Thực hiện Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2016, UBND tỉnh đã xây dựng “Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu, thuốc y học cổ truyền đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới” (GMP-WHO) để sản xuất công nghiệp những bài thuốc đã được khẳng định. Nâng cấp cơ sở bào chế thuốc phiếm, vị thuốc YHCT đạt tiêu chuẩn để bào chế, chế biến dược liệu, vị thuốc YHCT được cấp số đăng ký. Bố trí quỹ đất cho xây dựng nhà máy, khu công nghiệp dược; ưu tiên bố trí giao đất cho dự án phát triển nguồn dược liệu làm thuốc, vùng nuôi trồng dược liệu theo quy định của pháp luật về đất đai.
Vùng trồng đinh lăng đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt nuôi trồng dược liệu" tại xã Hải Quang (Hải Hậu). |
Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 2 vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng dược liệu” là vùng trồng đinh lăng ở Nghĩa Lạc, Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), Hải Toàn (Hải Hậu) với diện tích khoảng 500ha và vùng trồng thìa canh tại Hải Lộc (Hải Hậu); 1 doanh nghiệp được Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền công nhận đủ điều kiện bào chế, chế biến dược liệu và vị thuốc YHCT; 1 hộ kinh doanh cá thể sản xuất thuốc YHCT; 3 nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP-WHO); 7 doanh nghiệp bán buôn dược liệu đạt “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP); 3 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) đủ điều kiện nhập khẩu dược liệu. Tỉnh ta cũng đã thực hiện chính sách ưu tiên mua thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước đối với thuốc mua từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, quỹ BHYT và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập. Về công tác hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, tỉnh đã chỉ đạo Sở KH và CN tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các đề tài: “Hoàn thiện quy trình công nghệ chiết xuất Glucomannan quy mô công nghiệp từ cây nưa (Amorphophallus konjac) làm nguyên liệu sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng và xuất khẩu”; “Nghiên cứu nâng cấp chất lượng của hai sản phẩm Tioga Forte và Lopassi New có tác dụng bảo vệ gan và dưỡng tâm an thần từ một số dược liệu Việt Nam” của Cty CP Dược phẩm Trường Thọ; “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị ứng dụng công nghệ plasma để xử lý vi khuẩn cho một số nguyên liệu dược liệu” của Cty CP Công nghệ plasma Việt Nam phối hợp cùng Cty CP Dược phẩm Trường Thọ… Về cung ứng và sử dụng thuốc YHCT, tỉnh có 1 bệnh viện YHCT, các khoa YHCT của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và tuyến huyện. Các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng dược liệu thông qua hình thức đấu thầu, mua sắm dược liệu theo quy định của Luật Đấu thầu.
Tuy nhiên công tác phát triển dược liệu hiện đang gặp không ít khó khăn: Sự cạnh tranh của nguồn dược liệu nhập khẩu, đặc biệt là dược liệu giá rẻ, nhập lậu theo đường tiểu ngạch, nguồn dược liệu nhập khẩu qua biên giới chưa được kiểm soát chặt chẽ ảnh hưởng đến sự phát triển dược liệu sản xuất ở trong nước. Chưa có chính sách bao tiêu sản phẩm dược liệu theo chuỗi từ vùng nuôi trồng dược liệu, bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Việc sản xuất giống, quy trình kỹ thuật nuôi trồng, sơ chế, chế biến dược liệu chủ yếu dựa vào tự nhiên và kinh nghiệm, mang tính tự phát. Việc lạm dụng phân bón hóa chất nông nghiệp trong quá trình nuôi trồng còn diễn ra gây ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Tiêu chuẩn dược liệu còn chưa đầy đủ, thiếu các quy định về hàm lượng, hoạt chất. Việc mua sắm dược liệu theo hình thức đấu thầu được chia thành 2 nhóm dựa trên tiêu chí vị thuốc cổ truyền có được chế biến bởi cơ sở đủ điều kiện chế biến dược liệu hay không? Các dược liệu nuôi trồng trong nước đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) mới chỉ có ưu đãi nhỏ về điểm kỹ thuật khi đấu thầu vào trong các cơ sở khám, chữa bệnh nhưng lại không thể cạnh tranh về giá so với các dược liệu nhập khẩu, dược liệu nuôi trồng không đạt GACP-WHO dẫn đến chưa khuyến khích việc nuôi trồng theo “Thực hành tốt”. Để khắc phục khó khăn trong công tác phát triển dược liệu, thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển dược liệu của tỉnh gắn với các chính sách hỗ trợ sản xuất, tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt trong nông nghiệp, tiếp tục triển khai quy hoạch các vùng nuôi trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng dược liệu”. Tiếp tục triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ về dược liệu, trong đó tập trung nghiên cứu triển khai, đổi mới trang thiết bị trong chọn giống, chế biến, chiết xuất nhằm tạo ra các sản phẩm dược liệu có chất lượng. Đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng, giá hợp lý, ưu tiên mua thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước. Tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của phát triển dược liệu đối với sức khỏe cộng đồng. Nâng cấp hệ thống cơ sở, trang thiết bị, nâng cao trình độ chuyên môn của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, các khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Để hỗ trợ phát triển dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu, Trung ương và tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm dược liệu theo chuỗi từ vùng nuôi trồng dược liệu, bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân xây dựng các vùng nuôi trồng, khai thác dược liệu. Chọn một số doanh nghiệp có năng lực để đầu tư mạnh mẽ, hỗ trợ, bảo đảm để xây dựng mô hình phối hợp “bốn nhà”, tạo dựng vùng sản xuất dược liệu, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, cung cấp dược liệu tốt, ổn định cho công nghiệp dược, y học cổ truyền và xuất khẩu. Kiểm soát chặt chẽ xuất nhập khẩu dược liệu, đặc biệt là đường tiểu ngạch; kiểm tra, ngăn chặn các dược liệu nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây dược liệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống cây dược liệu, kỹ thuật nuôi trồng, bảo tồn và phát triển nguồn gien cây dược liệu, tiêu chuẩn hóa. Có chính sách đủ mạnh để khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào trồng và phát triển dược liệu./.
Bài và ảnh: Minh Thuận