Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, vụ đông xuân 2017-2018 khả năng là mùa đông xuân rét, rét đậm rét hại đúng vào thời kỳ gieo cấy lúa; mực nước trên các triền sông thấp hơn trung bình nhiều năm, khả năng mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sâu gây thiếu hụt nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện đã xuống cấp, nhiều tuyến kênh bị sạt lở, bồi lắng; các cống, trạm bơm chưa đáp ứng đủ nhu cầu nước phục vụ tưới tiêu trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng như hiện nay.
Kiên cố hóa kênh cấp II Bách Tính, xã Nam Hồng (Nam Trực). |
Trước tình hình khó khăn như vậy, để đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong vụ đông xuân 2017-2018, UBND tỉnh đã có chỉ thị phát động chiến dịch thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho các địa phương phát triển vùng cánh đồng mẫu lớn và vùng trồng cây vụ đông tập trung, UBND tỉnh cũng yêu cầu các Cty TNHH một thành viên KTCTTL thuộc tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí cải tạo, kiên cố hóa tính theo mét dài kênh cấp III phục vụ xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng cây vụ đông tập trung trên đất 2 lúa khi có kinh phí đối ứng của địa phương. Theo kế hoạch, trong chiến dịch làm thủy lợi nội đồng năm nay toàn tỉnh sẽ phấn đấu đào đắp, nạo vét trên 2 triệu m3 bùn đất của các tuyến kênh mương kết hợp đắp bờ vùng, làm đường giao thông nông thôn, nạo vét các cửa cống, bể hút trạm bơm; kiên cố hóa 47km kênh các cấp; mua sắm, sửa chữa 320 máy bơm, 55 máy đóng mở các loại… Đồng thời tiến hành giải tỏa các vật cản, bèo rác, đăng đó trên kênh mương để khơi thông dòng chảy, chống ách tắc. Vụ mùa 2017, tỉnh ta chịu ảnh hưởng của bệnh lùn sọc đen trên lúa nên để tránh nguy cơ bệnh tái diễn trong vụ xuân 2018, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố; Cty KTCTTL khẩn trương nạo vét, sửa chữa công trình thủy lợi nội đồng, hoàn thành trước ngày 31-12-2017 để lấy nước ngâm ruộng sớm (kéo dài thời gian ngâm hơn mọi năm) để xử lý triệt để nguồn bệnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ trung tuần tháng 11-2017, UBND các huyện, thành phố và các Cty KTCTTL đã tập trung thực hiện công tác làm thủy lợi nội đồng. Từ tháng 9-2017, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh đã phối hợp với các phòng, ban; các xã, HTX của 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh rà soát xây dựng kế hoạch nạo vét kết hợp làm đường xây dựng NTM, tu bổ sửa chữa nâng cấp công trình kênh mương, cống đập cấp I, cấp II. Đồng chí Đặng Văn Hòa, Phó Giám đốc Cty KTCTTL Nam Ninh cho biết: Đến nay, Cty đã và đang thi công 97/98 công trình gồm: 13 cửa cống, 12 bể hút, 15 kênh cấp I, 57 kênh cấp II với khối lượng đào đắp 228.569m3, đạt 102% kế hoạch; xây đúc 103/116 công trình, đạt 90% kế hoạch, toàn bộ các công trình đã vượt mức. Toàn hệ thống đã có 54/61 HTX ra quân làm thủy lợi nội đồng nạo vét 1.015 kênh cấp III, 15 kênh khoảnh, 104 bờ vùng với khối lượng đào đắp 145.335m3, đạt 41% kế hoạch. Một số đơn vị làm thủy lợi nội đồng tốt như các HTX: Nam Hồng, Đồng Sơn, Tân Thịnh, Nam Dương (Nam Trực); Trực Nội, Liêm Hải (Trực Ninh)… Tuy nhiên, đến hết ngày 26-12-2017, vẫn còn một số HTX vẫn chưa tiến hành làm thủy lợi nội đồng như: Nam Quang, Đồng Quỹ, Hồng Thái, Nam Long (Nam Trực)… Hiện Cty và các đơn vị đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để kịp thời lấy nước phục vụ làm đất, gieo cấy theo lịch thời vụ của 2 huyện đã thống nhất. Rà soát xác định công trình trọng điểm, tập trung nhân lực phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật công trình tốt nhất phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2018 là những mục tiêu trọng tâm Cty KTCTTL Vụ Bản đề ra trong chiến dịch thủy lợi nội đồng đông xuân 2017-2018. Để nâng cao năng lực chủ động tưới vụ xuân, tiêu úng vụ mùa 2018, đến nay, Cty đã thực hiện đào đắp 109.328m3, vượt gần gấp đôi so với kế hoạch.
Theo tổng hợp của Sở NN và PTNT, tính đến ngày 27-12-2017, toàn tỉnh đã sửa chữa 29 cống dưới đê (cấp I); làm mới 73 cống, sửa chữa 170 cống điều tiết và cống cấp II; xây mới 683, sửa chữa 693 cống đập cấp III; kiên cố 92 kênh các cấp với tổng chiều dài hơn 41km; nạo vét 39 cửa cống, 20 bể hút, 31 kênh cấp I, 207 kênh cấp II, 5.373 kênh cấp III, 3.237 kênh khoảnh và bờ vùng... Tổng khối lượng đào đắp 1.715.400m3, đạt 83,39% so với kế hoạch; xây 17.459m3 gạch đá; đúc 6.459m3 bê tông; sửa chữa, mua sắm thêm 37 máy bơm các loại…
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh phải hoàn thành trước ngày 31-12-2017, như vậy, tiến độ thực hiện đến nay chậm so với kế hoạch đã đề ra. Chỉ có hầu hết các Cty KTCTTL đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch. Còn về phía các địa phương, khối lượng đào đắp mới chỉ đạt 67,93%... Huyện Xuân Trường thực hiện tốt nhất khi đạt 112% so với kế hoạch; các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đạt trên 90%. Kết quả thực hiện của Thành phố Nam Định thấp nhất khi mới chỉ đạt 21% kế hoạch, tiếp theo là Nam Trực 33%, Ý Yên 46%... Tại nhiều xã, HTX công tác làm thủy lợi nội đồng triển khai rất chậm hoặc thậm chí vẫn còn HTX chưa triển khai. Nguyên nhân khách quan của việc chậm tiến độ là do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài trong tháng 10 đã gây khó khăn cho việc nạo vét, đặc biệt là cho các công trình xây đúc buộc các Cty, các địa phương phải chậm tiến độ từ 15-20 ngày so với mọi năm. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là do các địa phương chưa thực sự tích cực trong tổ chức thực hiện chiến dịch, chưa huy động tối đa sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân. Ở một số địa phương, người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động thực hiện tốt kế hoạch làm thủy lợi nội đồng từ kênh cấp III đến mặt ruộng cũng như chưa giải tỏa sạch lòng kênh để đảm bảo tưới tiêu nước phục vụ sản xuất. Còn nhiều vi phạm công trình thủy lợi như: làm nhà trên mái kênh, lòng kênh; xả nước, rác thải ra lòng kênh gây ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến điều hành nước tưới tiêu trước mắt cũng như lâu dài. Cũng trong chiến dịch làm thuỷ lợi nội đồng năm nay, các Cty và các địa phương tiếp tục thực hiện đào đắp kênh mương kết hợp làm đường giao thông nông thôn, đồng ruộng theo quy hoạch được duyệt và tiêu chí NTM. Đến hết ngày 27-12-2017, toàn tỉnh đã đắp được 189 tuyến đường giao thông nông thôn và đường nội đồng với tổng chiều dài 142.043m, khối lượng đắp đạt 445.404m3. Trong đó, có 5 tuyến đường với mặt đường rộng 7m trở lên, dài 4.950m; 25 tuyến đường, mặt rộng 5-7m, dài 23.146m; 159 tuyến đường, mặt đường rộng 3-5m, tổng chiều dài 113.947m để từng bước cứng hoá mặt đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp.
Hiện thời vụ đang rất khẩn trương, do vậy, các Cty KTCTTL cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ đào đắp nạo vét, thi công các hạng mục công trình trọng điểm; thi công đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và hoàn thành đúng kế hoạch để kịp thời gian lấy nước phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2018. Các huyện, thành phố cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn khẩn trương tập trung khắc phục khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ làm thủy lợi nội đồng. Phòng NN và PTNT các huyện phối hợp chặt chẽ với các Cty KTCTTL rà soát, khoanh vùng những khu vực không thể cày ải; chủ động phương án điều tiết nước chuyển sang làm dầm, thau chua rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng tiêu diệt mầm mống sâu bệnh để sản xuất vụ xuân năm 2018 giành thắng lợi./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh