Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất quy mô lớn nhằm thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vốn, đưa máy móc thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Kết quả thực hiện dồn điền, đổi thửa trong toàn tỉnh đã giúp tập trung ruộng đất từ “ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn” nền tảng cần thiết để khắc phục sự manh mún trong sản xuất, xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, đồng thời tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Toàn tỉnh đã quy hoạch, xây dựng được 150 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 6.000-6.500ha, quy mô mỗi vùng đạt từ 30-70ha. Một số vùng có diện tích lớn như xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) 481ha/vùng, Giao Châu (Giao Thủy) 224ha/vùng…
Tham quan mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất lúa giống tại xã Trực Hùng (Trực Ninh) của Cty TNHH Cường Tân. |
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 100 mô hình tích tụ ruộng đất của các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân với quy mô gần 1.000ha. Quá trình tích tụ ruộng đất được thực hiện theo 3 phương thức. Một là thuê đất trực tiếp của người sử dụng đất, doanh nghiệp lựa chọn vùng đất nằm trong quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung của xã; được sự hỗ trợ của chính quyền xã và thôn, xóm đã vận động, thương thảo để thuê trực tiếp quyền sử dụng đất của các hộ dân trong thời hạn từ 5-10 năm. Các doanh nghiệp đã dồn đổi và quy hoạch thành các vùng tập trung, đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chí NTM. Phương thức thứ hai là thuê đất của các hộ dân và đất công ích của xã. Phương thức này được áp dụng khi đất của các hộ dân không có nhu cầu canh tác, có thể cho thuê nằm liền kề vùng đất công ích của xã. Phương thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc mượn ruộng của các hộ khác là phương thức tích tụ ruộng đất phổ biến của các hộ dân địa phương, các cá nhân. Từ tích tụ ruộng đất, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được một số mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; phổ biến là liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua HTXDVNN. Trong đó doanh nghiệp giữ vai trò định hướng sản xuất về quy mô, chủng loại, chất lượng và quy cách nông sản; HTX, tổ hợp tác làm đại diện cho các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết giá trị và thực hiện một số khâu dịch vụ trung gian. Điển hình cho phương thức này là mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định của Cty TNHH Toản Xuân. Cty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo với quy mô 20 nghìn tấn/năm, đồng thời liên kết với các HTXNN và các hộ nông dân trong tỉnh để sản xuất và tiêu thụ khoảng 400ha lúa BT7. Cty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thông qua HTX. Các HTX, hộ nông dân sản xuất theo liên kết với Cty yêu cầu thực hành đúng tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm được quản lý, kiểm soát chất lượng và đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện Cty đang xây dựng thương hiệu gạo sạch Toản Xuân Nam Định. Mô hình sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu giữa Cty CP Nam Dược với tổ hợp tác nuôi trồng và chế biến dược liệu Hải Lộc (Hải Hậu) qua 3 năm liên kết sản xuất, nông dân thu lãi 300-350 triệu đồng/ha, cao gấp 10 lần trồng lúa. Cty hỗ trợ giống cây, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản và 1,5 triệu đồng/sào làm trụ bê tông, hỗ trợ 100% kinh phí cứng hóa mặt đường và hệ thống kênh mương vùng sản xuất, hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng lò sấy. Toàn bộ sản phẩm được tập kết về kho của tổ hợp tác và được Cty thu mua với giá 30-35 nghìn đồng/kg khô. Công tác quản lý, giám sát chất lượng được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO GAP). Ngoài 2 mô hình trên, trên địa bàn tỉnh còn một số mô hình liên kết nữa như: mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu của Cty Hoa Thiên Phú với một số xã của huyện Nghĩa Hưng; mô hình liên kết sản xuất cá song, cá vược của cơ sở Hoàng Tuynh, huyện Nghĩa Hưng; mô hình liên kết nuôi cá diêu hồng kết hợp trồng màu tại xã Hải Châu (Hải Hậu); mô hình liên kết sản xuất lúa giống của Cty TNHH Cường Tân…
Nói về một số bài học kinh nghiệm trong việc tích tụ ruộng đất, thuê đất, liên kết sản xuất trong sản xuất nông nghiệp, đồng chí Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Các doanh nghiệp thành công là phải có quyết tâm cao, phải kỳ công, phải có đề án đầu tư sản xuất đảm bảo tính thuyết phục, hiệu quả; phải cam kết ưu tiên sử dụng lao động thuộc những hộ cho doanh nghiệp thuê gom ruộng. Chính quyền cấp xã phải tích cực tuyên truyền, vận động những hộ không có nhu cầu sử dụng ruộng đất; phải là đơn vị trọng tài, bảo lãnh cho doanh nghiệp cũng như hộ nông dân cho thuê ruộng, phải đồng hành và hỗ trợ tích cực doanh nghiệp triển khai việc thuê gom, tích tụ ruộng đất và tổ chức sản xuất; đồng thời phải công khai các quy hoạch có liên quan đến việc sử dụng đất nông nghiệp và quản lý, thực hiện đúng các quy hoạch đã được phê duyệt nhằm tạo cơ sở và lòng tin cho doanh nghiệp đầu tư dài hạn trên những thửa ruộng đã tích tụ. Để có cơ sở thu hút đầu tư của doanh nghiệp, chính quyền địa phương phải rà soát để dồn đổi và quy hoạch tập trung được những cánh đồng lớn; có cam kết hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thuê gom ruộng đất và tổ chức sản xuất. Đặc biệt phải cải cách, đơn giản hóa thủ tục và thời gian cấp phép đầu tư. Thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các mô hình liên kết; mời gọi các doanh nghiệp lớn có uy tín đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chuyển đổi toàn diện HTX theo Luật HTX năm 2012; thành lập mới các tổ hợp tác, HTX chuyên ngành; phát huy vai trò HTX làm đầu mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong cung ứng đầu vào sản xuất, đại diện nông dân liên kết với doanh nghiệp trong liên kết theo chuỗi giá trị…
Để tiếp tục đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, tạo động lực thúc đẩy liên kết sản xuất nông nghiệp, tỉnh đang kiến nghị sửa Luật Đất đai theo hướng mở rộng hạn mức cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đồng thời cho phép các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và thuê đất của Nhà nước để đầu tư sản xuất lâu dài. Chính phủ có quy định và chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, nhất là đối với các đối tượng được giao đất nhưng bỏ ruộng hoang. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tích tụ ruộng đất và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản hàng hóa. Xem xét sửa đổi Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo hướng cho phép chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang đất nông nghiệp khác, xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Có cơ chế bình ổn giá nông sản, triển khai rộng những loại hình bảo hiểm nông nghiệp; bố trí gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, HTX thu mua, dự trữ nông sản cho nông dân, nhất là doanh nghiệp và HTX trực tiếp tham gia các mô hình liên kết chuỗi giá trị…
Bài và ảnh: Ngọc Ánh