Từ đầu năm 2011, tỉnh ta thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp giúp bình quân số thửa/hộ đã giảm từ 3,7 thửa xuống 2,0 thửa và là địa phương đứng trong “tốp” đầu toàn quốc về DĐĐT, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM. Để bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (GCN QSDĐNN) sau DĐĐT, ngày 27-4-2015, Sở TN và MT đã ban hành Hướng dẫn số 899/HD-STNMT về chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ dữ liệu địa chính, cấp đổi GCN QSDĐNN, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp sau DĐĐT trên toàn tỉnh. Quá trình thực hiện việc cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT đã phát sinh vướng mắc dẫn đến tiến độ ì ạch. Đến cuối năm 2015, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác giúp việc, phân công nhiệm vụ và địa bàn cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo để chủ động chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; hằng tuần kiểm điểm tiến độ thực hiện. Các huyện phải dành 10% kinh phí trích từ nguồn thu tiền SDĐ để phục vụ công tác lập hồ sơ địa chính, cấp đổi sổ đỏ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp ngoài đồng sau DĐĐT… Tuy nhiên, chưa năm nào hoàn thành kế hoạch cấp GCN QSDĐNN đề ra. Năm 2015 tỉnh giao cấp 212.500 giấy nhưng không đạt chỉ tiêu; năm 2016 tỉnh giao cấp 200 nghìn giấy nhưng cũng không đạt chỉ tiêu; 2017 tỉnh giao cấp 129 nghìn giấy nhưng đến đầu tháng 8-2017 mới đạt 12% chỉ tiêu. Vì vậy có thể thấy năm 2017, nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT là rõ ràng. Tại tất cả các huyện đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ trong cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT; trong số đó các huyện gặp nhiều vướng mắc và tiến độ chậm nhất trên địa bàn toàn tỉnh là Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc.
Dồn điền đổi thửa giúp xã Liên Bảo (Vụ Bản) phát triển mô hình cánh đồng lớn trồng rau theo công nghệ Nhật Bản. |
Huyện Vụ Bản là địa phương có tiến độ thực hiện chậm nhất tỉnh do hầu hết bản đồ địa chính của nhiều địa phương đều lập từ năm 1987, đến nay đã quá cũ nát, không thể chỉnh lý được. Với quan điểm nếu không lập lại hồ sơ địa chính thì sẽ không bao giờ thực hiện được công tác cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT nên các xã, thị trấn đều tập trung đo đạc, lập lại hồ sơ địa chính mới. Đến nay, tất cả 18 xã, thị trấn đã ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn, đo đạc, đang tiến hành đo đạc ở ngoài nội đồng và làm hồ sơ. Một số xã sẽ hoàn thành công tác đo đạc và tiến hành cấp GCN QSDĐNN trong năm 2017 gồm: Minh Tân, Cộng Hòa, Trung Thành. Huyện đã đề nghị Sở TN và MT nghiệm thu hồ sơ địa chính mới của các xã đã hoàn thành. Riêng xã Minh Tân, hiện đã được Văn phòng Đo đạc đất đai của Sở TN và MT cấp hơn 900 GCN QSDĐNN sau DĐĐT, còn lại mấy trăm giấy đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục cấp. Bên cạnh đó, trong quá trình khảo sát đo đạc, lập lại hồ sơ địa chính của huyện còn phát sinh tình huống diện tích chia, đổi tại một số địa phương chưa chuẩn xác tuyệt đối, bị tăng lên so với kết quả đo đạc thực tế lập hồ sơ địa chính mới. Vì vậy, trong điều kiện hồ sơ địa chính mới đảm bảo tính chi tiết, chính xác tuyệt đối đặt ra yêu cầu huyện phải xử lý, hợp thức hóa quản lý phần đất dôi dư này theo các phương án dịch lại toàn bộ diện tích thừa ra bổ sung vào quỹ đất công ích, trường hợp phần đất thừa nhưng diện tích quá nhỏ thì phải xử lý theo phương án sai số... Do công tác lập lại hồ sơ địa chính phải thực hiện nhiều nguyên tắc, bảo đảm quy định như công khai đến hộ dân, lấy ý kiến của dân, thu lại hồ sơ... vì vậy, huyện Vụ Bản sẽ không hoàn thành chỉ tiêu cấp 2.000 GCN QSDĐNN trong năm 2017 mà dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản khoảng 90% số lượng giấy GCN QSDĐNN trong năm 2018. Huyện Ý Yên cũng chậm tiến độ do có số lượng hơn 1.000 tờ bản đồ địa chính cần chỉnh lý. Với quan điểm của huyện là tập trung làm chắc ở phần chỉnh lý bản đồ địa chính, sau đó sẽ đẩy nhanh tiến độ ở công đoạn ký giấy. Đến nay, huyện đã hoàn tất chỉnh lý 661 tờ bản đồ, còn 350 tờ đang chỉnh lý; đã kiểm tra, xét duyệt lập 52.988 hồ sơ, đạt 83% kế hoạch tổng hồ sơ cần rà soát nhưng huyện chưa viết, chưa ký bất kỳ giấy nào do các xã chậm xét duyệt, thẩm định dẫn đến việc ký quyết định của UBND huyện chậm. Khó khăn của huyện Ý Yên là đối với 20 xã triển khai ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thì tiến độ tương đối nhanh nhưng còn 6 xã tham gia chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính quốc gia đang tự rà soát, điều chỉnh tiến độ rất chậm, khó khăn trong công tác DĐĐT. Bên cạnh đó, chất lượng hồ sơ DĐĐT của huyện rất kém do chất lượng đồng đất không đồng đều và ở một số xã số thửa trên hộ còn khá cao; vì vậy đối với các trường hợp một hộ có trên 4 thửa huyện vẫn chưa đưa vào danh sách cấp giấy GCN QSDĐNN, đang tiếp tục vận động người dân tự chuyển đổi. Với chỉ tiêu được tỉnh giao là cấp 30 nghìn giấy/năm, trong điều kiện còn nhiều bất cập cần giải quyết kể trên chắc chắn huyện không có đủ nhân lực để hoàn thành...
Việc chậm tiến độ trong cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT của các địa phương đang gây ra các hệ quả kinh tế - xã hội tiêu cực. Tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng nhân dân kiến nghị, phản đối gay gắt về công tác DĐĐT ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc chậm tiến độ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhiều địa phương chưa coi trọng và xác định việc cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT là nhiệm vụ quan trọng, có quan hệ chặt chẽ giữa quản lý đất đai với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh; công tác tham mưu trong quá trình DĐĐT, xây dựng và quản lý hồ sơ liên quan đến DĐĐT ở một số địa phương chưa chặt chẽ, không khoa học và đồng bộ dẫn tới việc cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT gặp nhiều khó khăn. Có tới trên 70 xã chưa quan tâm quản lý, để bản đồ cũ nát, không quan tâm đo đạc, kẻ vẽ, số hóa bản đồ địa chính. Dù UBND tỉnh đã chỉ đạo dành 10% kinh phí trích từ nguồn thu tiền SDĐ để phục vụ cho công tác lập hồ sơ địa chính, cấp đổi sổ đỏ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp ngoài đồng sau DĐĐT nhưng nhiều địa phương chưa nghiêm túc thực hiện trích đủ theo quy định. Công tác thiết lập, chuẩn bị, lập hồ sơ trong giai đoạn DĐĐT của nhiều địa phương không chuẩn chỉ, dẫn đến diện tích thực tế sai khác với bản đồ, hồ sơ địa chính và hồ sơ giao ruộng nên việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn, kéo dài.
Để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trên, tại cuộc họp tìm biện pháp đẩy nhanh tiến độ cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải xác định việc cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc DĐĐT phải bảo đảm thực hiện trên nguyên tắc có sự đồng thuận tự nguyện của người dân, đảm bảo an ninh nông thôn; do vậy đối với những địa phương đến nay chưa tổ chức được việc DĐĐT, yêu cầu UBND các huyện không chỉ đạo dồn đổi bằng mọi cách. Đối với các địa phương đang có thắc mắc, khiếu nại của người dân về DĐĐT, yêu cầu UBND các huyện tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động và có giải pháp giải quyết kiến nghị dứt điểm ngay từ cơ sở, đảm bảo hoạt động sản xuất của người dân đạt hiệu quả cao góp phần tích cực vào xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trước mắt, cần tập trung gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT để đạt kết quả cao nhất theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao tại Quyết định số 2899/QĐ-UBND ngày 14-12-20116. Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT phải thận trọng, chính xác, hạn chế thấp nhất việc sai sót dẫn tới phát sinh khiếu nại, thắc mắc của người dân. Trên cơ sở thực trạng, kết quả, kinh nghiệm thực hiện những năm qua, UBND các huyện chủ động xây dựng kế hoạch cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT năm 2018 của địa phương kèm theo các điều kiện bảo đảm để thực hiện kế hoạch; nhất là việc cân đối dành 10% kinh phí trích từ nguồn thu tiền cấp quyền SDĐ để phục vụ công tác lập hồ sơ địa chính. Kế hoạch cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT do Chủ tịch UBND huyện phê duyệt, gửi về Sở TN và MT trong tháng 11-2017 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Phấn đấu hoàn thành việc cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT ở tất cả các huyện trong năm 2018. Sở TN và MT có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp việc xây dựng kế hoạch của UBND các huyện thành kế hoạch chung của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt; kiểm tra, giám sát các huyện thực hiện kế hoạch cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT đúng tiến độ đề ra và hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ nếu các huyện có nhu cầu./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý