Hải Hậu phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

09:01, 30/01/2018

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một trong những khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Những năm qua, huyện Hải Hậu tập trung mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, khẳng định hướng đi vững chắc cho một nền nông nghiệp xanh, sạch và chất lượng cao.

Trang trại của ông Nguyễn Văn Công, xóm Đức Thuận, xã Hải Xuân mỗi năm xuất ra thị trường theo chuỗi liên kết gần 9,5 triệu quả trứng gà.
Trang trại của ông Nguyễn Văn Công, xóm Đức Thuận, xã Hải Xuân mỗi năm xuất ra thị trường theo chuỗi liên kết gần 9,5 triệu quả trứng gà.

Xác định việc dồn điền, đổi thửa là tiền đề quan trọng trong xây dựng NTM, do đó huyện Hải Hậu đã tập trung chỉ đạo 35/35 xã, thị trấn tập trung thực hiện và đã hoàn thành ngay trong năm 2011. Qua dồn điền, đổi thửa, huyện đã giảm số thửa bình quân xuống còn 1,9 thửa/hộ; tập trung được 321 vùng đất công, 405 vùng sản xuất, 709ha đất để xây dựng các công trình công cộng. Đặc biệt, sau dồn điền, đổi thửa, các địa phương trong huyện đã động viên nhân dân đóng góp 345ha đất để mở rộng đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Huyện đã xây dựng được 1.165 tuyến đường nội đồng với chiều dài gần 800km đạt chuẩn quy định, tổng kinh phí trên 20.583 tỷ đồng; kết hợp với hệ thống cầu cống trên tuyến được bố trí hợp lý đã đáp ứng khá tốt việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hệ thống thủy lợi được xây dựng hoàn chỉnh, phù hợp với quy hoạch sản xuất gồm: 2.907km kênh các cấp; 6.738 cống, 300 đập các loại, 122 trạm bơm; hằng năm nạo vét và đào đắp từ 140-160 nghìn m3 và sửa chữa, xây mới 50-100 cống cấp III. Từ thực hiện tốt quy hoạch và đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, đến nay, trên địa bàn Hải Hậu đã hình thành 7 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Vùng trồng lúa chất lượng cao với thương hiệu gạo tám Hải Hậu tại 33/35 xã, thị trấn, diện tích 7.600ha cho thu nhập 95-100 triệu đồng/ha/năm. Vùng trồng cây dược liệu 640ha gồm các loại cây: đinh lăng, dây thìa canh tập trung tại các xã Hải Lộc, Hải Quang, Hải Châu… cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha/năm. Vùng nuôi tôm, cá nước mặn lợ tập trung tại các xã ven biển như: Hải Chính, Hải Triều, Hải Đông… cho thu nhập từ 650-750 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, huyện còn có các vùng chuyên canh tập trung như: vùng sản xuất rau an toàn diện tích 1.800ha tại các xã, thị trấn: Hải An, Thịnh Long, Hải Hòa…; vùng nuôi cá nước ngọt tại các xã, thị trấn: Hải An, Hải Châu, Cồn, Hải Lộc…; vùng trồng hoa, cây cảnh tại 20 làng nghề trồng hoa cây cảnh với tổng diện tích 541ha cho thu từ 200-250 triệu đồng/ha/năm... Việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là cơ sở để huyện Hải Hậu thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững, phát triển, huyện Hải Hậu đã mở rộng các mô hình liên kết trong sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức khép kín tạo thành chuỗi giá trị trên địa bàn. Nổi bật là mô hình liên kết sản xuất gạo sạch, gạo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 130ha với các Cty TNHH Toản Xuân, Cty CP Tiến Vua. Trong mô hình này, các Cty ứng trước cho người nông dân lúa giống, phân bón NPK và thu mua thóc tươi tại đầu bờ với giá cao hơn thị trường từ 8-9%. Ở vùng lúa đặc sản (giống lúa tám xoan và nếp cái hoa vàng) của các xã Hải Phong, Hải Đường, Hải Châu… đã thành lập 1 hiệp hội và 3 tổ hợp tác tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi với quy mô 500ha, cho thu nhập 54-65 triệu đồng/ha/vụ. Đồng chí Vũ Văn Triển, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Ngoài 2 mô hình liên kết theo chuỗi kể trên, hiện nay, tại các xã Hải Lộc, Hải Quang, Hải An… thực hiện liên kết sản xuất 185ha cây dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) thông qua Cty CP Traphaco và Cty CP Nam Dược. Các Cty bao tiêu 100% sản phẩm cho nông dân, mô hình hiện cho thu nhập từ 420-560 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có 1 HTX, 3 tổ hợp tác, 5 làng nghề dược liệu và 10 cơ sở là cầu nối giữa người sản xuất và Cty. Trong chăn nuôi, huyện thường xuyên duy trì trên 45 nghìn đầu lợn nái Móng Cái và 120 trang trại chăn nuôi, 1 Cty sản xuất giống lợn (quy mô trên 600 đầu nái ngoại), 1 trại giống lợn đặc sản và 10 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh. Số lợn nái trên chủ yếu được phối tinh nhân tạo, tạo ra sản phẩm lợn sữa phục vụ chế biến xuất khẩu, là cơ sở đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa của huyện. Hiện nay, huyện đã xây dựng được một số trang trại chăn nuôi tiêu biểu đạt tiêu chuẩn VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là trang trại của ông Nguyễn Văn Công, xóm Đức Thuận, xã Hải Xuân thường xuyên nuôi 35 nghìn con gà đẻ trứng, hằng năm xuất ra thị trường theo chuỗi liên kết gần 9,5 triệu quả trứng cho Nhà máy Bánh kẹo Đông Hưng (Thái Bình). Trang trại của ông Nguyễn Lương Bằng, xóm 10, xã Hải Trung nuôi 500 con thỏ bố mẹ liên kết tiêu thụ sản phẩm với Cty Công nghệ sinh học Konishi ở Quế Võ (Bắc Ninh) chuyên sản xuất vắc-xin. Ông Bằng cho biết: Hằng năm, trang trại của ông xuất bán 18 nghìn con (mỗi con nặng khoảng 2,2kg) với giá 70 nghìn đồng/kg, tổng trị giá trên 2,1 tỷ đồng. Trong vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung 1.850ha, có 150ha nuôi theo phương thức thâm canh và bán thâm canh gồm các loại cá diêu hồng, cá lóc bông… được liên kết sản xuất thông qua các đơn vị: Chi nhánh Cty Tư Thuận, xã Hải Xuân; đại lý cung ứng giống, thức ăn Trần Văn Thực, xã Hải Châu; đại lý cung ứng giống, thức ăn Trần Văn Luật, xã Hải Đông; đại lý cung ứng giống, thức ăn Trịnh Văn Kiên, xã Hải An… cho thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm. Toàn bộ diện tích nuôi thủy sản mặn lợ theo phương thức thâm canh và bán thâm canh ở huyện đều có đầu ra rất thuận lợi, được thương lái trong và ngoài tỉnh đến mua ngay tại ao đầm cho thu nhập từ 800-900 triệu đồng/ha/năm… Về khai thác hải sản, các ngư dân tích cực đầu tư đóng tàu công suất lớn, khai thác xa bờ và đổi mới tổ chức lại sản xuất. Hiện Hải Hậu có 3 HTX, 5 hiệp hội, 10 tổ đội khai thác tham gia sản xuất và phối hợp với các doanh nghiệp (Cty CP Chế biến thủy hải sản Nam Định, Cty TNHH Thịnh Long, cơ sở thu mua Thành Vui…) tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu, để tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, ngoài duy trì các mô hình liên kết kể trên, trong vụ xuân 2018 huyện Hải Hậu dự kiến liên kết sản xuất theo chuỗi  lúa giống, lúa chất lượng cao, gạo Nhật với Tổng Cty CP Giống cây trồng Thái Bình, Cty CP Giống cây trồng Trung ương, Cty TNHH Cường Tân, quy mô từ 50-100ha... làm cơ sở để mở rộng liên kết trong các vụ tiếp theo. Đồng chí Phạm Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong thời gian tới, huyện Hải Hậu tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làng nghề tập trung gắn với quy hoạch giao thông, thủy lợi, môi trường nông thôn. Đẩy mạnh xây dựng các cánh đồng liên kết, vùng sản xuất chuyên canh. Phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản theo quy mô trang trại tập trung xa khu dân cư tại các vùng được quy hoạch. Nâng cấp và phát triển các cơ sở sản xuất giống, thức ăn, cơ sở chế biến sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản sau thu hoạch. Tiếp tục khuyến khích thành lập các HTX nông nghiệp, diêm nghiệp, dược liệu, nuôi trồng và khai thác thủy sản hoạt động theo Luật HTX năm 2012; tạo điều kiện và khuyến khích các HTX liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất. Tạo điều kiện cho các cá nhân, HTX, doanh nghiệp thuê đất, góp đất để sản xuất, tham gia xây dựng các mối liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị…

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com