Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã nỗ lực tập trung lãnh đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng hướng đến mục tiêu trở thành thị xã ven biển trong tương lai gần. Trong lộ trình phát triển đó, nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng trên địa bàn đang phát huy vai trò quan trọng trong đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, khai thác, chế biến thủy hải sản, sản xuất vật liệu xây dựng, kéo sợi, dệt lưới và các loại hình dịch vụ thương mại, du lịch… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng giúp Cty CP Chế biến hải sản Nam Định có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. |
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, UBND thị trấn đã tập trung chỉ đạo, khuyến khích thúc đẩy phát triển công nghiệp ở địa phương. Hiện nay trên địa bàn thị trấn có 6 Cty chế biến thủy sản, 5 cơ sở làm nước mắm, mắm tôm, hàng chục cơ sở sản xuất sợi cước và gần 200 hộ sản xuất, kinh doanh các loại hình dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Là một trong những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn trên địa bàn, Cty CP Chế biến hải sản Nam Định từ nhiều năm qua là khách hàng “ruột” của Ngân hàng NN và PTNT huyện Hải Hậu. Với sự hỗ trợ kịp thời của nguồn vốn vay ngân hàng, Cty đã có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất nhà xưởng, xây thêm bể chứa, đáp ứng yêu cầu tăng năng suất, chất lượng sản phẩm theo nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Có vốn, Cty đã chủ động ký hợp đồng với các chủ tàu chuyên khai thác thủy hải sản trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh để thu mua cá, tôm, tép, sứa theo mùa để có nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng, ổn định phục vụ sản xuất. Đồng thời Cty cũng xây dựng thành công thương hiệu “Ninh Cơ” tạo cơ hội mở rộng thị trường cho các sản phẩm của mình, từng bước tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng. Mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nên đến nay mỗi năm Cty sản xuất và tiêu thụ trên 1.500 lít nước mắm, mắm tôm và hàng trăm tấn sứa thành phẩm, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho 50 lao động với mức lương bình quân từ 5-5,5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đóng góp tích cực cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM ở địa phương. Đồng chí Nguyễn Thị Yêu, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) tổ dân phố 15 cho biết: Hiện nay, tổ đang thực hiện cho vay vốn tín dụng chính sách theo 5 chương trình, gồm: hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, giải quyết việc làm và học sinh, sinh viên. Đến hết năm 2017, tổng dư nợ tổ đang quản lý là 1 tỷ 160 triệu đồng, với 35 thành viên vay vốn. Có 100% thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm hằng tháng với số dư tiền gửi là 33 triệu đồng. Nhờ được vay vốn, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn đã mua sắm được dụng cụ, phương tiện phục vụ sản xuất, chăn nuôi như: máy cày, máy tưới, xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi và mua sắm được các phương tiện sinh hoạt, đi lại phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Điển hình như hộ chị Nguyễn Thị Suất vay theo chương trình hộ nghèo số tiền 50 triệu đồng mua 15 con lợn giống, 120 gà, vịt các loại và cải tạo 1.500m2 vườn tạp để trồng rau màu các loại, cho thu nhập ổn định; hộ chị Trần Thị Đậu vay 40 triệu đồng chương trình học sinh, sinh viên để nuôi con ăn học, đến nay con ra trường có việc làm và thu nhập gửi tiền về trả nợ, trả lãi đầy đủ.
Hiện nay trên địa bàn thị trấn có các ngân hàng: NN và PTNT, Công thương, Ngoại thương và Ngân hàng CSXH đang hoạt động. Tính đến thời điểm này, các đơn vị đang giải ngân cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ gia đình vay trên 200 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng thực sự là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. Để người dân thuận lợi trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, UBND thị trấn đã tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng, trong đó ưu tiên nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Chỉ đạo các hội, đoàn thể tích cực phối hợp với các ngân hàng chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các chương trình tín dụng để người dân biết, từ đó nhanh chóng tiếp cận với các nguồn vốn vay phù hợp và bảo đảm sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Riêng đối với nguồn vốn tín dụng chính sách, UBND thị trấn yêu cầu các hội, đoàn thể nhận ủy thác, bao gồm: Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên chủ động phối hợp với ngân hàng CSXH, các tổ TK và VV ở các tổ dân phố thực hiện bình xét, quyết định về khoản vay, kỳ hạn, mức vay đối với từng hộ vay phải bảo đảm công khai, dân chủ, nguồn vốn vay đến đúng đối tượng và người vay sử dụng vốn đúng mục đích. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tập trung ưu tiên vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay phát triển ngành nghề. Trước đây, do thiếu vốn nên nhiều hộ gia đình chỉ làm nông nghiệp thuần túy nên thu nhập thấp. Những năm gần đây, được các cấp chính quyền tạo điều kiện, các ngân hàng cho vay vốn, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã phát triển mạnh; nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi thủy sản mang lại nguồn thu nhập cao. Đến nay, thị trấn đã hình thành được vùng chuyên canh thủy sản và xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả. Cùng với đó, nghề sản xuất sợi, dệt lưới, kinh doanh dịch vụ du lịch cũng không ngừng mở rộng về quy mô, năng suất và chất lượng sản phẩm. Do vậy, cơ cấu kinh tế của thị trấn ngày càng có sự chuyển dịch tích cực. Đây là cơ sở để địa phương tiếp tục thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh: Văn Đại