Cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

06:05, 04/05/2017

Ngày 18-1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QÐ-TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Mục tiêu là phát triển, mở rộng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Ðến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ  đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa.

Trước đó, ngày 3-11-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NÐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách và danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Theo đó, về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ gồm: ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu (đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định); thuế giá trị gia tăng…; được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí cho dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ… Nghị định đã quy định rõ danh mục 60 loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuộc 6 nhóm ngành công nghiệp; trong đó tỉnh ta có 2 ngành công nghiệp nằm trong danh mục có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển là ngành dệt may, cơ khí chế tạo và một số khâu trong ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô (linh kiện nhựa, cao su, ghế, dây dẫn…). Các loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển của ngành dệt may gồm 7 chủng loại là: xơ thiên nhiên; xơ tổng hợp; sợi; vải; chỉ may; hóa chất và thuốc nhuộm; phụ liệu ngành may (cúc, mếch, khóa…). Trong đó, các sản phẩm sợi, vải, chỉ và một phần xơ thiên nhiên (tơ tằm) đã có một số doanh nghiệp của tỉnh ta đầu tư sản xuất thành công như các đơn vị: Tổng Cty CP Dệt may Nam Ðịnh; Cty CP Dệt lụa Nam Ðịnh; Cty CP Dệt may Sơn Nam; Cty CP Thúy Ðạt... Cty CP Thủy Bình đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm sợi len từ nguyên liệu xơ; Cty CP Thúy Ðạt đầu tư nhà máy kéo sợi có công suất 3.600 tấn sợi các loại/năm; dệt khăn công suất tối đa gần 1.000 tấn khăn các loại/năm… Từ năm 2016, Nhà máy Sợi Vinatex Nam Ðịnh (KCN Hòa Xá) được Vinatex đầu tư xây dựng với quy mô 3 vạn cọc sợi, sản lượng 4.770 tấn/năm (Ne30), có tổng mức đầu tư 465 tỷ đồng, được trang bị dây chuyền tiên tiến và hiện đại đã chính thức đi vào hoạt động. Nhờ đó, trong năm 2016, các doanh nghiệp dệt may tỉnh ta đã sản xuất được 61.129 tấn sợi các loại, tăng 6,8%; gần 82,8 triệu m2 vải các loại, tăng 9,4%; gia công được gần 181,9 triệu sản phẩm trang phục, tăng 12% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp dệt may của tỉnh ta đã đạt 891 triệu USD, tăng trưởng 20,5%, chiếm trên 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Sản xuất sợi nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp dệt may tại Nhà máy Sợi, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định.
Sản xuất sợi nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp dệt may tại Nhà máy Sợi, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định.

Một trong những ngành công nghiệp chủ lực khác của tỉnh ta cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là ngành cơ khí chế tạo với 8 chủng loại sản phẩm trong danh mục được ưu tiên. Phần lớn các sản phẩm trong danh mục nêu trên đã được sản xuất thành công ở các địa phương như: Thành phố Nam Ðịnh có thế mạnh về các sản phẩm cơ khí gia công từ kim loại (dây lưới thép, thiết bị phục vụ các ngành: điện, GTVT, xây dựng và sản phẩm cơ khí dân sinh). Huyện Vụ Bản có thế mạnh rèn các loại nông cụ và sản phẩm phục vụ ngành lâm nghiệp. Chi tiết máy, phụ tùng xe đạp, xe máy, luyện cán thép, sản xuất đồ dùng sinh hoạt… là các sản phẩm cơ khí chủ lực của huyện Nam Trực. Huyện Xuân Trường phát triển mạnh cơ khí chế tạo máy; động cơ điện. Ðúc và gia công kim loại màu là nghề truyền thống ở huyện Ý Yên; nghề đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy phát triển ở nhiều địa phương như: Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng… Quyết định 68/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp mở ra cơ hội lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và trên 6.500 doanh nghiệp tỉnh ta phát triển khi tham gia được vào chuỗi sản xuất các sản phẩm hỗ trợ. Theo Quyết định 68, từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc ba lĩnh vực chủ yếu: linh kiện phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày; công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. Giai đoạn 2016-2020 sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ: kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ. Tổng kinh phí cho các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn này dự kiến là 1.147,6 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2021-2025 tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở rà soát đánh giá kết quả thực hiện với kinh phí dự kiến là 870,7 tỷ đồng.

Với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2.000 tỷ đồng, chương trình là cơ hội để ngành Công nghiệp tỉnh ta tranh thủ khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương phát triển công nghiệp hỗ trợ, vừa đảm bảo việc làm cho các làng nghề truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc phát triển CN-TTCN của tỉnh. Ðể tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, ngoài những cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đã triển khai, trong năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công thương thực hiện và hoàn thành đề án Ðiều chỉnh quy hoạch phát triển các CCN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; khởi công xây dựng KCN Dệt may Rạng Ðông... Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, ngành Công thương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển: hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; định hướng cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào một số ngành kinh tế mũi nhọn; tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; thực hiện miễn, giảm, gia hạn nộp thuế và hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng… Ưu tiên khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực: cơ khí chế tạo chi tiết; sản xuất chi tiết, linh kiện điện tử; linh kiện đồ nhựa; sản phẩm hóa chất, nguyên phụ liệu ngành may… Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin về công nghiệp hỗ trợ tại Cổng Thông tin điện tử ngành công nghiệp hỗ trợ tại địa chỉ http://support.gov.vn để tìm hiểu, nắm bắt cơ hội để định hướng đầu tư phát triển sản xuất của doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com