Theo thống kê của Sở NN và PTNT, toàn tỉnh có gần 784 nghìn con lợn, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 145 nghìn tấn. Ngoài ra, sản lượng thịt trâu, bò của tỉnh đạt 3.800 tấn; thịt gia cầm ước đạt 19 nghìn tấn. Nhu cầu sử dụng thịt các loại trong tỉnh 95-100 nghìn tấn. Như vậy sản lượng thịt các loại của tỉnh dư khoảng 70 nghìn tấn; trong đó riêng thịt lợn dư 60-65 nghìn tấn. Lượng thịt lợn dư thừa của tỉnh hiện chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, một số ít xuất đi các thị trường lớn Hải Phòng, Hà Nội…, là những thị trường không ổn định. Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, đảm bảo chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu đang là mục tiêu phát triển chăn nuôi tỉnh ta hướng đến như lựa chọn của Bộ NN và PTNT thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở ATDB đối với lợn hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu.
Thực hiện Đề án của Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh, các cơ quan có liên quan của tỉnh đã tích cực triển khai trên cơ sở các nguồn lực, điều kiện thực tế tại địa phương. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành liên quan và địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó có nội dung hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở ATDB. Xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) là xã đầu tiên của tỉnh được xây dựng thí điểm mô hình xã ATDB. Tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi trong xã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đồng thời còn được hỗ trợ vắc-xin dịch tả lợn, thuốc sát trùng, vôi bột và men vi sinh bổ sung vào khẩu phần ăn của lợn để xử lý môi trường. Giải pháp kỹ thuật của vùng chăn nuôi ATDB, giảm thiểu ô nhiễm môi trường được áp dụng ở xã Xuân Ngọc là tiêu diệt, ngăn chặn mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường bằng cách thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi để không còn điều kiện cho mầm bệnh lưu trú, phát triển. Sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung vào khẩu phần ăn của lợn nhằm xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Các chế phẩm này giúp làm tăng quá trình phân giải hiếu khí, hạn chế quá trình phân giải yếm khí sinh ra các khí gây mùi hôi chuồng nuôi, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột của lợn, ức chế nhóm vi sinh vật ngoại sinh phát triển, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Đối với vật nuôi, yêu cầu lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh; trước khi nhập đàn được nuôi cách ly 1-2 tuần. Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi phải đảm bảo chất lượng, phù hợp tiêu chuẩn và khẩu phần ăn của các loại lợn; nước cho lợn uống phải đảm bảo vệ sinh thú y. Thực hiện tốt chăm sóc, nuôi dưỡng lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển; mật độ nuôi phải phù hợp với từng loại lợn, lứa tuổi lợn. Thực hiện tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn theo quy định như: bệnh tả, tụ huyết trùng lợn… Đến nay, xã Xuân Ngọc không xảy ra dịch bệnh trên đàn lợn và được công nhận là xã ATDB.
Một trang trại chăn nuôi lợn thịt ở xã Hải Đông (Hải Hậu). |
Năm 2016, Đề án đã hỗ trợ xây dựng thành công 3 mô hình chăn nuôi lợn của tỉnh được chứng nhận ATDB đối với bệnh dịch tả và lở mồm long móng. Năm 2017, Đề án tiếp tục triển khai với mục tiêu chứng nhận ATDB cho 7 cơ sở chăn nuôi lợn trong tỉnh. Đến nay, tỉnh có tổng số 8 đơn vị, cơ sở chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận ATDB gồm 7 trang trại và 1 xã chăn nuôi. Hiện nay, tỉnh cũng đang xây dựng 2 mô hình chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi lợn hướng tới xuất khẩu. Mô hình đầu tiên là liên kết giữa các trang trại chăn nuôi lợn thịt của tỉnh với Cty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông ở xã Hải Nam (Hải Hậu). Cty đang khẩn trương hoàn thiện đầu tư nhà máy giết mổ lợn với công suất 250-300 con/giờ (trọng lượng 100-150 kg/con), kho dự trữ công suất 5.000 tấn thịt đông lạnh để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, trước mắt là thị trường Hàn Quốc, Nga. Mô hình thứ hai là liên kết giữa các trang trại chăn nuôi lợn nái của tỉnh với Cty TNHH Công Danh (CCN An Xá, TP Nam Định) sản xuất lợn sữa, lợn choai xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông. Các chuỗi sản xuất này sẽ là tiền đề cho việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong tương lai. Theo lộ trình của Đề án, đến tháng 12-2018, tỉnh sẽ hoàn thành việc khống chế, thanh toán bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn; hoàn tất xây dựng hồ sơ vùng ATDB đề nghị Bộ NN và PTNT công nhận. Đến tháng 12-2019 hoàn thiện hồ sơ thủ tục trình OIE và đến năm 2020 được OIE công nhận vùng ATDB. Qua đó có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Theo đồng chí Mai Văn Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ chiếm tỷ lệ 70-75% chăn nuôi của tỉnh; hầu hết các cơ sở chăn nuôi nông hộ hiện không nằm trong quy hoạch phát triển chăn nuôi nên không đảm bảo điều kiện xây dựng cơ sở ATDB. Chưa có chế tài cụ thể và cơ chế, chính sách để thực hiện quy hoạch chăn nuôi đã được duyệt nhằm di chuyển các cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư ra vùng quy hoạch. Nhận thức của chính quyền, người chăn nuôi về việc xây dựng cơ sở ATDB như quyền lợi và nhất là việc đảm bảo an toàn dịch của cơ sở còn hạn chế. Ngân sách của địa phương khó khăn nên kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống dịch còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Kinh phí công nhận ATDB, trong đó chi phí xét nghiệm quá cao so với thu nhập bình quân từ chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi trong tỉnh. Việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm từ cơ sở ATDB còn hạn chế nên chưa tạo được động lực để cá nhân, tổ chức chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở ATDB… Việc xây dựng kế hoạch để thực hiện Đề án còn gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là nguồn kinh phí.
Để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện thành công mục tiêu của Đề án, ngày 27-10-2017, Cục Thú y (Bộ NN và PTNT) đã có buổi làm việc với tỉnh ta để thống nhất một số giải pháp tiếp tục triển khai Đề án. Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Trên cơ sở tư vấn, góp ý của Cục Thú y, Sở NN và PTNT đề nghị UBND tỉnh cho phép tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án, phạm vi vùng ATDB tại 83 xã, thị trấn thuộc 4 huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường và Trực Ninh (phía đông sông Ninh Cơ). Tiếp tục hỗ trợ vắc-xin dịch tả để tiêm cho đàn lợn, vắc-xin lở mồm long móng tiêm cho đàn trâu, bò, dê trên phạm vi toàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí lấy mẫu giám sát, kinh phí thẩm định công nhận vùng ATDB cho 83 xã, thị trấn phía đông sông Ninh Cơ. Có cơ chế cho phép các địa phương thu mua gia súc trong khu vực xây dựng vùng ATDB khi giám sát phát hiện gia súc mang mầm bệnh tả lợn và lở mồm long móng để bắt buộc giết mổ hoặc tiêu hủy. Chỉ đạo UBND các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh và các sở, ngành liên quan tổ chức xây dựng vùng, cơ sở ATDB./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh