Từ năm 2016 đến nay, dịch cúm gia cầm (CGC) trên thế giới, khu vực và tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Gần 2 tháng đầu năm 2017, dịch CGC đã được báo cáo ở nhiều quốc gia, đặc biệt với các chủng vi-rút độc lực cao như cúm A/H5N1 xảy ra ở 7 quốc gia, cúm A/H5N6 xảy ra ở 3 quốc gia, cúm A/H5N8 ở 33 quốc gia, cúm A/H5N5 ở 5 quốc gia và cúm A/H5N2 ở 2 quốc gia. Riêng tại Trung Quốc đã phát hiện một số chủng vi-rút CGC độc lực cao như cúm A/H5N2, A/H5N8, A/H5N6, A/H7N9…
Trong năm 2016 và từ đầu năm đến nay, tỉnh ta là một trong các địa phương trên cả nước đã xuất hiện các ổ dịch CGC A/H5N1. Riêng 2 tháng đầu năm 2017 dịch cúm A/H5N1 đã xảy ra ở 8 hộ chăn nuôi tại 3 xã thuộc hai huyện Vụ Bản và Trực Ninh với tổng số gia cầm bị tiêu hủy là 9.170 con, chủ yếu là vịt; trong đó tại xã Minh Tân (Vụ Bản) và xã Trực Nội (Trực Ninh) đã qua 21 ngày không phát sinh thêm các trường hợp gia cầm ốm chết do CGC.
Có nhiều nguyên nhân phát sinh dịch CGC như điều kiện thời tiết thuận lợi (chuyển mùa, thời tiết thay đổi khiến gia cầm kém sức đề kháng, vi-rút cúm dễ lây lan); trong môi trường các địa phương từng xảy ra dịch CGC từ các năm trước đều tồn tại mầm bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh này mặc dù được chỉ đạo tích cực song còn nhiều bất cập. Với trên 2.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ phân tán theo phương pháp thủ công không đảm bảo vệ sinh an toàn, xả thải bừa bãi dễ làm lây lan dịch bệnh. Lực lượng chức năng mỏng trong khi địa bàn nông thôn rộng, nhiều đường, ngõ thông nhau, khiến việc kiểm soát hoạt động vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm khó khăn. Quy mô chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ phân tán gây khó cho việc tổ chức triển khai triệt để các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt đáng nói là tâm lý chủ quan và ý thức trách nhiệm của chính người chăn nuôi và cộng đồng địa phương còn nhiều hạn chế. Như trường hợp hộ ông Nguyễn Văn Lai ở xã Trực Thuận (Trực Ninh) vừa qua, theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh vừa qua, buổi sáng ông được mời lên họp tại UBND xã cùng các hộ chăn nuôi khác để triển khai công tác phòng chống dịch thì ông không báo cáo gì về hiện tượng vịt bị ốm chết; ngay buổi chiều ông đã báo cáo vịt chết hàng loạt và đã có hiện tượng ốm chết từ 4 ngày trước. Lý do ông giấu vì tính toán 1 con vịt đẻ giá trị cả trăm nghìn đồng, nếu bị tiêu hủy thì chỉ được Nhà nước hỗ trợ 35 nghìn đồng nên ông cố giấu để chữa. Và tổng số tiền ông đã bỏ ra để chữa bệnh cho vịt đã tới hơn 5 triệu đồng?! Trong khi bệnh CGC là không thể chữa được. Sự thiếu kiến thức, trách nhiệm và cách làm “cố đấm ăn xôi” đó không chỉ khiến ông “tiền mất tật mang” mà còn tạo nguy cơ lây lan mầm bệnh trong môi trường. Cũng theo cơ quan thú y, cả 5 hộ tại xã Trực Thuận có dịch CGC vừa qua đều nuôi vịt quây thả trên cùng một dòng sông nên đã không tránh khỏi lây lan, và không thể xác định được mầm bệnh phát sinh từ đàn nào. Không chỉ giấu dịch tự chữa theo kiểu “còn nước còn tát”, việc không khai báo nghiêm túc khi tái đàn của người chăn nuôi cũng gây khó khăn lớn cho công tác kiểm soát dịch bệnh.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh vừa họp tổng kết đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh trong năm 2016, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017 và các biện pháp cấp bách phòng chống CGC. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, từ công tác tổ chức chỉ đạo, triển khai ở các cấp đến các biện pháp chuyên môn; phát động Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 (từ ngày 5-3 đến 5-4) trên phạm vi toàn tỉnh nhằm phòng ngừa mầm bệnh còn tiềm ẩn trong môi trường chờ cơ hội bùng phát thành dịch. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý dịch, tiêm phòng… Tuy nhiên quan trọng nhất và là biện pháp có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài là khắc phục tâm lý chủ quan của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt trực tiếp là người chăn nuôi và cộng đồng địa phương. Dịch bệnh CGC đã và đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia với nhiều chủng vi-rút độc lực cao; đã có nhiều người ở các nước và cả ở nước ta từng mắc CGC, trong đó có người tử vong. Theo đồng chí Khương Thành Vinh (Phó Giám đốc Sở Y tế) thì đến nay vẫn chưa tìm được chính xác con đường lây lan CGC sang người, do vậy việc phòng ngừa càng khó khăn. Hay như tình trạng CGC A/H7N9 với độc lực rất cao và tỷ lệ tử vong của người khi mắc bệnh này cũng cao đang xảy ra ở Trung Quốc thì lại không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng trên gia cầm khi mắc bệnh, chỉ có thể phát hiện qua xét nghiệm. Và trên thực tế tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm (con giống và thương phẩm), sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc vào nước ta hiện nay rất khó kiểm soát nên việc phòng ngừa, ngăn chặn lây lan mầm bệnh này vào nước ta càng khó khăn, đòi hỏi ý thức trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng của người chăn nuôi, người kinh doanh phải được nâng cao.
Ngành chăn nuôi là một ngành sản xuất nông nghiệp quan trọng đối với tỉnh ta. Chăn nuôi gia cầm đã và đang giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, làm giàu, phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Song do chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ còn phổ biến thì như đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh khẳng định, “người chăn nuôi còn thua thiệt vì không chủ động, lãi chả được mấy, bao nhiêu lợi nhuận đều rơi vào tay thương lái”. Đã thế do chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ quan không chú trọng công tác phòng dịch, người chăn nuôi dễ bị trắng tay. Do vậy cùng với các biện pháp trước mắt tập trung phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là khắc phục tâm lý chủ quan trong công tác này ở cả cơ quan chức năng và người chăn nuôi thì về lâu dài phải tổ chức lại sản xuất trong chăn nuôi, tích cực phát triển chăn nuôi quy mô tập trung, an toàn sinh học gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi./.
Vân Thi