Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn

08:10, 02/10/2017

Xác định vai trò quan trọng của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) là một đầu mối quan trọng giúp quản lý nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước khi khách hàng vay đông, địa bàn rộng, những năm qua Ngân hàng CSXH tỉnh đã luôn chú trọng thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK và VV bảo đảm đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Hiện nay, tổ TK và VV hoạt động theo quy chế quy định tại Quyết định số 15/QĐ-HĐQT ngày 15-3-2013 của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam. Tổ TK và VV tập hợp những hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn chính sách trên một địa bàn dân cư, do các tổ chức chính trị xã hội hướng dẫn thành lập và quản lý, được UBND xã chấp thuận với số lượng tổ viên tối thiểu 5 người và tối đa 60 người. Ban quản lý tổ gồm tổ trưởng và tổ phó quản lý nhiều chương trình cho vay, vừa huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống tổ chức chính trị xã hội thực hiện cơ chế quản lý dân chủ, công khai từ cơ sở, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được thụ hưởng có điều kiện tiếp cận dễ dàng với dịch vụ tài chính, được đào tạo, tập huấn trang bị kiến thức cơ bản về phát triển kinh tế hộ; nâng cao ý thức cộng đồng trách nhiệm thực hiện chương trình giảm nghèo tại địa phương. Bên cạnh thực hiện các khâu cho vay, tổ TK và VV còn tích cực vận động hộ vay vốn hằng tháng gửi tiền vào Ngân hàng CSXH nên đã giúp người nghèo có thói quen tiết kiệm tiền, có kế hoạch chi tiêu, quản lý quỹ tài chính của gia đình nhằm tự tạo lập nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 3.514 tổ TK và VV đang hoạt động tại các thôn xóm, tổ dân phố do 4 tổ chức chính trị quản lý; bình quân 1 tổ quản lý 727 triệu đồng dư nợ, mỗi tổ có 30 tổ viên. 100% tổ được ủy nhiệm thu lãi, thu tiền gửi của các tổ viên. Với việc thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nên chất lượng hoạt động của các tổ TK và VV ngày càng được nâng lên. Kết quả đạt được trong những năm qua đã khẳng định phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ cho 4 tổ chức chính trị là hướng đi đúng, với mô hình cho vay thông qua tổ TK và VV đảm bảo cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất; đồng thời huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua 15 năm hoạt động của Ngân hàng CSXH, với những đóng góp tích cực của các tổ TK và VV đã khẳng định chính sách tín dụng ưu đãi được thực hiện công khai, minh bạch, vốn trực tiếp đến người vay và tận dụng được mạng lưới của các tổ chức chính trị xã hội, bộ máy quản lý ngân hàng chuyên trách gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí quản lý, đảm bảo an toàn nguồn vốn cho Nhà nước.

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp gia đình chị Kim Thị Bình ở xóm 9, xã Hải Đường (Hải Hậu) đầu tư trồng thanh long, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp gia đình chị Kim Thị Bình ở xóm 9, xã Hải Đường (Hải Hậu) đầu tư trồng thanh long, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Tuy nhiên, đến nay tổng số nợ xấu vẫn còn 3 tỷ 819 triệu đồng; trong đó nợ quá hạn 3 tỷ 108 triệu đồng, nợ khoanh 739 triệu đồng. Toàn tỉnh còn 73 tổ TK và VV có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%. Theo đánh giá của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh thì chất lượng hoạt động của một số tổ TK và VV được đánh giá xếp loại trung bình chưa bảo đảm bền vững; một số tổ yếu kém ở xã Yên Trị (Ý Yên), xã Nam Thái, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), phường Hạ Long (TP Nam Định)... còn để kéo dài, chưa có giải pháp củng cố kiện toàn hiệu quả. Vai trò tổ phó của nhiều tổ TK và VV chỉ có tính hình thức, chưa thực sự tham gia vào hoạt động của tổ; chưa tích cực tuyên truyền, đôn đốc hộ vay trả nợ phân kỳ, trả tiền lãi tồn đọng và vận động tổ viên gửi tiền dẫn đến việc gửi tiền không đều (Hải Hậu, TP Nam Định), mức gửi thấp (Xuân Trường, Trực Ninh, Giao Thủy, Hải Hậu) nên số dư tăng trưởng chậm. Toàn tỉnh mới có 17% số tổ TK và VV có tỷ lệ tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm đều hằng tháng; có 10.768 hộ có dư nợ nhưng không có số dư tiền gửi tiết kiệm. Đặc biệt việc giám sát tình hình hộ vay của một số tổ chưa sâu sát, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền thôn, xóm dẫn đến một số hộ vay vốn đã bỏ đi khỏi địa bàn mà không nắm được địa chỉ dẫn đến khó khăn cho việc thu hồi nợ hoặc không thông báo kịp thời cho ngân hàng các trường hợp còn dư nợ mà bỏ đi khỏi địa phương. Năng lực quản lý của một số tổ trưởng tổ TK và VV còn hạn chế, trách nhiệm không cao, chưa thực hiện tốt hợp đồng ủy nhiệm đã ký; hồ sơ sổ sách lưu trữ chưa đầy đủ, khoa học; chưa tổ chức sinh hoạt tổ định kỳ theo quy ước hoạt động. Thậm chí trong công tác bình xét, thiết lập hồ sơ cho vay còn sai sót, vẫn còn tình trạng cho vay một hộ 2 sổ, vay chồng chéo chương trình...

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK và VV, trong thời gian tới Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác bao gồm: Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên tích cực tham mưu cho UBND cấp xã củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ TK và VV. Tổ chức sáp nhập các tổ có số tổ viên thấp, củng cố các tổ hoạt động yếu kém, thay thế các tổ trưởng năng lực hạn chế, thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng, đủ các nội dung đã ký trong hợp đồng ủy nhiệm với Ngân hàng CSXH. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT, các hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp và Ngân hàng CSXH đối với hoạt động của tổ TK và VV. Tham mưu cho UBND cấp xã chỉ đạo đội ngũ cán bộ bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm chủ động phối hợp cùng với hội, đoàn thể nhận ủy thác giám sát hoạt động của tổ, tham gia họp bình xét các hộ vay vốn trong tổ... Hằng tháng, Ngân hàng CSXH xây dựng kế hoạch cử cán bộ tham gia sinh hoạt cùng với tổ TK và VV để tuyên truyền nâng cao ý thức của hộ vay trong việc trả nợ, trả lãi, sử dụng vốn đúng mục đích và ý nghĩa của việc tham gia gửi tiền qua tổ TK và VV. Hằng năm, Ngân hàng CSXH và các hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho 100% cán bộ Ban quản lý tổ TK và VV. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH thường xuyên đánh giá chất lượng hoạt động của từng tổ TK và VV, chấn chỉnh những tồn tại, sai sót, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ mới trong buổi giao ban tổ trưởng tổ TK và VV hằng tháng tại điểm giao dịch xã.

Việc tập trung nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của các tổ TK và VV sẽ hỗ trợ Ngân hàng CSXH hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng dư nợ và kiềm chế tỷ lệ nợ quá hạn ở mức dưới 0,12% tổng dư nợ, đồng thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com