Theo thông báo của Cục Thú y, thời gian qua trên cả nước, dịch bệnh gia súc, gia cầm có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, bò, lợn đã xảy ra tại nhiều địa phương. Đồng thời do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài gây ngập lụt chuồng trại, kết hợp với thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của vật nuôi là những điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển. Đây cũng là giai đoạn gia tăng hoạt động chăn nuôi tái đàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cuối năm. Vì vậy nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Phun tiêu độc, khử trùng tại một trang trại chăn nuôi ở xã Trực Chính (Trực Ninh). |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng” trên toàn tỉnh từ ngày 1 đến 30-11-2017. Đây được coi là biện pháp hữu hiệu tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; ngăn ngừa bệnh lây truyền từ động vật sang người. Từ nửa tháng nay, công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương trong tỉnh được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Để đạt được kết quả trên, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân thấy được tính chất đặc biệt nguy hiểm của dịch bệnh gia súc, gia cầm, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng”. Huy động các nguồn lực của địa phương để hỗ trợ các xã, phường, thị trấn và hộ chăn nuôi tổ chức thực hiện. Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn, giám sát quy trình kỹ thuật tiêu độc, khử trùng bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, động vật. Tỉnh đã cấp hỗ trợ cho các huyện, thành phố 4.100 lít thuốc sát trùng. Từ nguồn phân bổ của tỉnh và lượng thuốc dự trữ của địa phương, các huyện, thành phố đã cấp cho các xã, phường, thị trấn gần 5.000 lít thuốc sát trùng để thực hiện phun tiêu độc, khử trùng. Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Trực Ninh đã xuất hiện những dịch bệnh nguy hiểm như tai xanh, lở mồm long móng ở lợn; đặc biệt đầu năm 2017, bệnh cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại các xã Trực Nội, Trực Thuận, Trực Hùng. Chính vì vậy, ngoài thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin chính vụ cho đàn vật nuôi, huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Huyện đã cấp 500 lít thuốc sát trùng cho các xã, thị trấn. Đến nay, 21/21 xã, thị trấn đã thành lập các tổ lưu động đi phun tại các khu vực chăn nuôi tập trung và các khu vực công cộng như: đường làng, ngõ xóm, chợ buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm… Các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền trên đài phát thanh của địa phương và cơ sở thôn, xóm để nhân dân hiểu, tự giác thực hiện. Ngoài lượng thuốc sát trùng được Nhà nước hỗ trợ, các hộ chăn nuôi trong huyện đã chủ động mua 200 lít thuốc sát trùng phun tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi; 5 tấn vôi bột rắc ở lối đi và xung quanh chuồng nuôi. Với việc thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, hiện trên địa bàn huyện không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Không chỉ tại Trực Ninh, huyện Xuân Trường đã in 28 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, cấp phát cho các xã, thị trấn 400 lít hóa chất sát trùng; huyện Hải Hậu sử dụng 1.200 lít thuốc sát trùng và 17 tấn vôi bột; huyện Vụ Bản sử dụng 800 lít thuốc sát trùng và 3 tấn vôi bột… để tiêu độc, khử trùng tại các vùng chăn nuôi tập trung, các trang trại, gia trại lớn, nơi công cộng… Xã Liên Minh (Vụ Bản), ngoài việc thành lập tổ phun thuốc sát trùng tại các điểm công cộng và tuyên truyền đến người dân còn huy động Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tích cực phát quang cây cỏ, quét dọn đường làng, ngõ xóm, khu công cộng; khơi thông cống rãnh; thu gom rác thải… Qua kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hầu hết các chủ trang trại đã chủ động mua vôi bột và các loại hóa chất sát trùng như: Benkocid, Han-iodine, Virkon… thực hiện tiêu độc, khử trùng. Anh Lê Hồng Quân, thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính (Trực Ninh) cho biết: Với quy mô đàn 200 con lợn thịt, 17 con lợn nái, không chờ đến đợt phát động mà anh coi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng là việc làm thường xuyên. Nếu không xảy ra dịch bệnh, anh phun định kỳ mỗi tuần 1 lần; nếu trên địa bàn xảy ra dịch, anh phun mỗi tuần 2 lần. Ngoài ra, hằng ngày anh vệ sinh chuồng nuôi 2 lần, đồng thời thường xuyên rắc vôi bột ở lối đi và xung quanh chuồng nuôi. Do vậy, từ ngày xây dựng trang trại đến nay, đàn lợn của gia đình anh không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, ngay cả khi dịch lợn tai xanh hoành hành ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Trong Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng năm nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đã quan tâm mua vôi bột rắc ở lối đi và xung quanh chuồng nuôi. Tuy nhiên, do nhận thức về công tác phòng chống dịch bệnh còn nhiều hạn chế, các hộ chăn nuôi nhỏ không coi đây là nghề chính nên không chủ động mua hóa chất sát trùng để thực hiện tiêu độc, khử trùng thường xuyên. Bên cạnh đó, một số hộ nông dân vùng đồng màu vẫn tận dụng phân chuồng để bón cho cây trồng, nếu xử lý không tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường và lưu cữu mầm bệnh. Ngày 6-11-2017, Bộ NN và PTNT đã quyết định hỗ trợ hóa chất sát trùng cho tỉnh với số lượng cụ thể là: 5.000 lít hóa chất Benkocid, 5.000 lít hoát chất Han-iodine (phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm) và 30 tấn hóa chất Chlorine 65% min (phòng chống dịch bệnh thủy sản) để phòng chống dịch bệnh sau mưa úng. Hiện UBND tỉnh giao cho Sở NN và PTNT tham mưu phương án tiếp nhận, quản lý, sử dụng hóa chất phòng chống dịch bệnh động vật theo quy định.
Đồng chí Trần Bá Đức, Trưởng phòng phòng chống dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) cho biết: Để thực hiện tốt Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, các địa phương cần có văn bản cụ thể, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động nhân dân và các hộ chăn nuôi tự giác thực hiện. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện; biểu dương những đơn vị làm tốt; hỗ trợ kinh phí mua băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền… để phổ biến rộng rãi liên tục nhằm đưa thông tin đến mọi người dân. Người chăn nuôi cần nhận thức rõ việc không chỉ thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong các đợt phát động mà phải coi đây là việc làm thường xuyên để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi là tài sản của mình, phải xác định phát triển chăn nuôi gắn với công tác phòng chống dịch bệnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh