Trong hơi ấm của mùa xuân, những con đường giao thông nông thôn (GTNT) trở nên nhộn nhịp, vui tươi hơn bởi từng dòng người tất bật ngược xuôi đi mua sắm Tết, đón chào một mùa xuân mới.
Về xã nông thôn mới (NTM) Trực Hưng (Trực Ninh) dịp chuẩn bị Tết mới cảm nhận rõ niềm vui, sự phấn khởi của người dân nơi đây về thành quả xây dựng phát triển quê hương. Bộ mặt nông thôn đã hoàn toàn thay đổi. Trước đây ai từng về vùng quê này hẳn còn nhớ những con đường đã hẹp lại gồ ghề, đi lại khó khăn. Từ khi xã tiến hành xây dựng NTM, được sự đồng thuận của người dân, nhiều gia đình đã tự nguyện di dời vật kiến trúc, hoa màu và hiến 20,7ha đất để thực hiện các quy hoạch. Toàn xã đã bê tông hóa được 30km đường giao thông liên thôn với tổng kinh phí 15 tỷ đồng; bê tông hóa 11,2km đường trục chính nội đồng với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí chủ yếu do nhân dân đóng góp. “Giao thông đến đâu làm giàu đến đấy”. Thực tế ở Trực Hưng cũng như ở các xã NTM đã cho thấy rõ nét điều này. Từ khi Trực Hưng về đích xã NTM đến nay, mỗi ngày đối với người dân nơi đây là một ngày vui, bởi đường làng ngõ xóm rộng rãi, xe lớn, xe nhỏ đi lại dễ dàng đã tạo nhiều thuận lợi và không ngừng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, CN-TTCN. Bên cạnh thuận lợi mà GTNT đem lại, xã Trực Hưng đã hoàn thiện việc rà soát quy hoạch sản xuất nông nghiệp và hệ thống thủy lợi nội đồng, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ. Trên cơ sở quy hoạch, kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng, phát huy hiệu quả của công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã góp phần tích cực trong việc nâng cao giá trị thu nhập trên 1ha canh tác ước đạt 100 triệu đồng, năng suất lúa đạt 125,7 tạ/ha. Sản xuất CN-TTCN có bước đột phá. Nhờ giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đầu tư trên 25 tỷ đồng xây dựng nhà máy may, tạo việc làm ổn định cho 500-600 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Lao động trẻ không còn canh cánh nỗi lo phải rời quê hương, xa gia đình để tìm việc làm. Ngược lên phía Bắc, nơi GTNT của nhiều xã vốn rất khó khăn, đường nhỏ, được làm cứng mặt nhưng chất lượng kém. Song đó là chuyện trước kia. Tại xã Yên Minh (Ý Yên), chúng tôi cảm nhận sự vui mừng khi năm nay bà con đi sắm Tết, chơi xuân không còn khổ về chuyện đi lại. Cùng với nhiều công trình kiến thiết mới hoàn tất, mạng lưới GTNT trên địa bàn đã được nâng cấp, góp phần giúp xã hoàn thành các tiêu chí để về đích NTM trong năm 2016. Nhiều hộ dân sinh sống hai bên tuyến đường trục giao thông chính của xã dài 4,2km mới hoàn thiện, mặt đường đổ bê tông dày 20cm, rộng 3,5m phấn khởi cho biết: “Tết đến hàng hóa vận chuyển tấp nập trên các con đường mới thấy phấn khởi vô cùng. Trước đây, không ai nghĩ có được những con đường bằng phẳng, khang trang như thế này". Hai bên đường thì rợp bóng cờ, hoa, nhiều ngôi nhà mới, khang trang to đẹp mọc lên san sát. Là tỉnh có phong trào phát triển GTNT khá mạnh song trước đây, việc đầu tư không được đồng bộ và rộng khắp, chỉ một số tuyến chủ yếu. Sự chênh lệch cấp đường khiến nhiều nơi không kết nối được giữa đường nông thôn và đường tỉnh, đường huyện, không phát huy hết hiệu quả đầu tư. Nhưng khi xây dựng NTM, đường xã, thậm chí của xóm cũng được mở rộng nên khả năng kết nối liên hoàn với đường tỉnh, huyện và cả quốc lộ tốt hơn. Thu hút đầu tư phát triển, chu chuyển vốn về địa bàn nông thôn cũng đạt những kết quả ngoạn mục, tạo những lực đẩy quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn. Các làng nghề phát triển, một số ngành nghề truyền thống được khôi phục. Hàng hoá của làng nghề Nam Định có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và cả nước ngoài. Sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn không ngừng phát triển khá.
Thi công đường giao thông nông thôn tại địa phận xã Nam Hồng (Nam Trực). |
Thực tế phải nhìn nhận, để có được những con đường GTNT khang trang, rộng mở ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, một nguyên nhân hết sức quan trọng là sự đồng thuận chung sức của nhân dân, nhất là những người dân tự nguyện hiến đất làm đường. Nhờ nghĩa cử vì cộng đồng ấy mà nhiều tuyến đường được mở rộng, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án quốc lộ qua địa bàn nông thôn được đẩy nhanh với tốc độ đáng kinh ngạc. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đã phát huy hiệu quả cao trong phát triển GTNT của tất cả các địa phương trên toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2010-2015, tổng số vốn huy động xây dựng phát triển hạ tầng GTNT trong xây dựng NTM đạt trên 5.700 tỷ đồng; ngoài ra, đã vận động các hộ dân đóng góp được 3.158ha đất nông nghiệp (tương đương 6.920 tỷ đồng) hiến 242ha đất thổ cư (tương đương 4.473,2 tỷ đồng) để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội và làm đường GTNT. Sau 5 năm, trong chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp được 6.144km đường GTNT. Trong đó có: 460km đường trục xã; 2.060km đường trục thôn xóm; 2.120km đường dong ngõ; 1.504km đường trục chính nội đồng; cải tạo nâng cấp 6.183 cầu, cống dân sinh. Đánh giá tình hình thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM: Tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT đạt 83%. Tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT đạt 81%. Tỷ lệ km đường ngõ, xóm đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 95%. Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi đạt 47%. Trong năm 2016, tuy chưa có số liệu tổng hợp về nguồn vốn và số lượng ngày công lao động của người dân đóng góp cho chương trình phát triển hạ tầng GTNT nhưng theo đánh giá của các địa phương, tinh thần chung sức đóng góp của người dân vẫn tiếp tục lan tỏa, phát triển và không ngừng tạo nên diện mạo mới cho các vùng quê tham gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.
Để niềm vui được sử dụng những con đường GTNT mới của người dân được lan tỏa, nhân rộng trên toàn tỉnh, ngay trong Nghị quyết, Kế hoạch về xây dựng NTM tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020, BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã nêu rõ các mục tiêu tỉnh cần thực hiện đối với tiêu chí số 2 (giao thông). Cụ thể đối với nội dung xây dựng NTM cấp xã, đến năm 2019 toàn tỉnh phấn đấu 100% số xã đạt tiêu chí về giao thông; đối với nội dung xây dựng NTM cấp huyện giai đoạn 2016-2020 bảo đảm kết nối hệ thống giao thông trên địa bàn huyện tới các xã, 100% đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch. Nhằm đạt mục tiêu đề ra, ngành GTVT và các địa phương đã chủ động xác định những hạn chế cần khắc phục để thúc đẩy phát triển GTNT trong chương trình xây dựng NTM. Qua đó, nhiều huyện đều xác định: yêu cầu để phát triển GTNT lớn trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đầu tư; kinh phí huy động từ đóng góp của nhân dân và các nguồn lực của địa phương để xây dựng NTM nhìn chung còn thấp, đồng thời phải dàn trải để thực hiện nhiều tiêu chí về NTM nên kinh phí cho GTNT chỉ mới chủ yếu quan tâm cho phục vụ sản xuất là đường nội đồng. Bên cạnh đó, trên thực tế các địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh hơn, có khả năng huy động nguồn vốn từ sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp địa phương, con em xa quê đã cơ bản tập trung tham gia xây dựng NTM từ giai đoạn 2010-2015, những xã còn lại tham gia chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 phần lớn là những xã khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Theo đó, trở ngại lớn nhất trong quá trình thực hiện tiêu chí giao thông của các địa phương tham gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 là khó khăn trong huy động vốn. Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hiện các địa phương đều đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, để người dân có điều kiện tham gia đóng góp kinh phí, ngày công lao động chung sức cùng chính quyền phát triển hạ tầng GTNT. Bên cạnh đó, các địa phương đều tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hạ tầng giao thông với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; từ đó tạo sự đồng thuận, chia sẻ trách nhiệm của hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện. Huy động tổng hợp mọi nguồn lực: Nhân dân đóng góp, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, xã; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương hỗ trợ đầu tư phát triển, hỗ trợ các xã xây dựng NTM của Trung ương, của tỉnh, vốn nước ngoài như WB, ADB. Trong đó, nguồn vốn đầu tư của xã và huyện sau khi đã phân bổ đầu tiên cho các hạng mục công trình cấp bách, ưu tiên trước hết cho đầu tư hệ thống giao thông theo phân cấp đầu tư đảm bảo phù hợp với kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng chung của địa phương. Đề cao trách nhiệm, tạo sự chủ động, tích cực của chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư ở các thôn, xóm trong đầu tư vốn xây dựng GTNT.
Phát triển giao thông là một trong những yếu tố tiên quyết để cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, tăng năng lực cạnh tranh và sức hút đầu tư về địa bàn nông thôn. Để đạt mục tiêu cốt lõi của xây dựng NTM là nâng cao đời sống mọi mặt của người dân nông thôn, trong các nhiệm vụ tất yếu phải thực hiện cần quan tâm đúng mức phát triển giao thông. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn mà nhu cầu đầu tư lớn, hơn lúc nào hết để GTNT ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn cần có sự chung sức bằng cả tinh thần, trách nhiệm và vật chất của cộng đồng, để ngày càng thêm nhiều đường xuân rộng mở, vươn đến mọi xóm làng, kết nối, sẻ chia những cơ hội làm giàu./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy