Vốn là một xã thuần nông nhưng những năm gần đây nhờ khai thác tốt lợi thế phát triển thương mại - dịch vụ đã làm thay đổi diện mạo nông thôn và còn góp phần nâng cao đời sống kinh tế của Yên Nhân (Ý Yên) so với các xã khác trong toàn huyện. Đến nay, hoạt động dịch vụ, thương mại ở xã Yên Nhân không ngừng phát triển về số lượng và loại hình kinh doanh. Thông qua nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển, trên địa bàn xã ngày càng có nhiều hộ gia đình đầu tư, phát triển và mở rộng các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, thương mại, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Hoàn thiện tàu vỏ thép tại xưởng sản xuất của Gia đình anh Trần Văn Hương, xóm Phong Doanh, Yên Nhân. |
Là xã tiếp giáp với dòng sông Đáy, từ xa xưa, người dân Yên Nhân vốn chỉ quen với trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi lợn, gà, rồi đánh bắt cá tôm trên sông, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập từ nông nghiệp chiếm 76% tổng giá trị thu nhập toàn xã. Đổi thay đến với người dân xã Yên Nhân từ khi UBND xã thực hiện quy hoạch lại ruộng đất, giao khoán đất lâu dài cho người dân sử dụng, phát triển kinh tế theo khả năng. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, tạo vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, xã đã quy hoạch hơn 10ha đất xa khu dân cư chuyển đổi thành khu chăn nuôi tập trung và đã có 15 hộ nhận thầu xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi. Các trang trại, gia trại đều được đầu tư xây dựng khép kín, có khu chăn nuôi riêng, ngăn cách bằng không gian cây xanh, mặt nước…; vừa hạn chế được nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Khu vực ven sông Đáy được xã khuyến khích các hộ dân làng chài Phong Doanh lên bờ định cư phát triển ngành nghề mới. Lợi thế triền sông được các hộ khai thác phát huy để phát triển các ngành kinh doanh vận tải thủy, bến bãi vật liệu xây dựng. Đối với các hộ dân thuộc khu vực nội đồng, xã khuyến khích các hộ phát triển ngành nghề mới như may gia công, sản xuất thủ công mỹ nghệ và đặc biệt đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi thủy sản có ứng dụng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Xã thực hiện tín chấp với các tổ chức tín dụng cho các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổng dư nợ các nguồn vốn vay trên toàn xã đạt gần 80 tỷ đồng. Với sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của người dân, đến nay trên địa bàn xã đã có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải thủy, bến bãi, đóng mới tàu thuyền; hình thành các cơ sở may gia công và đầu mối thu mua, tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp. Vùng đất ven sông Đáy được người dân khai thác tối đa với các mô hình kinh doanh vận tải thủy, bến bãi, vật liệu xây dựng. Đặc biệt chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, trên triền đê sông Đáy đã có 3 xưởng đóng tàu pha sông biển được thành lập do chính người con quê hương Yên Nhân làm chủ với số vốn lưu động lên đến vài trăm tỷ đồng. Tại xưởng đóng tàu của gia đình anh Trần Văn Hương, vài chục thợ đang hối hả hoàn tất phần nội thất của con tàu mới trọng tải 2.000 tấn để kịp hạ thủy vào quý I-2017. Anh Hương cho biết, trước đây anh vốn chuyên nghề kinh doanh vận tải thủy nội địa. Tuy nhiên, thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc hình thành bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng đi các vùng lân cận nên anh đã thành lập doanh nghiệp kinh doanh các loại than, cát, đá, vật liệu xây dựng. Cũng chính từ nghề vận tải thủy, anh tiếp tục mày mò, tích lũy kinh nghiệm từng trải hàng chục năm lênh đênh sông nước lập xưởng đóng tàu vỏ thép, tạo việc làm cho người dân trong xã, giúp bà con tăng thu nhập. Anh đầu tư đường điện, làm đường giao thông, triền đà, mua sắm nguyên vật liệu và tuyển dụng lao động vào làm việc. Vừa làm chủ vừa làm “chuyên gia” kỹ thuật, anh chỉnh sửa từng vết cắt, mũi hàn của thợ chính, thợ phụ để làm sao cho sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Ban đầu, anh đóng tàu để chở hàng của gia đình. Sản phẩm đưa vào sử dụng làm “quảng cáo” luôn. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều con tàu anh đang đóng dở, bạn hàng đã đến đặt tiền mua. Nghề đóng tàu nên duyên từ đó. Năm 2016 vừa qua, từ triền sông này, anh đã xuất xưởng 11 tàu có trọng tải từ 1.000-2.000 tấn. Năm 2017, tiếp tục hứa hẹn nhiều hợp đồng đóng mới, sửa chữa tàu tại Cty của gia đình anh và các xưởng đóng tàu khác trên địa bàn xã, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ngoài điểm đột phá phát triển nghề đóng tàu, kinh doanh vật liệu xây dựng, lĩnh vực nông nghiệp của xã cũng được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với sản lượng trên 50 nghìn tấn rau màu; tổng đàn lợn gần 7.500 con, sản lượng thịt lợn hơi đạt 675 tấn, sản lượng lợn sữa đạt hơn 280 tấn; tổng đàn gia cầm 14 nghìn con… cao gấp hơn hai lần so với năm 2011. Nhiều cá nhân điển hình tiêu biểu trong phát triển sản xuất như hộ các ông: Trịnh Văn Ngoãn, xóm 1; Bùi Văn Thị, xóm 10; Phạm Ngọc Sơn, xóm 12; Phạm Văn Dụng, xóm 4…
Định hướng phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương đang là hướng đi đúng đắn mà Đảng ủy, UBND xã Yên Nhân lựa chọn. Tuy nhiên để thương mại - dịch vụ phát triển hơn nữa, xứng tầm với tiềm năng của địa phương, xã Yên Nhân, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã còn gặp khó khăn về nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kỹ năng phát triển thương mại, tổ chức kinh tế hộ gia đình cũng như những kỹ năng tìm hiểu, định hướng thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương