Thực hiện nhiệm vụ tham gia quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, cát sỏi lòng sông theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh, hằng năm Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) đã tập trung lực lượng, phương tiện, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa đấu tranh với các đối tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, hoạt động khai thác cát, nhất là tại 12 điểm mỏ cát trong quy hoạch theo Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 10-1-2012 của UBND tỉnh được bảo đảm theo quy định.
Đến nay trên toàn tỉnh mới chỉ cấp giấy phép khai thác cát cho duy nhất Cty CP Xuân Thủy tại điểm mỏ Giao Thiện (Giao Thủy) để phục vụ nuôi trồng thủy sản, còn lại không cấp phép khai thác cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Trong năm 2016 và quý I-2017, Phòng Cảnh sát đường thủy đã trực tiếp kiểm tra, phát hiện, bắt giữ và tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh, UBND tỉnh cùng các cấp chính quyền ra quyết định xử lý 47 lượt phương tiện khai thác cát trái phép, phạt tiền trên 500 triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép gia tăng do là địa bàn giáp ranh nhưng theo phân cấp của Bộ Công an, thẩm quyền tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến sông Đáy thuộc các lực lượng của tỉnh Ninh Bình nên dù phát hiện các phương tiện khai thác tại mỏ cát ở các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) nhưng lực lượng Cảnh sát đường thủy của tỉnh cũng không thể kiểm tra, xử lý. Trên sông Hồng tỉnh Thái Bình đã cấp giấp phép cho 3 đơn vị khai thác tại 10 điểm mỏ (trong đó có 8 điểm giáp ranh với điểm mỏ của tỉnh ta đã quy hoạch khai thác); ranh giới phân chia địa phận hành chính giữa các tỉnh trên mặt sông không rõ ràng nên các đối tượng vi phạm thường lợi dụng các thời điểm mưa bão, buổi trưa, đêm tối, vắng lực lượng chức năng để lấn sang địa bàn tỉnh khai thác cát trái phép.
Khai thác cát trên sông Đào (TP Nam Định). |
Để đánh giá đúng thực trạng khai thác, kinh doanh cát trên địa bàn đường thủy nội địa, gắn kiểm tra với công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện, Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác cát trái phép trong thời gian 2 tháng, từ ngày 1-4 đến 1-6-2017. Để đạt hiệu quả cao, Công an tỉnh đã phối hợp, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, do Phòng Cảnh sát đường thủy chủ trì, phối hợp với PC49, Công an các huyện, thành phố, đại diện các Đồn biên phòng, Thanh tra giao thông, Cảng vụ đường thủy nội địa Nam Định, Cảng vụ Hàng hải, Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn (Sở TN và MT), chính quyền các xã ven sông tập trung kiểm tra tại các tuyến sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, trong đó chú trọng các địa bàn trọng điểm, nơi có các điểm mỏ cát trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Qua 25 ngày triển khai (từ 1-4 đến 25-4-2017), đoàn kiểm tra liên ngành đã tuyên truyền các quy định của pháp luật và mức độ xử lý đối với các hành vi khai thác tài nguyên trái phép nhằm răn đe, cảnh báo đến 300 lượt phương tiện thường xuyên khai thác cát trên các tuyến sông. Qua kiểm tra bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng tại 6/10 huyện, thành phố, đoàn liên ngành đã tuyên truyền đến 85 chủ bến, bãi; ra quyết định xử phạt hành chính 40 bến với tổng số tiền trên 180 triệu đồng. Nhằm hạn chế tình trạng các đối tượng vi phạm lấn sang địa bàn tỉnh khai thác cát trái phép, lực lượng Cảnh sát đường thủy tỉnh ta và tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành xác định, ranh giới điểm mỏ để cắm phao giới hạn bình đồ được cấp phép, yêu cầu phương tiện chỉ được khai thác đúng vị trí cho phép. Để đấu tranh với các đối tượng chủ yếu vi phạm vào ban đêm, Phòng Cảnh sát đường thủy đã triển khai thường trực 100% quân số từ ngày 1-4, tổ chức trinh sát mật phục nhiều đêm liền, bắt giữ được 15 phương tiện khai thác tài nguyên trái phép; trong đó có 10 phương tiện từ 40m3 đến 400m3, xử phạt hành chính trên 350 triệu đồng.
Nhờ làm tốt công tác nắm bắt tình hình và xử lý kiên quyết, triệt để nên hoạt động khai thác cát trên địa bàn đã dần ổn định, tình trạng khai thác cát trái phép đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, đến nay tài nguyên của các mỏ cát trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã cạn kiệt, bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng một số dự án trọng điểm, nhu cầu sử dụng cát để san lấp, xây dựng nền móng công trình tăng cao do không có vật liệu thay thế, lợi dụng tình trạng khan hiếm vật liệu này, các chủ mỏ cát đã nâng giá cát đen từ 10 nghìn đồng lên 30 nghìn đồng/m3 nên dự báo tình hình khai thác cát trái phép tiềm ẩn bùng phát nhiều phức tạp.
Để quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên cát phục vụ nhu cầu xây dựng của địa phương; ngăn ngừa tình trạng các đối tượng được cấp phép tại địa bàn giáp ranh lén lút lấn địa giới hành chính khai thác trộm, hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở TN và MT khẩn trương hoàn tất các thủ tục đề xuất Tổng cục Địa chất và khoáng sản (Bộ TN và MT) sớm đồng ý chủ trương cấp quyền, đưa vào khai thác 12 điểm mỏ cát tại các tuyến sông đã nằm trong quy hoạch của tỉnh. Thời gian tới, Sở TN và MT chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái phép cát sỏi lòng sông; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác cát, sỏi lòng sông lập hồ sơ xin cấp phép khai thác thuận lợi, nhanh chóng, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật. Thường xuyên trao đổi thông tin các vị trí cấp phép hoặc nạo vét khơi thông dòng chảy trên các tuyến sông để các đơn vị chức năng phối hợp kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định của pháp luật. Sở GTVT chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường quản lý các phương tiện thủy hoạt động trên địa bàn, nhất là các phương tiện sử dụng vào việc khai thác cát dưới lòng sông; phối hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa rà soát, lập danh sách toàn bộ bến thủy, bãi chứa, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trên các tuyến sông; đình chỉ hoạt động đối với các bến, bãi không phù hợp quy hoạch và hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục đối với các bến, bãi phù hợp với quy hoạch đường thủy đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các cấp chính quyền địa phương cũng cần chủ động nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, xử lý vi phạm khai thác cát; nhất là các địa bàn giáp ranh với các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình phải tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp khai thác trái phép. Lực lượng Công an tại các huyện chỉ đạo các đội nghiệp vụ thường xuyên phối hợp với lực lượng Cảnh sát đường thủy trong công tác nắm, trao đổi tình hình, chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp có thể nảy sinh tương tự một số vụ việc nhân dân tự phát đấu tranh ngăn cản các doanh nghiệp khai thác cát gần bờ ở tỉnh Thái Bình gây mất an ninh trật tự. Riêng các huyện Xuân Trường, Trực Ninh cần chủ động có kế hoạch giải quyết tình trạng các phương tiện nhỏ từ 5-7m3 khai thác trái phép trên sông Ninh Cơ, gây bức xúc trong dư luận nhân dân, ảnh hưởng đến hệ thống bờ bãi, kè sông, đặc biệt nguy cơ dẫn đến tai nạn cao do các phương tiện khai thác đều nhỏ do người dân tự đóng, không có trang thiết bị an toàn./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý