Là thành phố trung tâm tỉnh lỵ nên mật độ dân cư của Thành phố Nam Định luôn ở mức độ cao. Đáp ứng nhu cầu đô thị hóa và xu hướng phát triển, thành phố triển khai nhiều dự án khu dân cư mới như: Khu đô thị Dệt may Nam Định, khu chung cư thương mại Nam Định Tower, khu tái định cư Bãi Viên - Phúc Trọng, khu tái định cư mới tại phía nam thành phố… Sinh sống trong các chung cư cao tầng là một xu thế trong cuộc sống đô thị hiện đại. Tuy nhiên, các khu chung cư cao tầng dân cư mới với sự gia tăng mật độ dân số cơ học cao cũng tạo áp lực lớn lên hạ tầng đô thị xung quanh đòi hỏi phải có quy hoạch đảm bảo sự phát triển hài hòa, tránh nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội cũng như phát triển kinh tế, đặc biệt là với đặc thù hạ tầng giao thông nhỏ hẹp của thành phố cổ Nam Định.
Ùn tắc giao thông trên đường Giải Phóng (TP Nam Định) sát ngay trung tâm thương mại dịch vụ Nam Định Tower. |
Theo các chuyên gia xây dựng, một trong những nguyên tắc cơ bản để đô thị phát triển bền vững, không ngập nước, tắc đường, ô nhiễm môi trường… là hệ thống giao thông nói riêng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung phải “đi trước một bước” so với tốc độ xây dựng nhà ở, chung cư và các công trình kiến trúc khác. Song thực trạng hiện nay lại “ngược” quy trình này, cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thường đi sau việc xây dựng nhà cửa, hạ tầng khu chung cư… Thông thường, sau khi có quy hoạch xây dựng, các cơ quan chức năng phải lập kế hoạch phát triển đô thị, trên cơ sở nguồn vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật tới đâu thì cho phép xây dựng nhà cửa tới đó. Về tổng thể phải xem xét cả 2 yếu tố: mật độ xây dựng và mật độ cư trú đối với các khu đô thị mới, đặc biệt là các chung cư cao tầng nhưng hiện nay mật độ cư trú lại ít được nhắc đến khi phát triển các khu chung cư. Cùng một diện tích xây chung cư nhưng số lượng người ở khác nhau sẽ tạo ra những tác động và hệ lụy khác nhau lên hạ tầng kỹ thuật và đời sống xã hội. Hiện nay, chủ đầu tư các dự án nhà ở, chung cư, khu đô thị đều đảm bảo tốt hệ thống hạ tầng bên trong phạm vi dự án nhưng lại coi nhẹ, thậm chí lờ đi thực tế là sự chất tải lên hệ thống hạ tầng giao thông chung của đô thị bởi lượng lớn người và phương tiện giao thông sinh sống trong khu vực dự án tham gia hệ thống giao thông động của vùng lân cận và toàn đô thị. Hiện tại, sức ép quá tải về hạ tầng đô thị đang dần hiện hữu ở Thành phố Nam Định với số tuyến đường, nút giao thông xuất hiện tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm, môi trường ô nhiễm, hệ thống hạ tầng điện, viễn thông rối rắm gây “rác” không gian. Có thể điểm đến một số nút giao thông trọng điểm như: ngã tư Lê Hồng Phong - Hoàng Văn Thụ, ngã tư Trần Hưng Đạo - Trường Chinh, ngã tư Văn Cao - Trần Nhân Tông - Giải Phóng; ngã tư Trần Huy Liệu - Giải Phóng; đặc biệt là ở ngã tư Giải Phóng kéo dài - Điện Biên nơi có cao ốc Nam Định Tower… Bà Trần Thị Hương trú tại số nhà 46, đường Giải Phóng cho biết: “Từ 17-18h30 hằng ngày là khoảng thời gian có lưu lượng xe cộ qua lại tuyến đường này tấp nập nhất do số lượng xe lưu thông từ cửa ngõ phía bắc cộng với số lượng học sinh, người đi làm tan tầm gia tăng đột biến. Với lòng đường hẹp chỉ vừa 2 làn xe ngay khu vực ngã tư nên chỉ cần 1 trong 2 làn có phương tiện bị “kẹt” thì toàn bộ tuyến đường sẽ ùn tắc ngay lập tức”. Tương tự tại các nút giao cắt ngã tư Hàng Sắt và Lê Hồng Phong, Lê Hồng Phong - Hoàng Văn Thụ, đường Trần Phú… đều dễ dàng xảy ra tắc đường do lòng đường không được mở rộng, vỉa hè chật hẹp trong khi lượng xe lưu thông quá đông mỗi khi tan tầm từ phía Tổng Cty CP Dệt may Nam Định và khu đô thị Dệt may Nam Định, dự án TASECO Shophouse Nam Định đang triển khai xây dựng. Ngoài thiếu đồng bộ về hạ tầng giao thông động, hạ tầng giao thông tĩnh như bãi đỗ xe, vỉa hè cũng chưa được quan tâm. Chỉ cần một vài người thiếu ý thức đỗ xe lấn chiếm lòng đường là gây cản trở giao thông, ùn tắc. Thành phố Nam Định là đô thị cổ với kiến trúc đường phố ô bàn cờ, đường nhỏ hẹp, các khu dân cư hai bên phát triển từ lâu đời. Do vậy việc mở rộng đường là khó khả thi. Việc phát triển các khu chung cư, công trình lớn trong nội đô với mật độ người và phương tiện lớn cần phải đặc biệt quan tâm điều này.
Từ thực tế cho thấy, để phát triển theo đúng quy hoạch, các sở, ban, ngành cần siết chặt quản lý về hạ tầng, yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ theo đúng quy hoạch đã phê duyệt, nhất là các dự án xây dựng khu đô thị mới nằm sát hay trong khu dân cư nội đô cũ. Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định về thỏa thuận phương án kiến trúc, chiếu sáng kiến trúc cảnh quan, kết cấu hệ thống hạ tầng, cây xanh; đồng thời thống nhất áp dụng chỉ tiêu quy hoạch ở mức trung bình trong quá trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch… Cần hạn chế dần việc đầu tư xây dựng các khu chung cư nhỏ, lẻ không có hạ tầng đi kèm trong khu vực nội thị; nhất là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất khác sang đất xây dựng chung cư chưa thật sự cần thiết. Khu vực được quy hoạch xây dựng các khu chung cư đô thị mới phải đảm bảo các yếu tố về đất đai, điều kiện về diện tích mặt bằng xây dựng các hạng mục kỹ thuật và hạ tầng xã hội tiện ích đáp ứng tốt nhu cầu cuộc sống của người dân chuyển đến. Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại về giải phóng mặt bằng của các dự án khu chung cư, đô thị… để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật về điện, cấp thoát nước được kết nối trong và ngoài phạm vi dự án thông suốt, đồng bộ. Giám sát chặt chẽ việc cấp phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ, đảm bảo các tiêu chí tuyệt đối trung thành với mục tiêu của quy hoạch được duyệt. Ngoài ra, để giảm quá tải hạ tầng, bên cạnh khống chế quản lý chặt công trình cao tầng nội đô, cần thực hiện đồng bộ giải pháp giãn dân, giảm tải nội đô ra các khu đô thị mới ngoại vi theo định hướng quy hoạch đã được duyệt./.
Bài và ảnh: Đức Toàn