Để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày một tăng, ngoài nguồn vốn được phân bổ từ Ngân hàng CSXH tỉnh, thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp huy động vốn nhằm tạo nguồn tại chỗ để cho vay, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Được vay 48 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực, gia đình chị Bùi Thị Nhài ở xóm 7, xã Hồng Quang đã đầu tư làm hoa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. |
Hiện nay, xã Nam Mỹ có 12 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) do Hội Phụ nữ và Hội CCB xã quản lý. Chị Nguyễn Thị Yến, tổ trưởng tổ TK và VV xóm 4 cho biết: Để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, tổ TK và VV xóm 4 đã luôn chú trọng vận động các thành viên tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban của Ngân hàng CSXH tại các phiên giao dịch xã để nắm bắt chủ trương, chính sách cho vay vốn của Nhà nước, đồng thời phối hợp với Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã, trưởng xóm lựa chọn, bình xét, lập danh sách tổ viên có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn để trình UBND xã xác nhận và đề nghị Ngân hàng CSXH huyện xét duyệt cho vay. Bên cạnh đó, tổ chức sinh hoạt lồng ghép nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Mặt khác, Ban quản lý tổ thường xuyên giám sát việc sử dụng vốn vay, thu nhập và trả nợ tiền gốc, tiền lãi của tổ viên; thông báo kịp thời cho Ngân hàng CSXH, chính quyền địa phương những tổ viên sử dụng vốn vay sai mục đích, thay đổi chỗ ở ra ngoài địa bàn xã và các trường hợp khác ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng tín dụng của tổ TK và VV. Nhờ đó, đến nay việc cho vay vốn theo 5 chương trình vay, bao gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm và cho vay học sinh, sinh viên đã có 59 thành viên tham gia vay vốn, chiếm 10% tổng dư nợ trên địa bàn xã. Tính đến đầu tháng 12-2017, tổng dư nợ tổ đang quản lý 863 triệu đồng, việc trả tiền gốc, tiền lãi được thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định, không có nợ quá hạn. Cùng với việc thực hiện tốt các chương trình cho vay, tổ TK và VV xóm 4 còn vận động 100% thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm hằng tháng, tạo nguồn vốn tại chỗ để cho vay. Đến nay số dư tiền gửi của tổ TK và VV xóm 4 là 170 triệu đồng, là tổ có số tiền gửi cao nhất huyện Nam Trực. Toàn xã Nam Mỹ có số dư tiền gửi qua 12 tổ TK và VV đạt 1 tỷ 307 triệu đồng... Chị Nguyễn Thị Hương, tổ trưởng tổ TK và VV xóm 1 xã Nam Toàn cho biết: Hiện nay, tổ có 55 thành viên với dư nợ 1 tỷ 392 triệu đồng. Để việc huy động tiền gửi qua tổ TK và VV được duy trì đều đặn, hiệu quả, trước ngày giao dịch chúng tôi đã tiến hành thông báo đến từng thành viên vay vốn số tiền lãi, tiền gốc đến kỳ phải trả; đồng thời đề nghị các hộ chuẩn bị cả tiền gửi tiết kiệm nhằm tạo nguồn giúp đỡ những thành viên còn khó khăn. Do vậy, việc huy động tiền gửi tại tổ khá thuận lợi, các thành viên đều rất vui vẻ, tự giác gửi tiền tiết kiệm tại tổ. Hiện tổ TK và VV xóm 1 đang có số dư là 131 triệu đồng...
Ngoài 2 tổ TK và VV trên, hầu hết các tổ TK và VV của huyện Nam Trực đều thực hiện tốt việc huy động tiền gửi tiết kiệm từ các thành viên và hộ dân cư trên địa bàn để tạo nguồn tại chỗ cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Hiện nay, toàn huyện Nam Trực có 383 tổ TK và VV, với 11.411 hộ có số dư tiền gửi tiết kiệm. Tính đến hết tháng 11-2017, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ TK và VV đạt 13 tỷ 74 triệu đồng; tăng 2 tỷ 195 triệu đồng so với đầu năm và là huyện có số dư tiền gửi tiết kiệm cao nhất tỉnh. Trong đó, Hội Nông dân đang quản lý 198 tổ TK và VV, với số dư tiền gửi 5 tỷ 37 triệu đồng; Hội Phụ nữ đang quản lý 151 tổ TK và VV với số dư tiền gửi 6 tỷ 532 triệu đồng và Hội CCB đang quản lý 34 tổ TK và VV với số dư tiền gửi 1 tỷ 504 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực còn thực hiện khá hiệu quả việc huy động tiền gửi tại các điểm giao dịch xã đạt 4 tỷ 578 triệu đồng, tăng gần 36% so với kế hoạch năm 2017; huy động tiền gửi tại khu dân cư và các tổ chức chính trị xã hội đạt 18 tỷ 381 triệu đồng, tăng trên 44% so với kế hoạch năm 2017... Để có được kết quả trên và từng bước đưa hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm tại tổ TK và VV đi vào nền nếp, Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trên địa bàn nói chung và các tổ viên tổ TK và VV nói riêng thông qua hệ thống đài truyền thanh huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn; lồng ghép vào các hội nghị quân dân chính của xã, thôn, tổ dân phố và nhất là các buổi sinh hoạt, giao dịch hằng tháng của Ngân hàng tại các xã, thị trấn. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến cách thức gửi tiền qua ban quản lý tổ TK và VV, việc chuyển đến để gửi vào tài khoản tiền gửi, cách thức đăng ký mở tài khoản tiền gửi, lãi suất tiền gửi; phương thức ủy nhiệm thực hiện nghiệp vụ tiền gửi cho ban quản lý tổ TK và VV, nội dung, điều kiện ủy nhiệm; quy trình tổ trưởng tổ TK và VV nhận tiền gửi và nhận đề nghị của tổ viên chuyển khoản tiền gửi để trả nợ, trả lãi vay cho Ngân hàng CSXH; quy trình tổ viên trực tiếp gửi tiền, rút tiền gửi và chuyển khoản tiền gửi để trả nợ, trả lãi cho Ngân hàng CSXH... Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực cũng đặc biệt coi trọng việc xây dựng và phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ tổ trưởng các tổ TK và VV trong việc phối hợp với cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể chính trị xã hội nhận ủy thác cùng đội ngũ cấp ủy Đảng, chính quyền các thôn, xóm, tổ dân phố. Đồng thời chú trọng lựa chọn người tham gia ban quản lý tổ TK và VV có đủ điều kiện để ký hợp đồng ủy nhiệm. Báo cáo Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH của huyện chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tích cực theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động thu tiền gửi của các tổ TK và VV để kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Nhờ thực hiện tốt công tác huy động tiền gửi hằng tháng tại tổ TK và VV, Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực đã có thêm nguồn tài chính tại chỗ đáp ứng yêu cầu cho vay các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ở địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Đại