Năm 2017, một trong những kết quả nổi bật của ngành Công thương là hoàn tất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và triển khai kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, góp phần đáp ứng nhu cầu lựa chọn địa điểm, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp tại các CCN ước đạt 6.415 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2016.
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty TNHH Nam Âu, xã Hiển Khánh (Vụ Bản). |
Từ năm 2017 trở về trước, toàn tỉnh có 20 CCN cấp huyện đang hoạt động với tổng diện tích 339,25ha, là “xương sống” thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn. Cả 20 CCN tập trung đã đi vào hoạt động từ trước năm 2010 với hạ tầng cơ sở tương đối hoàn chỉnh. Các CCN đã thu hút 471 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 3.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 19 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các CCN vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế kết quả thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề. Trước tình hình thực tế trên, sau khi rà soát, căn cứ vào đặc điểm tình hình của từng địa phương và các quy hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN, sử dụng đất của tỉnh và các huyện... Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh Quy hoạch phát triển các CCN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo các giai đoạn: giai đoạn đến năm 2020, ngoài 20 CCN đã hoạt động sẽ xây dựng mới thêm 8 CCN với tổng diện tích gần 130ha, bổ sung 13 CCN, diện tích 234,2ha; giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng mới 6 CCN với tổng diện tích trên 128ha, bổ sung 9 CCN với diện tích 250ha và mở rộng 23 CCN với diện tích 426,7ha. Theo địa bàn phân bố các CCN đến năm 2025: huyện Ý Yên có 10 CCN với diện tích là 320,25ha; huyện Hải Hậu có 9 CCN với tổng diện tích 227,6ha; các huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng mỗi huyện có 7 CCN với diện tích lần lượt là 158,11ha và 181ha; huyện Vụ Bản có 6 CCN với diện tích 181,7ha; các huyện Giao Thủy, Trực Ninh mỗi huyện có 5 CCN với diện tích lần lượt là 115ha và 127,66ha; huyện Nam Trực có 4 CCN với diện tích 121,65ha; riêng Thành phố Nam Định vẫn giữ nguyên 1 CCN với diện tích 97ha. Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định điều chỉnh quy hoạch các CCN, UBND các huyện đã nỗ lực triển khai thu hút, đầu tư xây dựng, phát triển các CCN theo hướng phù hợp với quy hoạch và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển CN-TTCN. Căn cứ Quy hoạch điều chỉnh và tình hình thực tế tại địa phương, UBND huyện Hải Hậu đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, chủ động cung ứng mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại CCN. Đến hết năm 2017, ngoài 3 CCN trong quy hoạch cũ là Hải Minh, Thịnh Long, Hải Phương được UBND tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đã đi vào hoạt động ổn định, còn có 3 CCN (cũng trong quy hoạch cũ) đã được triển khai là các CCN: Hải Thanh, Hải Hưng và Thị trấn Yên Định. Hiện tại, các CCN này đã thu hút được 11 doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút khoảng 1.500 lao động; các Cty CP Đầu tư Hải Đường; Cty TNHH Kỹ thuật điện tử MSL Việt Nam (dự án 100% vốn đầu tư Đài Loan) đang hoàn thiện nhà xưởng và tiếp tục tuyển thêm công nhân. Ngoài ra, huyện Hải Hậu đang tích cực kêu gọi thu hút đầu tư 3 CCN bổ sung mới vào quy hoạch là: Hải Đông, diện tích 50ha; Hải Xuân, diện tích 30ha; Hải Phong, diện tích 20ha. Tại huyện Nghĩa Hưng, theo Quy hoạch điều chỉnh, đến năm 2025 trên địa bàn huyện sẽ phát triển tổng số 7 CCN; trong đó ngoài 3 CCN cũ là: Nghĩa Sơn, Liễu Đề, Quỹ Nhất sẽ bổ sung 4 CCN mới là Nghĩa Thái, Nghĩa Phong, Nghĩa Minh, Nghĩa Lạc với tổng diện tích 110ha. Trong đó, CCN Nghĩa Thái, diện tích giai đoạn I là 10ha đã thu hút được dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm trang phục xuất khẩu với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng của Cty CP May Sông Hồng, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Tại CCN Nghĩa Minh diện tích giai đoạn I là 20ha đã thu hút được 2 dự án đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu của các Cty TNHH Golden Victory Việt Nam diện tích 9,3ha và Cty TNHH Bunda với diện tích khoảng 12,5ha. Ở huyện Vụ Bản, CCN Hiển Khánh với diện tích giai đoạn I là 20ha đã thu hút được dự án đầu tư của các Cty CP May Nam Âu đầu tư 85,7 tỷ đồng xây dựng nhà máy may công nghiệp xuất khẩu với tổng diện tích gần 6ha; Cty TNHH Enter.B (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu với quy mô khoảng 1.000 lao động tập trung…
Với việc kịp thời điều chỉnh Quy hoạch phát triển các CCN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 là cơ sở vững chắc để ngành Công thương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ; UBND các huyện, thành phố có căn cứ rõ ràng để xây dựng lộ trình, kế hoạch phù hợp đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, phát triển CN-TTCN trên địa bàn. Bước sang năm 2018, năm “bản lề”, có tính quyết định hoàn thành các các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công thương và UBND các địa phương cần chủ động căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt để kêu gọi đầu tư; chú trọng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ, tạo ra nhiều lợi thế ưu đãi cho doanh nghiệp. Đặc biệt nghiên cứu kỹ các tiềm năng sẵn có của địa phương và có định hướng ưu tiên tập trung phát triển rõ ràng để kêu gọi đầu tư. Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo sức hấp dẫn để các CCN còn trống sẽ thu hút được các dự án lớn vào đầu tư phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội. Năm 2018 toàn tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 54,95 nghìn tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng từ 13% trở lên so với năm 2017; giá trị xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD./.
Bài và ảnh: Thành Trung