Quy hoạch cấp nước Thành phố Nam Định bảo đảm yêu cầu phát triển đô thị

07:07, 14/07/2017

Theo quy hoạch, đến năm 2025, Thành phố Nam Định sẽ được mở rộng địa giới, bao gồm: toàn bộ ranh giới hành chính hiện có; huyện Mỹ Lộc; 3 xã của huyện Vụ Bản gồm Đại An, Thành Lợi và Tân Thành; 5 xã của huyện Nam Trực gồm Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá và Nghĩa An với tổng diện tích khoảng 18.445ha. Đến năm 2025 dân số toàn thành phố có khoảng 570 nghìn người, trong đó dân số nội thành khoảng 340 nghìn người. Việc mở rộng địa giới thành phố cùng với gia tăng dân số cơ học kéo theo áp lực lớn về nhu cầu cấp nước sinh hoạt của thành phố trong tương lai. Nhằm đảm bảo quản lý và phát triển hệ thống cấp nước bền vững gắn liền phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn, phù hợp với từng thời kỳ phát triển đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tiến hành lập và phê duyệt quy hoạch cấp nước Thành phố Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Vận hành cấp nước tại nhà máy nước Liên Bảo (Vụ Bản) góp phần đảm bảo thực hiện quy hoạch cấp nước bền vững cho Thành phố Nam Định trong tương lai.
Vận hành cấp nước tại nhà máy nước Liên Bảo (Vụ Bản) góp phần đảm bảo thực hiện quy hoạch cấp nước bền vững cho Thành phố Nam Định trong tương lai.

Căn cứ vào hiện trạng cấp nước, khả năng cấp nước của các nhà máy nước và các quy hoạch có liên quan đơn vị tư vấn là Trung tâm Công nghệ hạ tầng kỹ thuật và Môi trường đô thị (Đại học Kiến trúc Hà Nội) đã xác định rõ có 11 xã trong 3 quy hoạch nêu trên thuộc phạm vi quy hoạch nhu cầu cấp nước trong tương lai. Hiện trạng cấp nước Thành phố Nam Định bao gồm hệ thống cấp nước đô thị thành phố, 2 nhà máy nước và 8 trạm cấp nước nằm rải rác tại các huyện Vụ Bản, Nam Trực và ngoại thành thành phố. Trong đó, khu vực nội thành thành phố hiện có nhà máy nước thuộc Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định với công suất 75 nghìn m3/ngày đêm (ngđ) sử dụng nguồn nước từ sông Đào. Hệ thống cấp nước nông thôn bổ sung thêm vào địa giới thành phố đến năm 2025 gồm Nhà máy nước Nghĩa An quy mô 7.000 m3/ngđ cấp cho các xã Nghĩa An, Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang (Nam Trực); Nhà máy nước Điền Xá (2.000 m3/ngđ cấp nước cho xã Điền Xá); Nhà máy nước Mỹ Lộc (4.000 m3/ngđ cấp cho các xã Mỹ Thuận, Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến, Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc); Nhà máy nước Liên Bảo quy mô 3.200 m3/ngđ cấp cho xã Đại An (Vụ Bản); Nhà máy nước ở xã Nam Phong, Nam Vân (TP Nam Định); hệ thống cấp nước HTX Lê Lợi, HTX Cốc Thành, HTX Mỹ Trung cấp nước cho toàn bộ xã Thành Lợi (Vụ Bản). Tất cả các nhà máy nước hiện tại thuộc phạm vi mở rộng của thành phố đến năm 2025 đều dùng nguồn nước mặt từ sông Đào và sông Hồng, do đó chất lượng nguồn nước về cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, hầu hết mạng lưới cấp nước của các nhà máy nước sạch nông thôn chưa có hệ thống xử lý bùn cặn, vật liệu ống đa số sử dụng ống PVC D160-D200.

Phòng Hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng) đã phối hợp với sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo đơn vị tư vấn tiến hành rà soát hiện trạng, định hướng quy hoạch với mục tiêu xác lập một chương trình phát triển hệ thống cấp nước sạch cho khu vực quy hoạch một cách hợp lý, đồng bộ đến năm 2025. Sở Xây dựng đã chủ động phối hợp với Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, đánh giá toàn diện hiện trạng cấp nước Thành phố Nam Định, các huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực trên các tiêu chí về trữ lượng nguồn và chất lượng nguồn nước, khả năng khai thác; công trình cấp nước, nhu cầu sử dụng nước ở đô thị và vùng nông thôn… Trên cơ sở đó, tư vấn đề xuất phương án cấp nước, phương án xây dựng hệ thống ống cấp nước thô, trạm bơm nước tăng áp và các trạm xử lý nước sạch. Phân tích và lựa chọn nguồn cấp nước, phân vùng cấp nước; xác định vị trí, quy mô công suất các nhà máy nước cũng như các chỉ tiêu cấp nước cho các nhu cầu sử dụng trên thực tế, đề xuất các phương án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới với công nghệ phù hợp đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo cấp nước an toàn. Trong đó chú trọng xác định chương trình và dự án đầu tư ưu tiên, xác định nhu cầu sử dụng đất cho việc xây dựng các tuyến ống cấp nước thô, các tuyến ống truyền tải, các trạm bơm và trạm xử lý cấp nước. Qua đó, đề xuất các biện pháp xây dựng, tài chính, kinh tế; các giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương, đảm bảo tính khả thi của kế hoạch đầu tư tổng thể; xác định rõ các quy định bảo vệ nguồn nước, bảo vệ hệ thống cấp nước đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả cao. Thực hiện tốt mục tiêu phát triển của thành phố về cấp nước đến năm 2025, gồm: tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch đến năm 2020 đạt 100%; giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2020 đạt 18%; đến năm 2025 đạt dưới 15%. Sau khi họp bàn, thống nhất ý kiến với các sở, ngành và người dân, đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án quy hoạch tập trung theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, tận dụng hệ thống hạ tầng đường ống sẵn có. Theo đó đơn vị tư vấn đã đưa ra giải pháp chính là nâng công suất Nhà máy nước Thành phố Nam Định từ 75 nghìn m3/ngđ lên 105 nghìn m3/ngđ đến năm 2020 và xây dựng hệ thống xử lý bùn cặn của toàn bộ Nhà máy với công suất 105 nghìn m3/ngđ. Xây dựng thêm 1 nhà máy nước ở phía bắc sông Đào đặt tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) với công suất là 26 nghìn m3/ngđ phục vụ giai đoạn cấp nước đến năm 2025. Đồng thời, phát triển mạng lưới đường ống cấp nước phù hợp với phương án phát triển công suất của nhà máy nước và nhu cầu cấp nước. Tổng kinh phí thực hiện ước tính hơn 775 tỷ đồng từ nguồn vốn của Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định, vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác. Công nghệ xử lý nguồn nước mặt cũng được xác định là áp dụng công nghệ trộn - phản ứng - lắng - lọc nhanh - khử trùng. Danh mục hệ thống các đường ống và nhà máy nước cần được đầu tư, nâng cấp được xác định rõ với tổng chiều dài 55,65km tập trung vào thay thế tuyến ống D600 trên đường Lê Hồng Phong và tuyến ống D400 trên đường Hàng Tiện, cải tạo, nâng cấp các tuyến ống truyền tải từ D300-D800.

Có thể nói việc hoàn thành quy hoạch cấp nước Thành phố Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã tạo cơ sở định hướng về hệ thống cấp nước sạch đồng bộ cho thành phố, đáp ứng nhu cầu phát triển trở thành đô thị trung tâm vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới. Đồng thời, góp phần sử dụng bền vững nguồn nước sạch, đảm bảo cấp nước an toàn và vệ sinh đô thị, KCN, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vì sức khỏe cộng đồng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com