Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp cơ khí

04:07, 01/07/2017

Với “hạt nhân” là những làng nghề cơ khí truyền thống nổi tiếng như: Tống Xá (Ý Yên), Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường), Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực), Quang Trung (Vụ Bản)…, ngành công nghiệp cơ khí, điện tử và gia công kim loại là một trong 6 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. 3 lĩnh vực chủ yếu: cơ khí chế tạo, cơ khí đúc và sản xuất các loại linh kiện, chi tiết thiết bị, ngành cơ khí tỉnh ta đã phát triển những trung tâm chuyên biệt ở nhiều địa phương như: Thành phố Nam Định, các huyện Vụ Bản, Nam Trực sản xuất các loại linh kiện, chi tiết đúc và gia công kim loại màu ở Ý Yên; các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Nam Trực phát triển cơ khí chế tạo máy, động cơ điện, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy… Sản phẩm ngành cơ khí chế tạo tỉnh ta khá đa dạng như: các loại động cơ điện, máy phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng, phục vụ các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông, đóng tàu…

Đóng mới các loại phương tiện vận tải thủy tại Cty TNHH Trung Bộ, CCN Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy).
Đóng mới các loại phương tiện vận tải thủy tại Cty TNHH Trung Bộ, CCN Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy).

Để ngành công nghiệp cơ khí phát triển tương xứng vị thế ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: quy hoạch mặt bằng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ (về nguồn vốn ưu đãi, công nghệ, mặt bằng, đào tạo nghề, kinh phí quảng bá, xây dựng thương hiệu) để thúc đẩy phát triển sản xuất. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề cơ khí đã năng động, tích cực nghiên cứu ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật để phát triển thêm cơ cấu, chủng loại sản phẩm mới với mức đầu tư hàng tỷ đồng trang bị máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Trong khoảng chục năm trở lại đây đã đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề cơ khí truyền thống trên địa bàn tỉnh; góp phần hình thành các “trung tâm” sản xuất cơ khí như: huyện Xuân Trường chuyên các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, khai thác và chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng…; huyện Nam Trực từ nền tảng thế mạnh chuyên sản xuất các chi tiết, phụ tùng đã phát triển thêm các sản phẩm cơ khí phục vụ thi công xây dựng, giao thông, sản xuất thép nguyên liệu, thiết bị nội thất xây dựng; các làng nghề đúc của huyện Ý Yên phát triển mạnh dòng sản phẩm đúc mỹ nghệ (tượng, tranh, đồ thờ…). Từ dòng sản phẩm chủ lực đầu tiên là máy tuốt lúa, đến nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề cơ khí truyền thống của huyện Xuân Trường đã sản xuất được gần 100 chủng loại máy móc chuyên biệt như: máy bóc lạc, máy tẽ ngô cả áo, máy tuốt lúa; máy gia công các sản phẩm đồ gỗ, động cơ điện, máy phát điện, máy ép gạch không nung… Nhiều cơ sở, hộ sản xuất nhỏ lẻ đã mạnh dạn đầu tư phát triển mở rộng quy mô sản xuất trong các CCN tập trung.

Trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập thị trường quốc tế sâu rộng như hiện nay, ngành cơ khí tỉnh ta đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, đó là thị trường ngày càng được rộng mở do quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, nhu cầu các sản phẩm cơ khí tăng, cùng với đó là các cơ hội tạo ra do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và các FTA mới được ký kết; có điều kiện tiếp cận các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại để “đi tắt đón đầu” trong phát triển một số lĩnh vực... Bên cạnh đó, việc nước ta được đánh giá có thể trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới cũng là cơ hội để ngành công nghiệp cơ khí tỉnh ta phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, năm 2016 tổng sản lượng các sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp cơ khí đã có sự tăng trưởng chậm, chỉ đạt từ 2,8-5,5%/năm. Cá biệt, có 2 dòng sản phẩm chủ lực là: máy nông nghiệp đạt gần 11,5 nghìn sản phẩm, giảm gần 1,2 nghìn sản phẩm so với năm trước và chỉ đạt 91,4% kế hoạch đặt ra; máy xây dựng đạt 8.425 sản phẩm, giảm 575 sản phẩm so với năm trước và chỉ đạt 93,5% so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Mặc dù có 3/5 sản phẩm chính đạt và vượt kế hoạch đặt ra là đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, phụ tùng xe có động cơ, phụ tùng xe đạp và một số sản phẩm khác vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm trước nhưng không thể phủ nhận ngành công nghiệp cơ khí tỉnh ta đang tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn. Phần lớn thiết bị, công nghệ đang sử dụng trong các doanh nghiệp, làng nghề cơ khí đều lạc hậu so với khu vực và thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành phần lớn máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề cơ khí truyền thống trên địa bàn tỉnh ta là các thiết bị lẻ, thiếu đồng bộ và không được thường xuyên chuyển giao công nghệ mới, hiện đại. Bên cạnh đó, mức đầu tư cho ngành công nghiệp cơ khí vốn đã ít lại phân tán. Ít có doanh nghiệp tập trung, quan tâm đầu tư chiều sâu nên mẫu mã, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, dẫn đến sức cạnh tranh kém so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ngoài ra, ngành công nghiệp cơ khí tỉnh ta còn tồn tại một số hạn chế như: thiếu sự phối hợp, phân công lao động giữa các doanh nghiệp trong ngành, chưa chủ động tham gia hợp tác, hội nhập quốc tế; tính chuyên môn hóa trong sản xuất thấp dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp. Ngành công nghiệp cơ khí tỉnh ta chưa phát triển được nhiều doanh nghiệp quy mô lớn; công nghiệp phụ trợ của ngành cơ khí chưa nhiều và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh... 

Để ngành công nghiệp cơ khí tỉnh ta phát huy được tiềm năng để phát triển mạnh, góp phần thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18-6-2014 về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, các địa phương để rà soát, tìm tòi các giải pháp và tham mưu cho UBND tỉnh hoạch định chiến lược phát triển căn cơ, hợp lý. Từ đó ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để phát triển ngành công nghiệp cơ khí bền vững. Bên cạnh đó, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của các ngành chức năng, các doanh nghiệp, ngành cơ khí cũng cần chủ động “tái cơ cấu” mọi mặt (nhân lực, thiết bị máy móc, năng lực quản trị doanh nghiệp...) để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com