Tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp đã và đang giúp nông dân trong tỉnh dần hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các mô hình tổ chức sản xuất mới mang lại hiệu quả. Cả sản lượng, năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đang được nâng lên rõ rệt góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người nông dân.
Diêm dân xã Bạch Long (Giao Thủy) ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất muối. |
Ở xã Bạch Long (Giao Thủy), trước đây, sản phẩm muối của địa phương có giá cả bấp bênh, thu nhập từ việc sản xuất muối không đủ sống nên nhiều người bỏ nghề. Sau khi được Bộ KH và CN hỗ trợ ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình sản xuất muối sạch, thay đổi quy trình sản xuất, muối Bạch Long trở thành “vàng trắng” với chất lượng được đánh giá là cao hơn tiêu chuẩn muối thô tại tiêu chuẩn TCVN 3973-84; chất lượng muối tinh vượt tiêu chuẩn muối tinh quốc tế do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định. Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất muối, hiện giá muối sản xuất tại xã Bạch Long tăng 1,5-2 lần so với trước đây. Chị Nguyễn Thị Minh, nông dân xã Bạch Long chia sẻ: “Hiện nay, bình quân giá trị thu nhập trên 1ha đất làm muối đã tăng 7-8 triệu đồng so với trước. Nhờ vậy, đời sống diêm dân chúng tôi cũng bớt vất vả hơn”. Không riêng sản phẩm từ muối, nhiều dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đã góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị, chuyển dần từ “lượng” sang “chất”. Điển hình là việc liên kết và hỗ trợ nông dân sản xuất cây trồng dược liệu giữa Cty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú và các hộ nông dân ở Nghĩa Hưng. Theo đó, từ vụ đông năm 2015, Cty đã liên kết, đặt hàng tiêu thụ một số loại cây dược liệu như: cây đương quy, ngưu tất, ích mẫu… Nông dân huyện Nghĩa Hưng đã mở rộng sản xuất các loại cây dược liệu trên diện tích 23ha (trong đó xã Hoàng Nam 12ha, xã Nghĩa Minh 7ha, xã Nghĩa Phong 2ha, xã Nghĩa Phúc 2ha áp dụng theo tiêu chí GACP-WHO. Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình đã mang lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân. Định hướng trong những năm tới, Cty tiếp tục phối hợp với các hộ nông dân duy trì diện tích cây dược liệu trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại huyện Nghĩa Hưng, trong đó ổn định 20ha ngưu tất thương phẩm với năng suất 14 tấn/ha/vụ. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân cũng đã mạnh dạn đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp với việc áp dụng khoa học công nghệ vào trồng rau màu. Điển hình như mô hình trồng rau công nghệ cao trên diện tích 4ha của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh tại xã Trực Hùng (Trực Ninh). Dự án được triển khai từ tháng 10-2016, trong đó có 1ha nhà màn theo công nghệ Thái Lan và áp dụng công nghệ tưới phun sương, nhỏ giọt tiết kiệm nước của I-xra-en. Đến nay bước đầu đã cho thu hoạch với sản lượng 8 tấn/vụ, chủ yếu là các loại rau ăn lá như xà lách châu Âu, dưa lưới, cà chua… Toàn bộ sản phẩm được ký hợp đồng cung cấp cho chuỗi siêu thị Đức Thành và chuỗi nhà hàng Thành Nam tại Hà Nội với giá thành cao, hiệu quả cao gấp 4-5 lần so với rau sản xuất đại trà. Trong năm 2017, Cty hoàn thiện xây dựng nhà màng với tổng diện tích 2ha và tổ chức sản xuất 2ha rau hữu cơ ngoài trời. Kế hoạch trong thời gian tới, Cty sẽ có 15ha sản xuất rau công nghệ cao bằng các phương pháp thủy canh, hữu cơ trong nhà màng sản xuất rau sạch, rau hữu cơ ngoài trời theo công nghệ tiên tiến: VietGAP, GlobalGAP… phục vụ cho các phân khúc khách hàng khác nhau nhưng đảm bảo tiêu chí chung là sạch và an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, với mục đích giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường đất, môi trường nước tránh bị ô nhiễm, tận dụng được các loại sản phẩm phụ từ nông nghiệp như rơm, rạ, vỏ lạc…, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, xã Yên Cường (Ý Yên) đã xây dựng dự án sản xuất phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt và sản phẩm phụ từ nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Cường cho biết, khi kinh tế ngày càng phát triển thì rác thải ngày một nhiều. Rác thải sinh hoạt được người dân mang ra đổ ở kênh mương, ao hồ. Sản phẩm phụ từ nông nghiệp như rơm rạ, vỏ lạc… được đốt lãng phí hoặc bỏ bừa bãi trên các cánh đồng, bờ thửa, lòng kênh mương; cây cỏ mọc hoang dại tràn lan bờ ruộng, bờ kênh. Ngoài ra, các loại vỏ bao thuốc, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật không được thu gom, vứt tràn lan trên đường giao thông, kênh mương gây ô nhiễm môi trường, là mầm mống của các dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sinh sống trong khu vực. Trước thực trạng đó, một ý tưởng tái chế các sản phẩm phụ từ nông nghiệp làm phân bón đã được cấp ủy, chính quyền địa phương bàn bạc, đưa ra họp bàn và lấy ý kiến của nhân dân. Giữa năm 2016, được tỉnh hỗ trợ kinh phí 500 triệu đồng, xã Yên Cường đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà ủ, mua máy chế biến nguyên liệu, máy xúc lật và giao cho HTX SXKD DVNN Bắc Cường thành lập tổ dịch vụ sản xuất phân bón hữu cơ. Sau khi thành lập tổ dịch vụ, HTX phân công thành viên và tiến hành các quy trình sản xuất phân hữu cơ. Tuy mới đi vào hoạt động còn nhiều khó khăn song dự án đã bước đầu góp phần vừa làm sạch môi trường, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng sạch hơn.
Thành công của các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ của nông dân vào sản xuất nông nghiệp đang từng bước giúp thay đổi nhận thức của người nông dân, dần hướng sang phương thức canh tác nông nghiệp sạch, bền vững. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân. Từ thành công của các đề án, nhiều xã sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình, từ đó dần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tích cực vào quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn