Hiện nay, khi năng suất lúa hầu như đã đạt ngưỡng thì việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đảm bảo định hướng sản xuất hàng hóa giá trị hướng tới xuất khẩu trở thành mục tiêu nhiệm vụ hết sức quan trọng. Chọn lựa, sử dụng các giống lúa chất lượng cao đang được coi là xu thế tất yếu trong sản xuất lúa gạo, bởi vậy diện tích lúa chất lượng cao ở tỉnh ta ngày một tăng…
Nông dân xã Xuân Ninh (Xuân Trường) cấy lúa mùa. |
Là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn của tỉnh, hằng năm lượng lương thực do huyện Nghĩa Hưng sản xuất ra là rất lớn. Thế nhưng, nằm trong tình trạng chung của nhiều vùng trồng lúa cả nước, rất nhiều năm người trồng lúa của huyện rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”, hạt lúa mà họ phải vất vả “một nắng hai sương” làm ra ế đọng, khó tiêu thụ. Những năm gần đây, trong xu thế thị trường ngày càng ưa chuộng các loại gạo có chất lượng cao, chính quyền và người dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống lúa nhằm tìm một hướng đi mới, thuận lợi và hiệu quả hơn cho cây lúa. Đồng chí Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Những năm qua, Nghĩa Hưng tập trung chuyển đổi nhanh, mạnh, đưa vào sản xuất các giống chất lượng cao, có “đầu ra” thuận lợi để bà con thấy, tin và làm theo. Trong đó, chú trọng các giống lúa thuần chất lượng cao như: BT7, BT7 kháng bạc lá, TBR225, Hương biển 3, Nếp 97… mà thị trường đang ưa chuộng. Vụ mùa năm nay, Nghĩa Hưng gieo cấy 10.282ha, trong đó diện tích lúa thuần chất lượng cao chiếm trên 85%. Còn ở xã Thành Lợi (Vụ Bản) với trên 70% dân số sinh sống và làm việc gắn bó với sản xuất nông nghiệp, những năm qua, cấy lúa và trồng cây rau màu phát triển đã góp phần tích cực trong duy trì ổn định đời sống của đa số người dân. Chỉ một bộ phận lao động thanh niên đi làm ăn bên ngoài bằng các ngành nghề khác là không gắn bó trực tiếp với sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, việc chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi trong mỗi vụ sản xuất luôn được Ban Nông Nghiệp xã và người nông dân quan tâm. Ông Vũ Viết Thảo, Trưởng Ban Nông nghiệp xã Thành Lợi cho biết: UBND xã đã chỉ đạo nông dân mở rộng diện tích lúa chất lượng cao. Các giống lúa BT7, BT7 kháng bạc lá, BC15… được đưa vào ngày càng nhiều. Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) nên năng suất của các giống này chênh lệch không đáng kể so với lúa lai. Bà Nguyễn Thị Nhung, thôn Mỹ Trung, xã Thành Lợi cho biết: Năng suất các giống lúa thuần chất lượng cao đạt khoảng 200 kg/sào/vụ, trong khi lúa lai đạt bình quân 250 kg/sào/vụ, nhưng hiệu quả kinh tế của các giống lúa chất lượng cao vẫn hơn gấp 1,5 lần do giá cao mà đầu ra thuận lợi, hầu hết được thương lái, doanh nghiệp nhận thu mua sản phẩm.
Thời gian qua xu thế chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi diễn ra ở hầu hết các địa phương. Đây cũng là một trong những nội dung định hướng trọng tâm của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, gắn chuyển dịch sản xuất nông nghiệp hàng hóa với xây dựng NTM, nhằm tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập sâu kinh tế quốc tế. Khi yêu cầu chất lượng hàng hóa được đặt lên hàng đầu, thì năng suất, sản lượng tất yếu không phải là ưu tiên số một như trước đây. Đơn cử như giống lúa thuần BT7, tuy là giống lúa mẫn cảm, năng suất khá, nhưng lại được nông dân nhiều địa phương gieo cấy tới 90% diện tích là do chất lượng gạo ngon, dễ tiêu thụ sau thu hoạch. Vụ xuân năm 2017, trong tổng số gần 76 nghìn ha lúa toàn tỉnh, diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao chiếm trên 70%. Diện tích trồng các giống lúa lai chỉ có ưu thế về năng suất giảm dần qua từng năm. Hiện tại, các giống như lúa thuần Ải 32, Q5, Khang dân 18, Việt Hương Chiếm; lúa lai D.ưu 527, Nhị ưu 838… khó bán, nông dân chủ yếu sản xuất để phục vụ chăn nuôi, làm bún, bánh... Giá các loại lúa này cũng rất thấp, như vụ xuân năm nay, ở thời điểm thu hoạch rộ, giá lúa chỉ xấp xỉ 6.000-6.500 đồng/kg, trong khi các giống lúa thuần chất lượng cao như: BT7, BC15, Nam Định 5, TBR225… luôn cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg. Từ thực tế đó, vụ mùa năm nay, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương gieo cấy với cơ cấu giống là: lúa thuần chiếm 75% diện tích, sử dụng các giống thuộc nhóm chất lượng cao như BC15, TBR225, Nếp 97, QR1, Nam Định 5, Hương Biển 3, Thiên ưu 8; lúa đặc sản chiếm 10% diện tích với các giống đặc sản truyền thống như nếp Bắc, nếp cái hoa vàng, tám, dự hương… còn lại lúa lai chỉ chiếm 15% diện tích. Mở rộng thực hiện các mô hình trình diễn giống lúa mới có triển vọng như 6129 vàng, Hương biển 5, Kim Cương 111, TBR279, LT2 kháng bạc lá… Đồng chí Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Khi đã chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa thì làm thế nào để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích cho nông dân là một mục tiêu trọng tâm. Trước đây, nông dân tập trung gieo cấy những giống lúa có năng suất cao, nhưng hiện tại nông dân đã chuyển sang gieo cấy các giống lúa có chất lượng cao, được giá và dễ tiêu thụ để có giá trị gia tăng cao. Khi cấy những giống lúa chất lượng, chi phí đầu tư của người nông dân thấp hơn so với những giống lúa cao sản. Mặc dù năng suất thấp hơn nhưng giá bán cao hơn từ 30-50%. Do vậy, sản xuất những giống lúa chất lượng cao hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn những giống lúa thiên về năng suất. Đây cũng là một yếu tố thiết yếu để nông dân tha thiết với trồng lúa và đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ trong sử dụng tư liệu sản xuất của mình. Định hướng rất rõ của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh là chuyển từ sản xuất số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là xu thế tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở tỉnh ta.
Thuộc một trong những vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, trung bình hằng năm tỉnh ta được Chính phủ giao sản xuất khoảng 1 triệu tấn lương thực. Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2017 toàn tỉnh đạt tổng sản lượng lương thực 930 nghìn tấn; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng từ 2,5-3%. Trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hướng tới sản xuất hàng hóa, phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và các chuỗi liên kết, ngành Nông nghiệp tỉnh cần phát huy tốt vai trò quản lý, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực giao hằng năm, cân đối giữa sản lượng và giá trị, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp tạo ra./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh