Năm 2016, ngành Thuế tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong điều kiện kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế và cân đối thu, chi NSNN của tỉnh. Trong khi đó, nguồn nội lực còn hạn hẹp, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tuy mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho mục tiêu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên bằng những giải pháp tích cực, hiệu quả, ngành Thuế đã không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà còn khai thác, nuôi dưỡng tốt nguồn thu, tạo thêm nguồn lực để đầu tư, xây dựng tỉnh nhà trở thành tỉnh nông thôn mới (NTM) và hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng trong tương lai gần.
Từ những kết quả nền tảng…
Trên cơ sở thực tế nền kinh tế cùng những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong những năm qua, Cục Thuế tỉnh đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp căn cơ để thực hiện nhiệm vụ thu NSNN, trong đó chủ yếu dựa vào sức sản xuất hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp trên địa bàn và hoạt động xuất nhập khẩu để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo đó, căn cứ dự toán thu NSNN được Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) và HĐND tỉnh giao, Cục Thuế tỉnh đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN, đồng thời chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện, thành phố giao nhiệm vụ phấn đấu thu vượt dự toán pháp lệnh được giao cho các phòng, các đội thuế. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo, thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn; phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu để chỉ đạo thu sát, thu đúng, thu đủ với thực tế phát sinh. Cùng với đó, ngành Thuế chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, dựa trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin về người nộp thuế; tăng thu qua thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế của các đơn vị, doanh nghiệp. Ngành đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để kiểm tra, rà soát, phân loại những ngành nghề có rủi ro cao, kịp thời đưa ra biện pháp đấu tranh với các hành vi gian lận; tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm và các mặt hàng nhạy cảm, tập trung vào các lĩnh vực còn thất thu; đẩy mạnh thanh tra hoạt động giao dịch liên kết, thương mại điện tử và các lĩnh vực như: ngân hàng, dự án đất đai, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dược phẩm... Đây chính là cơ sở giúp lãnh đạo các cấp chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ thu ngân sách, đồng thời xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả. Mặt khác, Cục Thuế tỉnh cũng chủ động phối hợp với các ngành hữu quan tập trung giải quyết nhanh, kịp thời các vướng mắc về thủ tục, chính sách, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn, giảm thuế, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nộp thuế theo đúng quy định. Cùng với việc tăng cường kiểm tra các trường hợp được giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, ngành chú trọng kiểm tra các trường hợp khai báo nhầm loại hình, doanh nghiệp, mặt hàng có rủi ro cao; nhiều bức xúc về thuế theo chuyên đề, chuyên sâu; tăng cường kiểm tra sau thông quan cũng như thanh tra, kiểm tra nội bộ. Việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, phát hiện hành vi gian lận thương mại, chú trọng kiểm tra, phát hiện những vấn đề mới, vấn đề nóng giúp ngành ngăn chặn kịp thời những hành vi lợi dụng sơ hở của chính sách, pháp luật để gian lận, trốn thuế. Chủ động rà soát, đánh giá để tham mưu, đề xuất các giải pháp thu cơ bản, nhất là đổi mới cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp... góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.
Cty TNHH Sunrise spining, KCN Bảo Minh (Vụ Bản) phát triển sản xuất, kinh doanh chính là nuôi dưỡng và tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước, tạo nguồn lực tại chỗ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. |
Đồng chí Trịnh Quang Hưng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Do năm 2016 là năm thực hiện trước thời hạn một số thay đổi cơ bản của Luật NSNN mới, cho nên công tác thu NSNN cũng được Cục Thuế tỉnh khởi động quyết liệt ngay từ đầu năm nhằm bảo đảm nhiệm vụ điều hành NSNN trên địa bàn. Nhờ đó, hết năm 2016 tổng thu nội địa ước đạt 3.220 tỷ đồng, trong đó thu nội địa tính cân đối tỉnh giao là 3.150 tỷ đồng, đạt 109% dự toán và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng thu nội địa tính cân đối trừ thu tiền sử dụng đất là 2.359 tỷ đồng, đạt 106% dự toán và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015. Có được kết quả trên là do Cục Thuế tỉnh đã rất linh hoạt trong công tác điều hành, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, thích hợp với mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao nhất số thu NSNN trên địa bàn, bảo đảm số thu năm sau không thấp hơn năm trước. Đồng thời chủ động phối hợp với các ngành Tài chính, Hải quan, Kho bạc Nhà nước cùng các địa phương tích cực, chủ động khai thác, quản lý tốt các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ và kịp thời; hạn chế thất thu ngân sách...
… Mở hướng tương lai
Những kết quả đạt được trong nhiệm vụ thu NSNN của năm 2016 từ sự nỗ lực vượt khó của ngành Thuế tỉnh nói riêng và cả hệ thống chính trị tỉnh nhà nói chung chính là nguồn lực quan trọng để chúng ta tiếp tục đầu tư cho mục tiêu xây dựng hạ tầng cơ sở mở hướng tương lai, tạo thêm thế và lực mới đưa Nam Định tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn. Những công trình, dự án mới đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực triển khai như: Nhà máy nhiệt điện Hải Hậu I, các dự án cầu Thịnh Long, cầu Đống Cao, tuyến đường cao tốc từ Cao Bồ đến KCN Dệt may Rạng Đông hay việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN Mỹ Trung, KCN Mỹ Thuận... đang hứa hẹn tạo những “động lực mới” thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển; đồng thời sẽ có đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách của tỉnh. Nhận thức rõ điều đó, toàn ngành Thuế đang tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo một cách chủ động và tích cực hơn; thường xuyên theo dõi, xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp cùng phối hợp thực hiện. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện kê khai thuế đúng quy định; đẩy mạnh xã hội hoá công tác hỗ trợ, tạo môi trường pháp lý và các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân thực hiện tốt pháp luật thuế. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân nhằm tăng tỷ lệ hồ sơ khai thuế đúng hạn so với số hồ sơ cần phải kê khai nghĩa vụ thuế theo chế độ quy định; thực hiện mục tiêu kiểm tra 100% hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp; Thực hiện kiểm tra 100% hồ sơ trước khi hoàn thuế đối với các trường hợp có rủi ro cao trong quản lý thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng. Đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, phấn đấu thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu 90% số lượng doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế. Phấn đấu tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 200 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm và các mặt hàng nhạy cảm; tập trung vào các lĩnh vực còn thất thu như: hoạt động giao dịch liên kết, thương mại điện tử và các lĩnh vực ngân hàng, dự án đất đai, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dược phẩm... Duy trì, củng cố Ban chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp NSNN để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc đôn đốc thu thuế, chống thất thu, thu hồi nợ đọng, khai thác tăng thu ngân sách. Giao chỉ tiêu nhiệm vụ thu nợ cụ thể, chi tiết tới từng trưởng phòng, chi cục trưởng, đội trưởng và từng cán bộ để triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016. Đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công chức, viên chức ngành Thuế nhằm nâng cao nhận thức chính trị và trách nhiệm trong thực thi công vụ; phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn ngành, quyết tâm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ công tác thuế hằng năm.
Lại một mùa xuân mới đang về mang theo biết bao kỳ vọng vào sự đổi mới và tăng trưởng của kinh tế tỉnh nhà. Đó là cơ sở bảo đảm hiện thực hóa mục tiêu thu NSNN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đạt mốc 5.500-6.000 tỷ đồng./.
Bài và ảnh: Văn Đại