Những năm qua, chăn nuôi của tỉnh có bước phát triển nhanh. Hiện toàn tỉnh có gần 784 nghìn con lợn, 7,8 triệu con gia cầm và 39 nghìn con trâu, bò. Có được kết quả trên là do nhiều hộ nông dân trong tỉnh đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa vào chăn nuôi, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trang trại nuôi gà đẻ trứng sử dụng công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh) ở xã Nam Thanh (Nam Trực). |
Ứng dụng cơ giới hóa trong thiết kế cải tạo hệ thống chuồng giúp người nuôi điều khiển được tiểu khí hậu chuồng nuôi, bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng phù hợp với sự phát triển của vật nuôi, môi trường không khí phù hợp an toàn dịch bệnh, không bị mầm bệnh xâm nhập. Điển hình như trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh) nuôi lợn thịt của các ông Nguyễn Văn Toán ở xã Xuân Thượng (Xuân Trường), Vũ Trọng Nghĩa ở xã Hải Lộc (Hải Hậu)…; trang trại nuôi gà đẻ, gà thịt của các ông Nguyễn Văn Công ở xã Hải Xuân (Hải Hậu), Trần Văn Tấn ở xã Hiển Khánh (Vụ Bản)… Nhiều trang trại chăn nuôi lợn thịt sử dụng hệ thống máng ăn, thiết bị núm uống tự động để lợn, gà có thể chủ động ăn, uống theo nhu cầu, tiết kiệm được nước, đã tập cho vật nuôi có thói quen uống nước và vệ sinh ở một chỗ, đảm bảo cho vật nuôi phát triển tốt. Anh Nguyễn Văn Luật, xóm Tây Cát, xã Hải Đông - chủ một trong những trang trại chăn nuôi lớn của huyện Hải Hậu cho biết: Từ nghiên cứu sách vở và những chuyến đi thực tế ở các trại chăn nuôi lớn, anh đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà theo kỹ thuật chuồng khép kín; lắp đặt hệ thống thông gió, cung cấp nước uống tự động và cơ giới hóa khâu vệ sinh chuồng nuôi. Xung quanh chuồng nuôi lợn có xây dựng các bể bi-ô-ga liên thông xử lý nước thải và ao nuôi cá điều hòa không khí. Nhờ áp dụng công nghệ và tuân thủ quy trình kỹ thuật nên chuồng nuôi luôn thông thoáng và bảo đảm nhiệt độ thích hợp cho vật nuôi sinh trưởng tốt. Ngoài ra, việc sử dụng máng ăn, núm uống tự động giảm được công cho vật nuôi ăn, hạn chế thức ăn rơi vãi nên chất lượng thức ăn đảm bảo tốt hơn, không bị lãng phí, chuồng nuôi luôn sạch sẽ giảm công vệ sinh, sức khỏe vật nuôi được đảm bảo nên năng suất và hiệu quả kinh tế khá, ít xảy ra dịch bệnh. Mỗi năm anh lãi 1 tỷ đồng từ nuôi lợn, gà, cá. Ngoài các kỹ thuật công nghệ ứng dụng trong thiết kế hệ thống chuồng nuôi, một số trang trại chăn nuôi áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ khác như trang trại nuôi gà đẻ trên chuồng sàn của anh Trần Bùi Nam, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) sử dụng hệ thống cào phân bằng máy. Toàn bộ số gà đẻ được anh nuôi trên tầng, phân gà thải dưới sàn có hệ thống cào phân tự động đưa ra vị trí tập kết bên ngoài để công nhân đóng gói bán cho các hộ trồng cây cảnh đem lại một nguồn thu khá, lại hạn chế tình hình dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu chăn nuôi. Công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi đa số hộ chăn nuôi đã dùng các loại máy phun thuốc sát trùng công suất lớn, máy cọ rửa chuồng trại vừa bảo đảm hiệu suất, vừa tiết kiệm nhân công. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, các hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh đã sử dụng 605 máy nghiền, trộn thức ăn cho gia súc; 60 máy chế biến thức ăn thô (băm, thái cỏ, đóng bánh rơm); 107 máy làm mát cho gia súc, gia cầm; 608 máy và thiết bị cho ăn bán tự động, uống tự động cho gia súc, gia cầm… Các hệ thống được cơ giới hóa có tính ứng dụng cao, nâng cao năng suất lao động, không lãng phí nguyên liệu, nguồn nhân lực. Đặc biệt do đầu tư ứng dụng công nghệ kỹ thuật nên hạn chế được rất lớn rủi ro do dịch bệnh, đây cũng là cơ sở mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người chăn nuôi. Ngoài ra, việc đưa cơ giới hóa trong chăn nuôi rất phù hợp với đặc thù dịch chuyển lao động nông thôn từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác bởi máy móc thiết bị giúp giảm nhân công và nâng cao năng suất chăn nuôi. Với 1 trại chăn nuôi nếu như trước đây phải sử dụng hàng chục lao động để thực hiện việc chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại thì giờ đây chỉ cần 1-2 lao động. Bên cạnh đó, người nuôi còn quản lý, theo dõi được quá trình sử dụng thức ăn, sinh sản, sức khỏe vật nuôi. Từ đó đã thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển từ tận dụng, nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất hàng hoá quy mô trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, việc cơ giới hóa trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế nên tỷ lệ còn thấp. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa các khâu mới quanh quẩn 5-25%, thậm chí khâu chế biến thức ăn cho trâu bò mới đạt 3%. Nguyên nhân do phương thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, nhiều trang trại còn nằm trong khu dân cư nên việc đưa cơ giới hóa vào còn chậm, hiệu quả không cao. Cũng do chăn nuôi còn nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu cơ chế chính sách nên việc đưa cơ giới hóa còn thiếu đồng bộ; nhiều hộ chăn nuôi phải đầu tư từng phần, cuốn chiếu năm nay đầu tư cái này, năm sau hoặc vài năm sau mới đầu tư phần khác. Do vậy việc đầu tư mua sắm thiết bị máy móc phục vụ cơ giới hóa trong chăn nuôi, sản xuất chưa đồng bộ; giá một số máy móc, thiết bị còn cao, thị trường cung cấp chưa nhiều, khó tìm mua. Trong khi đó người chăn nuôi vừa thiếu vốn vừa thiếu thông tin cần thiết về việc đầu tư trang thiết bị. Ngoài ra, thợ vận hành, sửa chữa các loại máy móc thiết bị có trường hợp không qua đào tạo bài bản dẫn đến việc vận hành bảo dưỡng máy móc kém hiệu quả. Từ đó làm giảm chất lượng và tuổi thọ máy móc, thiết bị, thiệt hại cho người chăn nuôi làm đội giá thành tăng chi phí đầu vào nên không khuyến khích được nông dân đầu tư. Về quy hoạch chăn nuôi, nhiều khu trang trại chăn nuôi lớn chưa thực hiện theo quy hoạch nên việc áp dụng cơ giới hóa chưa được đồng bộ, nhất là áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi…
Để thúc đẩy cơ giới hóa trong chăn nuôi cần thực hiện tốt việc quy hoạch chăn nuôi. Đồng thời chú trọng đào tạo trang bị kỹ thuật cho cán bộ chuyên môn và cả người chăn nuôi để đáp ứng yêu cầu sử dụng trang thiết bị hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền thu hút các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư vào chăn nuôi theo công nghệ cao. Để thực hiện các giải pháp này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các sở, ngành cùng với sự đồng thuận cao của các doanh nghiệp, người chăn nuôi. Có như vậy, việc ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi mới được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy chăn nuôi tỉnh ta phát triển theo mục tiêu đã đề ra./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh