Nhận thức rõ vai trò quan trọng, bức thiết của ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (TBKHKT) trong sản xuất nông nghiệp, ngay từ năm 2011, Huyện ủy Trực Ninh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về “Đẩy mạnh ứng dụng TBKHKT chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp”. Kết quả triển khai thực hiện nghị quyết đã tạo bước đột phá đưa huyện Trực Ninh đạt tốc độ tăng trưởng nông nghiệp những năm qua bình quân 3,2%/năm và đang dần hoàn thiện mục tiêu trở thành đơn vị đi đầu trong sản xuất giống cây trồng, con nuôi của tỉnh.
Chăm bón cây trồng theo công nghệ cao tại Cty CP Phát triển nông nghiệp Hòa Phát, xã Trực Chính. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Huyện Trực Ninh có địa hình bằng phẳng, lại được sông Hồng và sông Ninh Cơ hằng năm đem phù sa về bồi đắp nên đất đai rất màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Mặc dù có nhiều đổi thay tích cực trong sản xuất nông nghiệp của huyện song trước đó việc ứng dụng TBKHKT trong cả chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản chưa phổ biến nên vừa lãng phí đất đai, sức lao động mà hiệu quả kinh tế không cao. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, chuyển dịch lao động giữa sản xuất nông nghiệp và CN-TTCN, thương mại dịch vụ ngày càng mạnh mẽ, yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng nông sản ngày càng trở nên cấp bách…, để giải quyết những tồn tại đó và tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác, huyện Trực Ninh đã xây dựng và triển khai Đề án “Ứng dụng TBKHKT trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực hỗ trợ nhân dân áp dụng nhanh TBKHKT vào sản xuất. Huyện ủy đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án; UBND huyện bố trí nguồn kinh phí phù hợp hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chuyển đổi, công tác dồn điền đổi thửa, phát triển chăn nuôi trang trại, xây dựng các mô hình sản xuất, chuyển giao các TBKHKT. Huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai lập các dự án đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh; phối hợp với các cơ quan khoa học tiếp cận nhanh các TBKHKT ứng dụng vào sản xuất; tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao TBKHKT, xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập BCĐ Đề án “Ứng dụng TBKHKT trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi” cấp xã; xây dựng kế hoạch chuyên đề thực hiện Đề án phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Nội dung ứng dụng TBKHKT tập trung vào 6 nhiệm vụ chính gồm: Ứng dụng TBKHKT trên cây lúa; trong sản xuất vụ đông; thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất; chăn nuôi và xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng TBKHKT. Chủ trương đưa KHKT vào sản xuất được thông suốt từ huyện ủy, các ngành chức năng đến các xã, thị trấn nhưng khi triển khai vào thực tế tại cơ sở thì lại gặp không ít khó khăn như: tập quán sản xuất lạc hậu tồn tại quá lâu khiến nông dân ngại thay đổi thói quen, ứng dụng TBKHKT vào sản xuất; kiến thức, trình độ của người nông dân còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc sản xuất theo quy trình kỹ thuật mới; một vài mô hình ứng dụng TBKHKT trên địa bàn quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đủ sức thuyết phục người dân chuyển đổi nhận thức… Về phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng gặp phải khó khăn như kinh phí cho chuyển giao TBKHKT thiếu, lúng túng trong việc lựa chọn mô hình nào cho phù hợp và tạo sức thuyết phục đối với nông dân, có thể nhanh chóng nhân rộng ra sản xuất đại trà… Trước thực trạng đó một lần nữa tinh thần quyết tâm đương đầu với khó khăn được khơi dậy ở mỗi đảng viên, mỗi chi bộ cơ sở. Theo đó, tại các Đảng bộ xã, thị trấn đều lựa chọn một trong những nhiệm vụ ứng dụng TBKHKT thích hợp với địa phương để thực hiện, đồng thời nêu cao tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng TBKHKT vào sản xuất. Ngay sau khi triển khai đề án, các xã, thị trấn đã chọn công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tạo cơ sở đưa KHKT vào sản xuất được thuận lợi; đồng thời giúp người dân nhận thấy rõ những lợi ích của đề án để thay đổi nhận thức, đầu tư thời gian, công sức áp dụng những TBKHKT mới vào sản xuất. Trong các năm đầu từ 2011-2013, 100% các xã, thị trấn triển khai quy hoạch lại sản xuất, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Nhiều xã, thị trấn đã hành động tích cực, tạo tiền đề cho ứng dụng TBKHKT vào sản xuất. Xã Trực Nội quy hoạch 2 vùng cánh đồng mẫu lớn sản xuất 3 vụ, diện tích 100ha, kết hợp với Cty KTCTTL Nam Ninh đầu tư 610 triệu đồng nạo vét kênh mương, đắp bờ vùng, bờ thửa đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật. Xã Trực Khang triển khai dự án chuyển đổi 35ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thuỷ sản. Với tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng, UBND xã đã tiến hành xây dựng các hạng mục công trình đường giao thông, cống tưới tiêu và nạo vét kênh mương đáp ứng các yêu cầu sản xuất. Xã Trực Chính triển khai dự án chuyển đổi 32ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thuỷ sản. Các hộ trong vùng dự án đã chuyển đổi phát triển chăn nuôi, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa… Công tác tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, xây dựng các mô hình ứng dụng TBKHKT vào sản xuất được đẩy mạnh cùng quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng. Trung bình mỗi năm huyện tổ chức khoảng 50 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho trên 5.000 người về các kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật mới đã được xây dựng thành công và nhân nhanh ra diện rộng. Tiêu biểu như mô hình áp dụng kỹ thuật gieo sạ hàng, sản xuất giống lúa, cánh đồng mẫu lớn, trồng trọt, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo công nghệ tự động… Đến nay, sau 5 năm triển khai Đề án “Ứng dụng TBKHKT trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, sản xuất nông nghiệp ở huyện Trực Ninh đã chuyển dịch tích cực và đồng đều ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản. Trong trồng trọt, ngoài việc thay đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng tiến bộ, huyện đã mở rộng sản xuất lúa lai F1 với diện tích từ 300-360ha; tổ chức sản xuất thành công nhiều tổ hợp lai 2 dòng, 3 dòng, lúa thuần chất lượng cao. Tiêu biểu như Cty TNHH Cường Tân có quy mô sản xuất lúa lai lớn nhất trong nước, đồng thời kết hợp với tích tụ ruộng đất sản xuất lúa giống và cây vụ đông xuất khẩu tập trung với quy mô lớn. Hiện tại, Cty đang thực hiện Đề án Nâng cao năng lực nghiên cứu sản xuất và ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống lúa. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn nhiều mô hình trang trại, cơ sở ứng dụng TBKHKT trong sản xuất rau, quả an toàn. Trong chăn nuôi, huyện chọn phát triển ứng dụng TBKT vào nuôi lợn nái ngoại. Hầu hết, các xã trong huyện đã quy hoạch được vùng chăn nuôi trang trại tập trung. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã xây dựng trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn của Cty TNHH một thành viên Chăn nuôi Phúc Hải trên địa bàn 2 xã Phương Định, Liêm Hải với quy mô 1.200 con nái sinh sản, 35 con lợn đực giống; sản lượng lợn giống hằng năm 26.500 con. Đây là điều kiện thuận lợi giúp người chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện cải tạo chất lượng đàn lợn thương phẩm với phẩm cấp cao, đạt tiêu chuẩn chế biến thực phẩm công nghiệp và xuất khẩu.
Với quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng TBKHKT đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở huyện Trực Ninh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị cao, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh lớn, cung cấp cho thị trường nhiều loại nông sản, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Trong những năm tới, huyện Trực Ninh tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong tỉnh, các viện nghiên cứu, trường đại học để tiếp thu chuyển giao các TBKT, công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa. Tập trung đầu tư sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực như: lúa giống, lúa gạo chất lượng cao, lúa gạo đặc sản, rau quả xuất khẩu, lợn thịt, lợn sữa, gia cầm, sản phẩm thủy sản nước ngọt... Phấn đấu đến năm 2020, chỉ số phát triển giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt bình quân 5,45% năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 48 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 3%./.
Nguyễn Hương