Phát triển sản xuất rau sạch, rau an toàn là một trong những định hướng trọng điểm của đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất hiện đại, bền vững. Những năm qua, Sở NN và PTNT, một số đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn. Quá trình phát triển các mô hình giúp tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của người nông dân, mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Thế nhưng, việc nhân rộng mô hình và mở rộng quy mô sản xuất rau sạch, rau an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn?!
Tiềm năng và thách thức
Là tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, đất đai màu mỡ, tỉnh ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất rau màu. Hằng năm, toàn tỉnh gieo trồng từ 30-35 nghìn ha rau màu, trong đó riêng diện tích trồng rau đạt 16-19 nghìn ha, sản lượng khoảng trên 250 nghìn tấn. Giá trị sản lượng rau hằng năm đạt 1.400-1.500 tỷ đồng. Các sản phẩm rau quả của tỉnh chủ yếu tiêu thụ tại chỗ và các thành phố lớn trong nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng chuyên canh rau và trở thành một nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình nông dân. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha trồng rau ước đạt khoảng 180-200 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt trên 60 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như: Giao Phong, Giao Thịnh (Giao Thủy); Thịnh Long (Hải Hậu); Yên Đồng, Yên Cường, Yên Dương (Ý Yên); Nam Dương, Nam Hùng, Nam Hoa (Nam Trực)… Từ năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện mô hình xuất rau an toàn tại HTX Yên Dương (Ý Yên), quy mô 2ha với 50 hộ nông dân tham gia, loại rau chủ yếu là cải bắp được trồng trên chân đất lúa - màu. Cũng trong năm này, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Yên Nhân (Ý Yên) với diện tích 3ha củ cải đường được trồng trên chân đất thịt nhẹ, thịt pha cát. Năm 2014, Cty TNHH một thành viên Thương mại và dịch vụ Tuệ Hương đã liên kết với các hộ nông dân tại xã Yên Dương (Ý Yên) ký kết hợp đồng và tiêu thụ sản phẩm sản xuất rau an toàn với quy mô diện tích là 3,4ha. Sản phẩm chủ yếu là các loại rau như: su hào, cải bắp, súp lơ, cải cúc, cà chua, dưa chuột… Sản phẩm được Cty thu mua toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu mua 10% và được Cty bán hàng tại cửa hàng rau an toàn ở Thành phố Nam Định. Đến năm 2016, Cty TNHH Đầu tư sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco (Tập đoàn VinGroup) đã đầu tư xây dựng vùng sản xuất rau sạch, rau an toàn tại các xã Xuân Hồng, Xuân Châu (Xuân Trường) với quy mô khoảng 300ha. Hiện Cty đang sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 30ha. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được một số mô hình rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản; trồng rau hữu cơ, rau thủy canh của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh với diện tích 4ha…
Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh). |
Nhu cầu của người tiêu dùng về rau sạch ngày càng cao; nhiều giống rau mới có giá trị kinh tế được đưa vào thâm canh. Bên cạnh đó, nhu cầu về nguồn cung các sản phẩm rau an toàn số lượng lớn, ổn định cho các bếp ăn tập thể của các Cty, bệnh viện, trường học, nhà hàng... cũng mở ra thị trường tiềm năng và là đích đến cho phát triển sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì phát triển rau an toàn của tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Sau nhiều năm triển khai số lượng mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn trên địa bàn tỉnh chưa nhiều; ngoài dự án sản xuất rau VietGAP của Cty VinEco ra, quy mô sản xuất rau sạch, rau an toàn của các mô hình còn rất khiêm tốn (chỉ từ 2-4ha). Khó khăn lớn nhất là việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung, do đặc thù canh tác từ lâu đời của bà con nông dân theo dạng nhỏ lẻ, manh mún; chưa đảm bảo khối lượng cung ứng định kỳ cho doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng đồng ruộng của tỉnh tuy đã từng bước được đầu tư cải tạo, song vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất hàng hóa tập trung, nhất là sản xuất rau an toàn. Các doanh nghiệp cũng chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Một số doanh nghiệp sản xuất rau an toàn nhưng chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Một khó khăn nữa là khả năng thay đổi tập quán canh tác cũ, tiếp thu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới của người nông dân còn nhiều hạn chế, không đồng đều. Quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhìn chung còn phức tạp, nông dân khó tiếp cận, nhất là nhận diện các nguy cơ để có giải pháp xử lý theo chuỗi sản xuất...
Giải pháp phát triển bền vững
Thực tế, việc sản xuất rau sạch, rau an toàn ở tỉnh ta hiện nay có nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức. Theo đó, nhân rộng các mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn là hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Trong quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, UBND tỉnh đã quy hoạch 2.000-3.000ha sản xuất rau sạch, rau an toàn với các loại cây chính như: cà chua 200-300ha, dưa chuột 200-300ha, bí xanh 300-500ha, khoai tây 200-300ha, cải bắp 200-300ha, su hào 200-250ha... tập trung ở các xã có truyền thống làm rau màu và có chất lượng nguồn nước tốt thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực và Ý Yên. Hiện tại, Sở NN và PTNT đang trình UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục rà soát các vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn tập trung, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia thu mua sản phẩm rau an toàn cũng như đầu tư vào sản xuất rau an toàn. Cùng với đó, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất rau an toàn tập trung. Tập trung vào các giải pháp khoa học công nghệ về giống, về kỹ thuật canh tác như: sản xuất rau áp dụng công nghệ cao trong nhà màn, nhà lưới; tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân bón qua lá; tưới nước tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng rau… Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ nông dân nâng cao nhận thức, thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn từ khâu chọn giống, làm đất, phân bón, thuốc BVTV đến đầu ra cho mỗi sản phẩm; hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng…
Để phát triển thị trường tiêu thụ rau sạch, rau an toàn, điều đầu tiên là cần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm rau an toàn của tỉnh. Hỗ trợ thành lập các cửa hàng, quầy hàng bán rau an toàn. Vận động các tổ chức, nông dân tham gia các hội chợ, triển lãm sàn giao dịch trưng bày, giới thiệu sản phẩm rau an toàn trong tỉnh và các tỉnh lân cận để mở rộng quảng bá sản phẩm với người tiêu dùng… Để hiện thực được những điều này, cần có chính sách hỗ trợ cho vùng trồng rau an toàn theo quy hoạch để khuyến khích các hộ phát triển quy mô, nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn. Các ngành liên quan cần hỗ trợ những vùng sản xuất rau an toàn, những tổ hợp tác sản xuất rau xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm rau; đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, hình thành các liên kết ổn định giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau với nông dân ở vùng sản xuất rau an toàn tập trung. Đối với các tổ, nhóm sản xuất, cần củng cố tổ chức, quản lý điều hành chặt chẽ hơn; trên cơ sở nhu cầu của các thành viên, nhạy bén nắm bắt thông tin thị trường để xác định chủng loại rau sản xuất, sản lượng để xây dựng kế hoạch sản xuất, ký kết hợp đồng với những doanh nghiệp có nhu cầu...
Bài và ảnh: Ngọc Ánh