Trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT) đóng vai trò quan trọng nền tảng cho sự phát triển khoa học và bền vững. Những năm qua hệ thống HTKT các đô thị và các khu vực dân cư nông thôn tập trung của tỉnh đã từng bước được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, qua đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng công trình HTKT hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, không đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị do sự thiếu đồng bộ và hợp tác giữa các ngành trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng cơ sở HTKT. Chẳng hạn, việc đào đường ở các đô thị để lắp đặt, sửa chữa cáp điện, điện thoại, truyền hình, đường ống nước… diễn ra thường xuyên; có lúc đơn vị này vừa lấp lại thì đơn vị khác lại đào lên gây chồng chéo, lãng phí. Bất cập không chỉ xảy ra ngầm dưới lòng đất mà ngay cả trên không. Bất cập trong sử dụng chung HTKT còn hạn chế năng lực về thoát nước, cấp nước giữa các khu đô thị mới và đô thị cũ chưa đáp ứng được yêu cầu như thiết kế dẫn đến vấn đề ngập úng trong các đô thị ngày càng trầm trọng và thường xuyên hơn. Hạ tầng viễn thông và điện lực sử dụng chung (hệ thống cột mắc dây) chưa được xử lý triệt để dẫn đến “rác trời” làm mất mỹ quan không gian đô thị.
Thi công san nền tuyến đường nối Quốc lộ 10 vào hồ Lộc Vượng (TP Nam Định). |
Nhằm khắc phục tình trạng trên, tạo sự đồng bộ về HTKT, đảm bảo hiệu quả đầu tư, hướng tới xây dựng các khu đô thị, dân cư mới hiện đại, văn minh, Sở Xây dựng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định hướng dẫn các chủ đầu tư, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, các huyện, thành phố quản lý về HTKT. Hiện tại, Sở đã hoàn thành dự thảo quy định về phân cấp quản lý sử dụng chung công trình HTKT đô thị trên địa bàn tỉnh. Dự thảo có nhiều điểm mới, bổ sung và làm rõ hơn Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24-9-2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình HTKT. Theo đó, các công trình HTKT sử dụng chung như đường dây, cáp viễn thông, điện lực và chiếu sáng công cộng; đường ống cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng; cột ăng ten; cột treo cáp (dây dẫn); cống cáp; hào và tuy- nen kỹ thuật; đường đô thị; cống ngầm; cầu đường bộ phải được xác định trong quy hoạch; được đầu tư, xây dựng theo quy hoạch, cơ sở dữ liệu được lưu giữ theo quy định, nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng và đầu tư mới. Việc lắp đặt, bố trí các đường dây, cáp và đường ống mới vào công trình HTKT sử dụng chung đã xây dựng phải có các giải pháp bảo đảm sự hoạt động bình thường của hệ thống đã có. HTKT mới được lắp đặt phải có dấu hiệu nhận biết về thông tin cơ bản, được thể hiện thống nhất bằng các ký hiệu, màu sắc theo quy định của pháp luật. Việc quản lý vận hành công trình HTKT sử dụng chung phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các quy định về kỹ thuật; đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị và được thực hiện thông qua hợp đồng theo quy định hiện hành. Quy định rõ các phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình HTKT ngầm sử dụng chung; khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng HTKT ngầm; hệ thống HTKT ngầm và các công trình đầu mối HTKT ngầm. Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu tình trạng chồng chéo, lãng phí đầu tư HTKT giữa các ngành, Sở Xây dựng cũng yêu cầu đối với các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải thông báo trước khi triển khai việc khởi công xây dựng công trình đến các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương có công trình xây dựng ngầm để phối hợp kiểm tra, giám sát quá trình thi công. Các nhà thầu xây dựng phải tiến hành thăm dò, xác định hiện trạng các công trình ngầm hiện có trong khu vực xây dựng để có biện pháp xử lý phù hợp, lập biện pháp tổ chức thi công xây dựng công trình. Quá trình thi công xây dựng công trình phải bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đô thị, các công trình lân cận và bên trên; có các biện pháp nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nước ngầm và môi trường địa chất đô thị. Đối với những công việc thi công mà phải đào đường và vỉa hè thì chủ đầu tư dự án và nhà thầu phải có trách nhiệm hoàn trả mặt đường, vỉa hè như hiện trạng ban đầu sau khi thi công, đảm bảo an toàn về người, phương tiện thi công và các công trình khác. Dự thảo cũng phân định rõ về trách nhiệm của các chủ đầu tư, sở, ban, ngành; các chủ sở hữu công trình HTKT, đơn vị quản lý vận hành; hướng dẫn các quy định về sử dụng chung HTKT như cống hào, tuy-nen kỹ thuật, đường đô thị cống ngầm, cầu đường bộ, cột ăng ten…
Dự thảo đã tập trung giải quyết những bất cập tồn tại về đầu tư HTKT, tạo cơ sở pháp lý để các sở, ban, ngành liên quan triển khai đầu tư xây dựng mới HTKT hiệu quả, thúc đẩy phát triển đô thị mới đồng bộ, hiện đại, văn minh. Thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy hoạch đô thị, trong đó định hướng hệ thống HTKT là khung cơ bản phải thống nhất, đồng bộ và liên hoàn. Đảm bảo đáp ứng yêu cầu hiện tại song thuận tiện cho việc kết nối thành hệ thống HTKT trong tương lai. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nói chung và xây dựng các công trình HTKT đô thị nói riêng. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng các cơ chế ưu đãi, đặc thù cho các dự án, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn lực, áp dụng các công nghệ mới nhằm giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình HTKT./.
Bài và ảnh: Đức Toàn