Nỗ lực phát triển kinh tế gia đình từ nghề truyền thống

08:01, 02/01/2018

Từ xa xưa, huyện Ý Yên đã được coi là “đất trăm nghề”, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng cả nước như: sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá, khảm trai Ninh Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên… Nối nghiệp nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, nhiều thanh niên Yên Ninh hiện đang gắn bó, làm giàu từ nghề, qua đó, khẳng định vai trò của thanh niên trong việc tiếp thu, “giữ lửa” cho các làng nghề phát triển.

Anh Ninh Khắc Giang (bên phải) hướng dẫn thợ trẻ thao tác máy CNC.
Anh Ninh Khắc Giang (bên phải) hướng dẫn thợ trẻ thao tác máy CNC.

Mới ngoài 30 tuổi nhưng Ninh Khắc Giang, sinh năm 1986, CCN 2, xã Yên Ninh đã là tỷ phú nghề gỗ. Tốt nghiệp THCS, anh Giang từng có thời gian vào Vũng Tàu mưu sinh. Có công việc ổn định liên quan đến nghề vận tải dầu khí ở Vũng Tàu nhưng Giang vẫn quyết tâm về quê lập nghiệp. “Có nhiều cái “thuận” khi tôi trở về quê. Thứ nhất, ngành nghề mộc của xã tôi đang rất phát triển. Thứ hai, ngay từ bé tôi đã được học nghề, thạo nghề. Có nghề trong tay lo gì không ổn định được cuộc sống”, Giang chia sẻ. Nghĩ là làm, cuối năm 2010 đầu năm 2011, Giang rời Vũng Tàu về nhà. Mất nửa năm quan sát nhu cầu thị trường của cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng đồ gỗ, Giang xác định cho mình hướng kinh doanh riêng, khác con đường mà bố mẹ, nhiều người trong làng vẫn làm. Theo đó, anh không đầu tư mở xưởng sản xuất ngay mà mở cơ sở cung cấp gỗ. Mở xưởng, Giang gặp không ít khó khăn trong đó vốn là khó khăn lớn nhất. Mạnh dạn vay mượn từ anh em, bạn bè, để có nguồn gỗ ổn định cung cấp cho thị trường, Giang lặn lội sang tận Trung Quốc, Căm-pu-chia, các tỉnh như Đắc Lắc, Gia Lai, Đồng Nai… để nhập hàng. Trong một lần sang Trung Quốc, Giang tìm hiểu và được biết về dòng máy CNC chuyên dùng đục các sản phẩm đồ gỗ. Việc sử dụng máy CNC sẽ giúp thời gian gia công sản phẩm nhanh, đặc biệt năng suất khi cùng một lúc cho ra được nhiều sản phẩm với độ chính xác cao, đồng nhất về kích thước, thích hợp để sản xuất hàng loạt… Sau khi tìm hiểu và thấy rõ những ưu điểm khi ứng dụng máy móc vào việc đục, chế tác đồ gỗ, anh mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng mua dàn máy CNC đầu tiên trong xã. Từ 1 máy CNC đầu tiên, hiện nay anh có 10 máy CNC, nhận đục thành phẩm cho các hộ gia đình trong, ngoài xã. Giang còn nhập bán, chuyển giao công nghệ cho các chủ xưởng gỗ có nhu cầu về máy CNC. Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, hiện Ninh Khắc Giang có 4 xưởng gỗ với diện tích nhà xưởng trên 1.000m2, tạo việc làm cho 4 lao động, mức lương 7 triệu đồng/người/tháng. Từ đầu năm 2017 đến nay, trừ chi phí, Giang ước tính thu nhập 1 tỷ đồng. Đến thăm xưởng trưng bày đồ gỗ của anh Ninh Văn Cường, xóm Hùng Thắng, đồng chí Ninh Khắc Hùng, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Yên Ninh cho biết: “Đây là cơ sở duy nhất sản xuất các mặt hàng gỗ mun cao cấp ở xã”. Có gần 8 năm theo nghề mộc, cũng giống như nhiều thanh niên khác ở Yên Ninh, anh Cường xác định học nghề từ rất sớm. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của gia đình, Cường nhanh chóng mở cơ sở sản xuất riêng. “Ở xã tôi, bước chân ra đường là gặp xưởng gỗ, thấy gỗ. Nếu như không có cách làm mới, tôi nghĩ cơ hội thành công sẽ khó hơn. Chính vì vậy, tôi tìm đến dòng gỗ mun và chỉ nhận đóng các sản phẩm cao cấp từ loại gỗ này”, anh Cường chia sẻ. Hướng đi mới mẻ này nhanh chóng giúp Cường khẳng định được “thương hiệu” cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, các sản phẩm gỗ dân dụng cao cấp từ xưởng của Ninh Văn Cường hiện có thị trường rộng lớn trong cả nước. Cơ sở sản xuất đồ gỗ của anh hiện tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với mức lương 6-7 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hằng tháng trừ chi phí đạt 30 triệu đồng.

Ninh Khắc Giang, Ninh Văn Cường chỉ là 2 trong số nhiều triệu phú, tỷ phú trẻ ở Yên Ninh. Với gần 500 ĐVTN, sinh hoạt tại 13 chi đoàn, 100% thanh niên Yên Ninh chọn nghề mộc để phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, 80-85% thanh niên mở được cơ sở sản xuất đồ gỗ riêng với nhiều máy móc hiện đại như: máy cưa, bào, khoan, tiện, vanh, chà, một số xưởng có máy CNC... Cả xã hiện có trên 100 xưởng gỗ do thanh niên làm chủ cho thu nhập từ 150 triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Lực lượng thanh niên hiện chủ yếu tập trung vào các mảng sản xuất gỗ chính: đục sản phẩm đồ thờ dùng cho Phật giáo. Sản xuất các mặt hàng đồ gỗ gia dụng như: giường, tủ, bàn ghế, cửa các loại, chấn song và tay vịn cầu thang, hàng trang trí nội thất… Không chỉ sản xuất các mặt hàng gỗ gia dụng, thợ gỗ trẻ ở Yên Ninh còn được đánh giá cao khi đục, chế tác những sản phẩm đồ gỗ cao cấp, cầu kỳ, sang trọng theo phong cách truyền thống như: tủ chè, sập gụ, sập lim, chạm trổ hoa văn các loại… tuỳ theo nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh việc sản xuất, chế tác đồ gỗ, một số thanh niên Yên Ninh đang mạnh dạn thử sức ở các lĩnh vực kinh doanh, chế biến gỗ, mua bán các loại máy phục vụ cho nghề mộc. Năng động, dám nghĩ dám làm, lớp thợ trẻ yêu nghề ở Yên Ninh đang góp phần tích cực mở rộng thị trường, duy trì và phát triển nghề mộc truyền thống. Từ đó khẳng định thương hiệu gỗ La Xuyên ở hầu khắp các thị trường trong nước; giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hiện, Yên Ninh đang thu hút một số lượng lao động rất lớn trong độ tuổi thanh niên ở các xã, thị trấn lân cận như Yên Mỹ, Yên Dương, Yên Hồng, Thị trấn Gôi (Vụ Bản) đến làm việc trực tiếp tại các cơ sở sản xuất đồ gỗ hoặc nhận làm các đầu mối, “vệ tinh”... Theo ước tính trung bình một xưởng mộc ở Yên Ninh tạo việc làm cho ít nhất 3 lao động thì 70% trong số đó là thanh niên. Thời gian tới, để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế từ nghề chạm khắc gỗ truyền thống, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức Đoàn Thanh niên xã Yên Ninh có nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên như: tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay, tổ chức các lớp học nghề tại chỗ, từ đó giúp thợ trẻ nâng cao tay nghề, kỹ năng, tiếp cận các xu hướng mới của thị trường…

Với tinh thần vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, nhiều thanh niên xã Yên Ninh đã biết khai thác, phát huy thế mạnh địa phương để vươn lên làm giàu, đồng thời góp phần xây dựng, phát huy và bảo tồn nghề truyền thống của cha ông, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com