Kiên quyết ngăn chặn vi phạm trong lĩnh vực xây dựng

09:01, 26/01/2018

Thực hiện Luật Xây dựng 2014, ngày 27-11-2017 các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng tiếp tục được ban hành tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Với việc quy định xử phạt toàn diện các vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là hành lang pháp lý để xử lý các vi phạm xây dựng.

Để xử lý những vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo Luật Xây dựng 2003, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP trong quá trình thi hành Nghị định 121 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Chẳng hạn tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 121 chỉ quy định phạt tiền đối với các trường hợp không đủ điều kiện khởi công mà không quy định biện pháp khắc phục hậu quả. Hay đối với các trường hợp có đủ điều kiện khởi công nhưng không có giấy phép hoặc xây dựng sai phép quy định tại khoản 5, khoản 6, Điều 13 thì ngoài hình thức phạt tiền, chủ đầu tư phải nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được bằng 40% (hoặc 50%) giá trị phần xây dựng sai phép, không phép. Điều này làm mất tính công bằng trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp liên quan, tạo cơ sở chủ đầu tư “sẵn sàng” nộp phạt để vi phạm. Bên cạnh đó, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng 2003 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và Nghị định số 121 được ban hành trên cơ sở pháp lý là Luật Xây dựng năm 2003 và Luật Nhà ở năm 2005. Hiện nay Luật Xây dựng năm 2003 và Luật Nhà ở năm 2005 đã được thay thế bởi Luật Xây dựng năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2014. Tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật thay thế Nghị định số 180 và Nghị định số 121, gây khó khăn trong công tác quản lý, xử lý đối với các trường hợp xây dựng công trình sau ngày 1-1-2015. Như trường hợp xây dựng đúng nội dung cấp phép nhưng giấy phép cấp sai, trái quy hoạch thì cả hai Nghị định trên đều không có quy định xử lý trường hợp này.

Thi công rãnh thoát nước thuộc dự án cải tạo nâng cấp đường trục xã Đồng Sơn (Nam Trực).
Thi công rãnh thoát nước thuộc dự án cải tạo nâng cấp đường trục xã Đồng Sơn (Nam Trực).

Nhằm khắc phục những bất cập đã tồn tại trong suốt thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-2017 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-1-2018, thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP và Nghị định 180/2007/NĐ-CP, với mong muốn tất cả các hành vi vi phạm trật tự xây dựng đều được khắc phục triệt để, trong đó đáng chú ý là tăng mức xử phạt tiền. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đối với tổ chức là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Một điểm mới trong Nghị định 139 là hầu hết các vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở, ngoài phạt tiền còn quy định bổ sung thêm các biện pháp khắc phục hậu quả. Không còn công trình phạt “cho tồn tại” như trước kia nữa mà áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cho dừng 60 ngày để chủ đầu tư công trình vi phạm điều chỉnh giấy phép, xin phép xây dựng theo quy định. Các vi phạm (xây dựng sai phép, không phép đã kết thúc), ngoài việc nộp phạt còn bị buộc phải tháo dỡ phần vi phạm. Trường hợp xây sai phép, không phép đang thực hiện, chủ đầu tư sẽ bị lập biên bản yêu cầu dừng thi công. Trong khoảng thời gian 60 ngày (kể từ ngày lập biên bản) chủ đầu tư phải xin điều chỉnh hoặc cấp mới giấy phép xây dựng. Hết thời hạn mà không xuất trình được giấy phép mới thì phải tháo dỡ phần vi phạm. Đối với công trình đang xây dựng mà sai chỉ giới xây dựng, cơi nới lấn chiếm sẽ phải tháo dỡ ngay. Riêng đối với nhà ở riêng lẻ vi phạm thuộc trường hợp này thì chủ nhà không phải nộp lại số lợi bất hợp pháp tính theo tỷ lệ giá trị phần xây dựng sai phép, không phép. Các điều kiện nói trên là không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Các vi phạm trong các lĩnh vực: trật tự xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và bất động sản cũng được quy định biện pháp xử lý cụ thể phân theo nhóm chủ đề vi phạm là người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và nhà thầu, tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời bổ sung các quy định xử lý vi phạm về khảo sát xây dựng, quy định về lập quy hoạch xây dựng; điều khoản phê duyệt dự toán có nội dung áp giá vật tư, vật liệu thiết bị không phù hợp với mặt bằng giá thị trường khu vực xây dựng công trình hoặc không phù hợp với quy định tại thời điểm xác định dự toán gói thầu đối với công trình sử dụng vốn Nhà nước. Trong lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, trật tự xây dựng cũng quy định bổ sung các nhóm hành vi vi phạm như các hành vi không nộp báo cáo khởi công, chậm bàn giao dự án, vi phạm hợp đồng xây dựng với chế tài mạnh mẽ.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng trong năm 2017, Thanh tra Sở Xây dựng triển khai 12 cuộc thanh tra chuyên ngành và 1 cuộc kiểm tra chung trên địa bàn tỉnh. Các cuộc thanh tra đã có kết luận xử lý, thu hồi, kiến nghị cắt giảm và xử phạt vi phạm hành chính về kinh tế do nghiệm thu không đúng khối lượng thực tế và sai giấy phép xây dựng gồm: dự án Cải tạo, nâng cấp mở rộng trụ sở UBND xã Nam Phong (TP Nam Định); Thanh tra việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư xây dựng đối với UBND Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) giai đoạn 2015-2016; Trường Tiểu học xã Hải Thanh (Hải Hậu); Trường Mầm non xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng). Tổng số tiền thu hồi qua thanh tra, xử lý vi phạm lĩnh vực xây dựng là 804 triệu đồng; tổng số tiền khi quyết toán phải cắt giảm là 256 triệu đồng; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 60 triệu đồng. Cũng theo chuyên gia Sở Xây dựng, với Nghị định 139 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, có nhiều chế tài, vừa siết chặt có tính răn đe phòng ngừa ngăn chặn vi phạm nhưng cũng có những chi tiết mang tính nhân văn như việc bổ sung quy định cho chủ đầu tư thời hạn 60 ngày để hoàn tất thủ tục hồ sơ để khắc phục vi phạm. Quy định mới với chế tài đầy đủ sẽ chấm dứt tình trạng cố tình làm sai, xây liều, xây không phép, chấp nhận nộp phạt và gần như chắc chắn được hợp thức hóa cho tồn tại dẫn đến phá vỡ quy hoạch, “nhờn” luật. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương tổ chức tập huấn hướng dẫn, quán triệt, phổ biến Nghị định 139 và các văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm tạo môi trường xây dựng quy củ, nề nếp, đảm bảo chất lượng, an toàn công trình./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com