Trong khoảng 30 năm thực hiện chính sách “Khoán 10” và công cuộc đổi mới đã góp phần tạo ra một bước nhảy vọt cho nông nghiệp Nam Định cũng như cả nước khi lấy kinh tế hộ làm trung tâm. Đất đai được giao trực tiếp cho các hộ dân. Trải qua hàng chục năm, con cái trong các hộ dân trưởng thành, lập gia đình riêng phát sinh nhu cầu tách hộ, ruộng đất của một hộ tiếp tục được chia nhỏ cho các hộ tách ra sản xuất riêng khiến ruộng đất ngày càng trở nên manh mún, phân tán, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa bởi khó áp dụng cơ giới hóa, khó áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, khó hình thành vùng sản xuất chuyên canh và còn nhiều cái “khó” khác nữa. Tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp là một xu hướng và yêu cầu tất yếu mà nền sản xuất nông nghiệp Nam Định phải tiến tới.
Xuân Trường là huyện thực hiện tích cực nhất việc thuê gom, thúc đẩy tích tụ ruộng đất. Đồng chí Ngô Đức Hoàn, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương trong huyện thường xuyên đi làm ăn xa, ruộng đất cho mượn hoặc vẫn tiến hành sản xuất song đầu tư thâm canh thấp, sản xuất không có hiệu quả. Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Xuân Trường đã tiến hành rà soát, bổ sung các quy hoạch: sử dụng đất, vùng sản xuất, xây dựng NTM để phát huy thế mạnh từng địa phương, tạo vùng sản xuất đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Tập trung rà soát các diện tích đất 2 lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn. Đồng thời, huyện chỉ đạo các địa phương vận động, khuyến khích nông dân tự thuê gom, tích tụ ruộng đất tạo ra vùng sản xuất lớn và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có trên 20 mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Điển hình là: Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc thuê gom ruộng đất ở xã Xuân Vinh tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có quy mô trên 40ha để xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao và trồng cây dược liệu; Cty TNHH Cường Tân thuê gom 70ha tại xã Xuân Ninh và Xuân Thành sản xuất lúa lai F1; Cty TNHH Hoàng Diệu thuê gom, tích tụ 20ha ở xã Xuân Thành phát triển trang trại tổng hợp…
Mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường) của Cty TNHH Cường Tân. |
Trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo thực hiện việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT) gắn với xây dựng NTM tại các địa phương. Đây được xem là bước đi đặt nền tảng cho việc tập trung ruộng đất trước tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán. Sau DĐĐT, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình thuê, mượn ruộng, tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn cho hiệu quả kinh tế khá cao. Là doanh nghiệp tiên phong thuê gom, tích tụ ruộng đất, Cty TNHH Cường Tân đã thuê 300ha đất 2 lúa, quy hoạch thành các vùng cánh đồng lớn tập trung, cải tạo kênh mương, thủy lợi và giao thông nội đồng theo tiêu chí NTM, tổ chức liên kết sản xuất lúa giống. Mỗi ha sản xuất lúa giống của Cty cho lợi nhuận bình quân từ 70-80 triệu đồng/năm, cao gấp 7-8 lần so với sản xuất lúa “thịt” đại trà. Hiện Cty tiếp tục thuê gom đất tại xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) xây dựng trung tâm sản xuất giống. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 800ha ruộng đất được tích tụ, trong đó 595ha do các doanh nghiệp thuê gom ruộng đất của nông dân hoặc thuê lại diện tích đất công để đầu tư các dự án nông nghiệp, thủy sản tập trung. Phần còn lại do một số hộ nông dân, chủ trang trại trong tỉnh tự thuê gom, tích tụ, với quy mô từ 10-40ha... Có ruộng đất diện tích lớn, liền vùng, liền thửa thuận lợi, các hộ, các doanh nghiệp đã đầu tư khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị vào sản xuất, làm giảm chi phí nên hiệu quả sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích đã tăng lên. Tích tụ ruộng đất cũng tạo nền tảng cho việc sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, là tiền đề quan trọng thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh. Ông Đoàn Xuân Khải, nông dân xã Xuân Thành thuê gom, tích tụ được hơn 20ha ruộng để cấy mỗi năm 2 vụ lúa. Ông cho biết: Chính việc canh tác trên những thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến chi phí tăng, hiệu quả sản xuất không cao. Nếu khắc phục được nhược điểm này và đầu tư đúng mức chắc chắn nông dân có thể làm giàu từ ruộng đất quê hương mình. Sau khi gom được ruộng, ông Khải tiến hành cải tạo lại đồng ruộng, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, đường giao thông nội đồng, từ đó đưa cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác. Tất cả các công đoạn từ làm đất, gieo mạ, phun thuốc trừ sâu, đến thu hoạch, vận chuyển đều được thực hiện bằng máy. Nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, diện tích lúa của gia đình ông Khải cho năng suất, chất lượng cao, mỗi năm cho thu nhập trên 600 triệu đồng, ngoài ra ông còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương. Thực tiễn sản xuất những năm gần đây khẳng định rằng hình thức tích tụ ruộng đất ban đầu đã đem lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất nông hộ trên ruộng đất phân tán trước đây. Việc tích tụ thông qua thuê, mượn, góp ruộng đã và đang từng bước làm thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, phương thức gieo cấy truyền thống của người dân.
Hiệu quả sản xuất là vậy nhưng hiện tại, việc tích tụ ruộng đất vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, mô hình tích tụ ruộng đất chưa có nhiều, diện tích ruộng đất tích tụ được chưa lớn. Nguyên nhân do một bộ phận người nông dân chưa nhận thức rõ, vẫn tồn tại tư tưởng bảo thủ, quyết tâm giữ ruộng mặc dù không tổ chức canh tác, không thực hiện cải tạo, bảo quản... khiến đất đai bị hoang hóa, kém chất lượng, gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên vô giá này. Thêm vào đó, thực tế số lượng doanh nghiệp thuê đất để phát triển sản xuất còn hạn chế. Một phần do chưa nhận thức triệt để về nguồn lợi mà nông nghiệp đem lại, một phần do nguồn vốn đầu tư khá lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không đủ điều kiện để tổ chức sản xuất khép kín dẫn đến chi phí sản xuất cao, thiếu chủ động. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp nói chung ẩn chứa nhiều rủi ro như ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, sâu bệnh, dịch hại và những biến động giá cả của thị trường. Mối liên kết "4 nhà" chưa bền vững, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất cũng như vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Thời hạn cho thuê đất cũng là một trở ngại cho việc thúc đẩy tích tụ ruộng đất. Đối với đất công, thời hạn cho thuê “theo nhiệm kỳ”. Đối với đất của nông dân, nếu chỉ cho thuê ngắn hạn thì doanh nghiệp không dám thuê để đầu tư vì không đủ thời gian thu hồi vốn; nếu dài hạn thì người dân e ngại không dám cho thuê vì sợ mất đất. Ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm, chưa chỉ đạo quyết liệt nên mô hình tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất với hiệu quả cao hơn chưa xuất hiện để tạo động lực cho nông dân chuyển biến nhận thức... Để thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, các cấp, các ngành và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn nói chung, chính sách tích tụ ruộng đất nói riêng. Điều quan trọng là để người nông dân thấy được sự cần thiết và lợi ích của tích tụ ruộng đất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đi liền với đó là động viên và hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả qua tích tụ ruộng đất, khắc phục tâm lý băn khoăn, e ngại việc mất ruộng, mất đất, “trắng tay”. Gắn quá trình tích tụ ruộng đất với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phân công lại lao động ở địa phương. Nhờ đó mới bảo đảm giải quyết tốt việc làm cho số lao động nông nghiệp dôi dư chuyển sang ngành, nghề khác, khắc phục nỗi lo thất nghiệp khi không còn ruộng. Xây dựng các chính sách phù hợp với thị trường chuyển nhượng, cho thuê ruộng đất. Tạo hành lang pháp lý về đất đai cho các đối tượng mua, bán thuê mướn thuận lợi, thủ tục đơn giản, chi phí thấp. Hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình tích tụ ruộng đất như: hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thúc đẩy phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp.
Hiện nay, nông nghiệp tỉnh ta đang tích cực chuyển sang nền nông nghiệp chuyên môn hóa, sản xuất hàng hóa, bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tích tụ ruộng đất là yêu cầu tất yếu để tổ chức sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa. Làm sao cho lợi ích của nông dân và doanh nghiệp hài hòa, đều tăng tiến, đó là hạt giống cần gieo trên cánh đồng khát vọng. Để thực hiện thành công vấn đề này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải đồng bộ vào cuộc chỉ đạo quyết liệt và kịp thời./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh