy định. Đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng chây ỳ, cố tình vi phạm, UBND thành phố kiên quyết cưỡng chế xử lý, không để kéo dài phức tạp. Mới đây, thành phố đã tiến hành cưỡng chế Cty CP Xây dựng Thủy lợi Sông Hồng tại số 20 đường Trần Nhật Duật phường Trần Tế Xương không tự giác ngừng thi công xây dựng trái phép một số ki-ốt kinh doanh dịch vụ tại lô đất số 6 và số 7. Đồng thời xử phạt theo điểm c, khoản 6, Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi xây dựng công trình không có GPXD. Bên cạnh đó, Phòng Quản lý đô thị cũng chỉ đạo các chuyên viên tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ, chủ động phát hiện, báo cáo xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Mới đây, thành phố tiếp tục chỉ đạo phường Ngô Quyền ngăn chặn việc tự ý sửa chữa cải tạo vỉa hè đường Trần Phú khi chưa có giấy phép tại khu vực Chùa Vọng Cung. Chủ đầu tư đã tạm ngừng thi công và cam kết hoàn thiện các thủ tục về CPXD. Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính của tình trạng lộn xộn trong quản lý trật tự xây dựng là do cán bộ chuyên trách ở phường, xã chưa tập trung cao cho công tác phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng đô thị, có dấu hiệu buông lỏng, nể nang; ý thức người dân chưa cao, đặc biệt là ở các khu: tái định cư, đô thị mới giáp ranh khu dân cư cũ, ngoại thành. Các hình thức xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, đa phần mới chỉ dừng lại ở lập biên bản vi phạm hành chính, chưa phát hiện kịp thời vi phạm ngay từ lúc khởi công công trình. Cán bộ quản lý xây dựng ở phường, xã chưa nắm rõ quyền hạn về kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng thành phố, còn kiêng nể, e dè đối với các công trình dự án lớn.
Để công tác quản lý trật tự xây dựng của Thành phố Nam Định đi vào nề nếp, có hiệu quả, các phường, xã phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng. Thành lập tổ hoặc ban quản lý chuyên ngành trật tự xây dựng của địa phương, quy định rõ trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan, tổ chức, đoàn thể liên quan; kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ lúc có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng. Hằng tháng, các phường, xã, Đội quản lý trật tự đô thị phải báo cáo tình hình vi phạm trật tự xây dựng ở địa phương; phân loại từng hạng mục công trình, từng loại vi phạm. Khắc phục tình trạng trách nhiệm tập thể, kiêng nể, né tránh trong xử lý vi phạm. Có như vậy, trật tự xây dựng trên thành phố mới được đảm bảo đúng quy hoạch đã phê duyệt, để Thành phố Nam Định phát triển bền vững theo tiêu chí “Sáng - xanh - sạch - đẹp”./.
Bài và ảnh: Đức Toàn