Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nghề muối

08:08, 14/08/2017

Nam Định có trên 600ha ruộng muối ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thủy. Do phương thức sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng đồng muối xuống cấp dẫn tới năng suất, chất lượng muối không cao, thu nhập của người làm muối rất thấp. Mở rộng diện tích muối sạch, áp dụng cơ giới hóa và các công nghệ mới trong sản xuất và chế biến… từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất muối cho diêm dân là mục tiêu ngành Nông nghiệp đang hướng đến.

Trên cánh đồng muối xã Bạch Long (Giao Thủy).
Trên cánh đồng muối xã Bạch Long (Giao Thủy).

Thu nhập bèo bọt - nhiều diêm dân bỏ nghề

Quệt những giọt mồ hôi mặn chát, chị Hoàng Thị Vòng ở xã Nghĩa Phúc chia sẻ: “Thời gian qua thời tiết không thuận lợi cho làm muối, mưa nhiều, giá muối lại không tăng, nên suốt từ đầu vụ đến giờ tôi chỉ thu được khoảng 3 triệu đồng. Tiền kiếm được từ nghề muối chẳng đủ trang trải cuộc sống hằng ngày”. Để làm ra được hạt muối, mỗi vụ diêm dân cũng phải đầu tư khá nhiều công sức, tiền bạc. Nếu chỉ tu sửa đồng ruộng gồm sân phơi, ô chạt, cát giống… chi phí bỏ ra cũng đã khoảng 3-4 triệu đồng/sào; còn làm mới, người dân phải mất khoảng 10-15 triệu đồng, đó là chưa tính đến tiền làm nhà kho. Thế nhưng, tính ra cả ngày làm quần quật trên cánh đồng, cật lực lắm thì họ chỉ thu được từ 120-130 nghìn đồng/người, không bằng đi phu hồ.

Hiện nay, số lao động làm muối đang giảm dần. Thống kê của Sở NN và PTNT cho thấy, diện tích đất sản xuất muối của tỉnh là 619,3ha nhưng đưa vào sản xuất chưa đến 400ha. Đồng chí Vũ Thanh Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: huyện Giao Thủy có 359ha sản xuất muối tập trung ở Thị trấn Quất Lâm và 2 xã Bạch Long, Giao Phong. Nhưng do giá trị ngày công lao động thấp, thời tiết diễn biến bất thường nên diêm dân không còn mặn mà với nghề muối. Hiện diện tích sản xuất muối của huyện chỉ còn 171,6ha, còn lại 187,4ha bị bỏ hoang hoặc người dân tự phát chuyển sang nuôi thủy sản. Như xã Giao Phong có 51ha đất sản xuất muối nhưng đến nay diện tích đang sản xuất chỉ còn 2ha, Thị trấn Quất Lâm có 78ha nhưng diện tích đưa vào sản xuất chỉ 8,6ha. Một nghịch lý đang tồn tại trong những năm qua là trong khi giá nhiều mặt hàng tăng vọt, thì giá muối lại liên tục giảm hoặc cầm chừng. Giá các loại vật tư phục vụ sản xuất tăng cao nhưng giá muối bình quân những năm qua chỉ đạt 1.250 đồng/kg. Cùng với đó, sản xuất muối nhỏ lẻ, manh mún, diện tích sản xuất muối sạch phát triển chậm, năng suất thấp nên hiệu quả sản xuất thấp, làm cho thu nhập, đời sống của diêm dân gặp rất nhiều khó khăn, một bộ phận diêm dân không thể gắn bó với sản xuất muối. Một khó khăn nữa của nghề muối đó là việc huy động các nguồn lực khoa học công nghệ và đầu tư cơ sở vật chất ngành muối còn nhiều hạn chế; các mô hình khuyến khích hỗ trợ còn ít về số lượng, thực hiện đơn lẻ, thiếu giải pháp đồng bộ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ của các HTX nghề muối chưa tạo được mối quan hệ bền vững dựa trên cơ chế phân bổ lợi nhuận theo chuỗi giá trị từ sản xuất tới lưu thông giữa “diêm dân - HTX - doanh nghiệp”; nhiều HTX không đủ năng lực cạnh tranh với tư thương trong hoạt động kinh doanh muối. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất muối còn ít; công tác quản lý thị trường, phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn nhiều bất cập… Một trở ngại rất lớn nữa đối với sản xuất muối đó là biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho thời tiết ngày càng diễn biến bất thường. Theo số liệu của các HTX, trong những năm qua, bình quân chỉ có trên dưới 100 ngày nắng trong năm. Số ngày nắng không nhiều và thường có mưa xen kẽ là điều kiện bất lợi cho sản xuất muối. Những năm qua, ngành muối của tỉnh còn chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão. Đặc biệt là cơn bão số 1 năm 2016 đã làm hàng trăm ha ruộng muối, ô nề, thống, chạt lọc bị vỡ, hỏng; nhiều kho tạm chứa muối ngoài đồng bị đổ, tốc mái… Do diện tích sản xuất ít hiệu quả kinh tế thấp nên các địa phương có nghề muối thiếu quan tâm đến nghề muối, công tác chỉ đạo điều hành sản xuất chưa quyết liệt và hiệu quả…

Tìm hướng đi cho nghề muối

Trong những năm gần đây, trong nỗ lực duy trì nghề muối và cải thiện đời sống diêm dân, chương trình phát triển ngành nghề nông thôn của UBND tỉnh được triển khai có phần hỗ trợ phát triển sản xuất muối sạch nên diện tích sản xuất muối sạch đã tăng dần theo các năm, đến nay đạt 38ha. Để hỗ trợ tiêu thụ muối cho diêm dân, hằng năm Sở NN và PTNT chỉ đạo các HTX phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức hội nghị khách hàng, ký kết hợp đồng tiêu thụ muối cho diêm dân ngay từ đầu vụ. Mặt khác, một số HTX đã chủ động huy động tiền vốn từ các thành viên Ban quản lý HTX, đội trưởng sản xuất và ứng vốn của doanh nghiệp để tiêu thụ muối. Do vậy công tác tiêu thụ, chế biến muối được thực hiện tốt, sản phẩm không bị tồn đọng. Các doanh nghiệp thu mua, chế biến muối đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đổi mới công nghệ chế biến nhiều loại sản phẩm từ muối thô tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Để duy trì và phát triển nghề muối, theo đồng chí Trần Văn Hồng, Phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện Hải Hậu thì ngành Nông nghiệp cần quan tâm đến các mô hình sản xuất muối hiệu quả, đặc biệt là mô hình sản xuất muối sạch. Tăng cường tổ chức sản xuất muối theo chuỗi, trong đó các hộ diêm dân tập hợp thành lập HTX, tổ hợp tác sản xuất muối. Còn theo bà Trần Thị Bình, Giám đốc Cty CP Muối và thương mại Nam Định cần phải thành lập Hiệp hội Muối tỉnh Nam Định để xây dựng thương hiệu hàng hóa muối phơi cát miền Bắc. Sở NN và PTNT tiếp tục chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thực hiện tốt trách nhiệm nắm bắt kịp thời diễn biến bất thường của thời tiết thông báo cho diêm dân, hướng dẫn diêm dân làm đúng quy trình sản xuất. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền và phổ biến kịp thời những chính sách, pháp luật và giá cả thị trường đến tận người sản xuất. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ diêm dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất muối, hỗ trợ cải tạo nội đồng để giảm cường độ lao động, nâng cao năng suất, chất lượng muối. Tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện giúp các HTX diêm nghiệp đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hỗ trợ kinh tế hộ phát triển thông qua hội thảo, tập huấn. Khuyến khích diêm dân cải tiến công cụ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi vị trí chạt lọc… góp phần giảm sức lao động nặng nhọc; mở rộng các mô hình ứng dụng kỹ thuật kết tinh muối trên bạt và mở rộng diện tích sản xuất muối sạch. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia tiêu thụ muối cho diêm dân; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở địa phương phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cho ra đời những sản phẩm mới, mở rộng quảng bá tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

Trên cơ sở quy hoạch được Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh phê duyêt, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải tạo nâng cấp hệ thống thủy lợi đồng muối, đường vận chuyển, sửa chữa, làm mới ô nề, thống, chạt lọc. Tập trung xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nghề muối khép kín từ sản xuất - thu mua - chế biến đến tiêu thụ. Tăng cường sản xuất chế biến các loại  muối sạch chất lượng cao để nâng giá trị gia tăng sản phẩm muối… nhằm duy trì sản xuất muối ổn định và lâu dài, đảm bảo đời sống diêm dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com