Hiện toàn tỉnh có khoảng 16 nghìn ha diện tích mặt nước được đưa vào nuôi thủy sản và khoảng 100 cơ sở chế biến thủy sản với các sản phẩm như sứa ăn liền, tôm, cá khô, nước mắm, mắm tôm... Nghề nuôi và chế biến thủy sản đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của ngành thủy sản nói riêng. Tuy nhiên, nếu không được xử lý tốt thức ăn dư thừa, chất thải của các đối tượng nuôi và chất thải trong quá trình chế biến sẽ gây ô nhiễm môi trường. Điều đó sẽ tác động không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của quá trình sản xuất. Chính vì lẽ đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, quản lý công tác xử lý chất thải trong nuôi và chế biến thủy sản.
Theo các kỹ sư thủy sản, đối với nuôi thủy sản, phần lớn chất thải tích tụ dưới đáy ao sẽ gây tổn hại đến sức khỏe đối tượng nuôi, làm ảnh hưởng hiệu quả của nghề nuôi. Bùn thải trong quá trình nuôi chứa các nguồn thức ăn dư thừa, các hóa chất, rác thải đọng dưới đáy ao nuôi khiến môi trường nước bị thiếu ô-xy trầm trọng và sản sinh ra nhiều chất độc hại. Trường hợp môi trường nuôi bị ô nhiễm nặng, các đối tượng sẽ bỏ ăn, sức tăng trưởng giảm, dễ mắc bệnh, tỷ lệ chết cao. Các nguồn chất thải từ hoạt động nuôi thủy sản, đặc biệt từ các vùng nuôi thủy sản mặn lợ, nếu không được xử lý tốt, sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường tự nhiên, tác động xấu đến các hoạt động khác ở các vùng ven biển. Hoạt động chế biến thủy sản cũng tác động đến môi trường bởi những phế thải trong quá trình sản xuất gồm: chất thải rắn từ các công đoạn chế biến thủy sản như đầu tôm, vỏ tôm, nội tạng mực, cá; nước thải từ quá trình rửa, sơ chế nguyên liệu, nước vệ sinh nhà xưởng, dụng cụ chế biến… nếu không được xử lý đúng cách, đổ thẳng ra sông, ngòi sẽ phá hỏng hệ sinh thái, gây ảnh hưởng đến cộng đồng.
Phát triển nuôi và chế biến thủy sản đã thu hút vốn đầu tư lớn từ nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh, nâng cao trình độ sản xuất, phát huy năng lực và hiệu quả của sản xuất công nghiệp, nâng cao đời sống cho người lao động. Tuy nhiên những nguy cơ cho môi trường từ chất thải của quá trình nuôi, chế biến thủy sản nếu không được xử lý tốt sẽ gây hệ lụy rất lớn. Do vậy để nuôi và chế biến thủy sản phát triển bền vững, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất của các cơ sở nuôi và chế biến thủy sản định kỳ 1 tháng 2 lần; xử lý nghiêm các trường hợp làm hại đến môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn của nhóm hàng thủy sản; kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Chú trọng quy hoạch phát triển nuôi thủy sản dựa trên cơ sở phân vùng sinh thái, phát triển hạ tầng cấp, thoát nước và xử lý chất thải đối với nuôi thủy sản công nghiệp, thâm canh đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh và các quy chuẩn về môi trường. Sở NN và PTNT kết hợp với Phòng NN và PTNT các huyện tích cực phổ biến, hướng dẫn tuyên truyền đến các cơ sở nuôi và chế biến thủy sản phải tập trung đầu tư và vận hành các hệ thống thu gom rác thải tập trung, phân loại xử lý chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt, phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý phải đạt tiêu chuẩn được các cơ quan chức năng đề ra. Qua các đợt kiểm tra cho thấy, hầu hết không xảy ra hiện tượng sử dụng kháng sinh không đúng trong nuôi thủy sản và xả chất thải bừa bãi trong quá trình sản xuất. Một số cơ sở trước kia cũng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đầy đủ, tuy nhiên do thời gian sử dụng đã lâu nên bị xuống cấp được nhắc nhở đôn đốc đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp khắc phục phục vụ cho việc sản xuất đạt hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về nuôi và chế biến thủy sản cho các chủ cơ sở sản xuất… Với sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, nhận thấy những tác hại mà chất thải trong quá trình nuôi và chế biến thủy sản gây ra, nhiều cơ sở chế biến thủy sản đã nâng cao ý thức, trách nhiệm, mạnh dạn đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. Một số cơ sở đã chú trọng nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, tránh gây ô nhiễm môi trường như cơ sở của các ông: Ngô Văn Ruệ, xã Giao Xuân (Giao Thủy); Nguyễn Văn Tụng, xã Hải Đông (Hải Hậu); Đỗ Chí Công, xã Hải Lý (Hải Hậu)… Ông Đỗ Chí Công, chủ cơ sở chuyên sản xuất cá mai, cá đù khô đã hơn 10 năm. Cơ sở được đầu tư khang trang, sạch sẽ với đầy đủ kho chứa, kho cấp đông, kho bảo quản, được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nước thải từ các công đoạn sản xuất của cơ sở trước khi thải ra môi trường được loại bỏ chất thải rắn có kích thước lớn, sau khi qua các quá trình xử lý sinh học, nước thải lại tiếp tục được loại hết lượng cặn và những rác thải nhỏ mà quá trình trên chưa xử lý được. Khi đó sẽ đảm bảo độ an toàn cần thiết trước khi đưa chất thải vào nguồn tiếp nhận. Các hộ nuôi thủy sản khác cũng chú trọng hơn trong công tác cải tạo ao đầm; chú ý xử lý môi trường nuôi ngay từ trước khi thả giống và trong quá trình nuôi chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh để tránh gây tác động xấu đến môi trường nuôi cũng như tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của đàn tôm.
Quan tâm xử lý chất thải trong nuôi và chế biến thủy sản không những góp phần thúc đẩy kinh tế thủy sản ngày càng phát triển bền vững mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe của người lao động tại các cơ sở sản xuất này. Các sản phẩm cung cấp ra thị trường cũng đạt chất lượng an toàn thực phẩm./.
Thanh Hoa