Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển làng nghề bền vững

07:12, 14/12/2017

Toàn tỉnh hiện có 124 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất CN-TTCN (gồm 94 làng nghề cũ và 30 làng nghề mới) được khôi phục, nhân cấy và phát triển thành công; trong đó có 51 làng nghề đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đủ tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT. Sản phẩm hàng hoá của các làng nghề đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, một số mặt hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí xây dựng NTM và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Ðể có được kết quả đó, bên cạnh sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành, yếu tố quan trọng để các làng nghề phát triển bền vững là sự nỗ lực của đội ngũ doanh nghiệp ở các làng nghề.

Sản xuất máy ép gạch thủy lực tại Cty TNHH Thanh Bằng, xã Xuân Tiến (Xuân Trường).
Sản xuất máy ép gạch thủy lực tại Cty TNHH Thanh Bằng,
xã Xuân Tiến (Xuân Trường).

Ðể các làng nghề, làng nghề truyền thống có thể tồn tại và phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay, đổi mới phương thức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất... là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng năng suất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu chỉ có quy mô hộ cá thể, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với khối lượng hàng hóa hạn chế, chất lượng sản phẩm không đồng đều thì các sản phẩm làng nghề sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, việc khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất ở các làng nghề mạnh dạn đầu tư phát triển thành các doanh nghiệp được tỉnh và các địa phương quan tâm tích cực. Các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ được xây dựng và triển khai để thúc đẩy thành lập doanh nghiệp ở làng nghề. Thông qua các chương trình, đề án khuyến công, xúc tiến thương mại đã triển khai như: dạy nghề, hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất; tham gia các hội chợ... đã chú ý ưu tiên đối tượng doanh nghiệp trong các làng nghề. Thực tế đã chứng minh, với vai trò là đầu mối, hạt nhân, chính đội ngũ doanh nghiệp làng nghề vừa đảm nhiệm vai trò đầu mối bao tiêu sản phẩm, cung ứng nguyên liệu và là cầu nối phân công chuyên môn hóa cho các hộ sản xuất trong làng nghề. Vì thế, ở nhiều địa phương như: Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực... đã hình thành được đội ngũ doanh nghiệp làng nghề đông đảo. Tiêu biểu như làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của xã Yên Tiến (Ý Yên). Hiện tại xã có 30 doanh nghiệp với quy mô từ 50-60 lao động tập trung trở lên; có 3.000/3.587 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm thuộc nhiều ngành nghề như: sơn mài - tre, nứa chắp; mộc mỹ nghệ, hộ ít thì có từ 1-2 lao động thường xuyên; hộ nhiều thì có từ 3-5 người nhận sản phẩm gia công tại nhà cho các doanh nghiệp trong xã. Ước tính, mỗi ngày người dân Yên Tiến sử dụng từ 150 tấn nguyên liệu tre, nứa và hàng chục m3 gỗ các loại để phục vụ sản xuất. Nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu thị trường, vài năm trở lại đây, ngoài những sản phẩm truyền thống là bát, âu, khay, lọ…, những thợ làng nghề Yên Tiến còn mạnh dạn thử nghiệm một số các sản phẩm mới như thìa, dĩa với chất liệu từ gỗ; các loại sản phẩm: lộc bình sơn khảm vỏ trứng, vẽ hoa văn trên các sản phẩm gốm, thay đổi kiểu sơn cho các sản phẩm sơn mài truyền thống… Nhiều sản phẩm mỹ nghệ của xã đã xuất sang nhiều thị trường lớn, khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ... Các doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động có doanh thu cao, ổn định là: Cty CP Tập đoàn Hoàng Mai, Cty Trường Giang, Cty Nam Tuyến, Cty TNHH Nam Hải, Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Hòa… Năm 2017, ước tính tổng thu từ CN-TTCN trên địa bàn xã vẫn giữ mức trên 200 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt trên 140 tỷ đồng. Với sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, các hộ sản xuất trong làng nghề đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 30 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,3% (theo tiêu chí chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều); tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm chiếm 95%... Với lịch sử hình thành hơn trăm năm, đến nay làng nghề cơ khí truyền thống xã Xuân Tiến (Xuân Trường) đã có bước phát triển vượt bậc. Hiện xã có 30 doanh nghiệp, cơ sở đang đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong CCN tập trung (có tổng diện tích 15,6ha) và trên 200 hộ gia công, sản xuất tại nhà. Sản phẩm chính của làng nghề là máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, máy bóc lạc, các loại máy phục vụ xây dựng (máy trộn đảo bê tông, máy ép gạch thủy lực), máy chế biến gỗ (máy phay, bào, đục...), kể cả động cơ điện... đã được nghiên cứu và sản xuất thành công với khối lượng lớn. Với ưu điểm là chất lượng đảm bảo, độ bền cao, giá cả phù hợp và thuận tiện trong vận hành, các sản phẩm của làng nghề cơ khí không chỉ được thị trường trong nước tín nhiệm mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Căm-pu-chia. Ðối với xã Nam Hồng (Nam Trực), các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn đã phát huy vai trò quan trọng khôi phục sức sản xuất của làng nghề dệt truyền thống sau một thời gian trầm lắng. Các doanh nghiệp “chịu trách nhiệm” khâu thị trường, khách hàng, vốn, công nghệ, thiết bị…, các hộ sản xuất chỉ tập trung lo khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tại huyện Hải Hậu, các làng nghề: gỗ mỹ nghệ Hải Minh; kéo sợi PE và dệt lưới cước Thị trấn Thịnh Long… ngày càng phát triển nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại của các doanh nghiệp trong làng nghề.

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp - làng nghề và làng nghề - doanh nghiệp là mối quan hệ tương tác có vai trò động lực đối với sự phát triển của cả hai bên; trong đó doanh nghiệp vừa là đầu mối tạo việc làm, thu nhập cho lao động làng nghề, vừa là nhân tố quan trọng hình thành thương hiệu làng nghề, phát triển các sản phẩm chủ lực mang yếu tố đặc trưng riêng của mỗi làng nghề. Làng nghề với tiềm năng về nguồn nhân lực tay nghề cao, bề dày kinh nghiệm kỹ thuật nghề và những giá trị văn hoá nghề lâu đời là nền tảng, bệ đỡ vững chắc để các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, tình hình phát triển đội ngũ doanh nghiệp làng nghề tỉnh ta hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập. Số lượng doanh nghiệp làng nghề quá ít, mới có trên 300 doanh nghiệp, chỉ chiếm 3-4% trong tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh (hiện nay toàn tỉnh đã phát triển được trên 7.000 doanh nghiệp). Quy mô các doanh nghiệp làng nghề mới chỉ đủ sức hoạt động ở thị trường trong nước, chưa vươn ra xuất khẩu. Trong khi các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với việc xuất khẩu như cơ khí, gỗ mỹ nghệ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ lại chủ yếu là cung ứng cho các đơn vị ngoài tỉnh hoặc ủy thác xuất khẩu. Ngoài một số làng nghề truyền thống ở các xã, thị trấn như: Lâm, Yên Tiến, Yên Ninh (Ý Yên); Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường); Nam Giang, Nam Hồng, Nam Thanh (Nam Trực); Hải Minh (Hải Hậu)... phát triển được đội ngũ doanh nghiệp tương đối bền vững, hoạt động ổn định còn rất nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống đang trở nên trầm lắng, mai một do thiếu vai trò kích cầu của các doanh nghiệp làng nghề. Vì thế, việc hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề tiếp cận, tìm kiếm, khai thác, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nâng cao kiến thức quản lý, quản trị kinh doanh cho cán bộ quản lý doanh nghiệp, các nghiệp vụ thuế, kế toán cũng là những việc làm hết sức cần thiết và cấp bách... Thêm một vấn đề “xương sống” để doanh nghiệp làng nghề trong tỉnh phát triển bền vững là cần tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề vay vốn, hỗ trợ lãi suất, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi trung, dài hạn. Về phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong làng nghề, để nâng cao vị thế của mình cũng cần phải đổi mới thiết bị và công nghệ mới, hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa bảo vệ được môi trường và phát triển nghề, làng nghề một cách bền vững, hiệu quả./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com