Năm 2003, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa lần đầu tiên theo Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy, bác Trần Công Lộc ở thôn 16, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đã quyết định ra vùng đất bãi Cận Hà ven sông Châu Giang để phát triển kinh tế trang trại. Sau khi dồn đổi hết diện tích “bờ xôi ruộng mật” của gia đình cho anh em và bà con trong thôn, kết hợp nhận thầu thêm đất công, bác Lộc mới có được 2.000m2 đất bãi để phát triển mô hình VAC. Hơn chục năm ròng, không thể kể hết biết bao công sức, tiền của bác cùng gia đình đã đầu tư để đào ao nuôi các loại cá truyền thống, trên bờ xây dựng chuồng nuôi gà trắng theo phương thức công nghiệp. Trong quá trình phát triển sản xuất, bác Lộc còn chủ động liên kết và nhận được sự hỗ trợ về con giống, thức ăn, các kỹ thuật nuôi, cách phòng chống dịch bệnh từ Cty CJ của Hàn Quốc và một số doanh nghiệp, trung tâm giống thủy sản ở trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố khác như: Quảng Ninh, Hòa Bình, Vĩnh Long… Đầu tư khá quy mô, bài bản nên mô hình trang trại VAC của bác Lộc đã không ngừng lớn mạnh. Hiện mỗi năm gia đình bác nuôi được 6 lứa gà trắng, mỗi lứa khoảng 8.000 con; dưới ao bác thả các loại cá truyền thống… Doanh thu hằng năm từ trang trại của bác Lộc đạt trên 1 tỷ đồng, đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở địa phương. Theo bác Lộc, năm 2016 sau khi trừ hết chi phí, tiền trả công cho 5 lao động, trang trại đã mang lại cho gia đình bác 300 triệu đồng tiền lãi. Bác Lộc trở thành thành viên của CLB trang trại huyện Mỹ Lộc, là hội viên nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi của tỉnh.
Trang trại ngày một “ăn nên làm ra” nhưng bác Lộc vẫn chưa bằng lòng với những gì đã đạt được, vì thế bác tiếp tục tìm hướng đầu tư mở rộng quy mô trang trại. Kỹ thuật, công nghệ, năng lực quản lý thì không khó, mà khó nhất là vốn khi triển khai dự định này. Bác Lộc đã làm hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Lộc nhưng chỉ được vay 40 triệu đồng - số tiền này chưa đủ để mua thức ăn cho trang trại trong 2 ngày; còn vay vốn từ Chi nhánh Agribank Bắc Nam Định, mặc dù được ngân hàng vận dụng cho vay theo quy định “không có tài sản bảo đảm” của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì bác Lộc cũng chỉ vay được 100 triệu đồng. Số tiền mà cả 2 ngân hàng có thể cho bác Lộc vay “tối đa” theo quy định “chả thấm tháp gì” so với nhu cầu vốn thực để đầu tư phát triển trang trại là từ 500 đến 700 triệu đồng. Đáng nói là theo một cán bộ của Chi nhánh Agribank Bắc Nam Định cho biết, thì chỉ cần bác Lộc có được Giấy chứng nhận trang trại thì ngân hàng có thể cho bác vay đủ số tiền trên. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm hồ sơ và hoàn thiện các thủ tục cần thiết khác để đề nghị UBND huyện Mỹ Lộc cấp Giấy chứng nhận trang trại nhưng đến thời điểm này bác Lộc vẫn chưa được cấp vì một lý do “không đáp ứng đủ tiêu chí về diện tích là 2,1ha”(?!). Cũng theo bác Lộc dù bác muốn mua hay thuê thêm diện tích để đáp ứng tiêu chí này cũng không thể vì xung quanh trang trại không còn đất trống, các trang trại của các hộ trong thôn đã quây kín.
Tiếp nhận kiến nghị của hội viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hà Nguyễn Cao Khải đã nhiều lần trình bày trước các hội nghị của xã, của huyện nhưng vẫn chưa được ghi nhận và giải quyết.
Nghị quyết số 27 ngày 17-7-2014 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020 nhấn mạnh: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nội dung quan trọng, cốt lõi trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng NTM nhằm tiếp tục cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, phức tạp, nhiều khó khăn. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tập trung cao độ, thống nhất, đồng bộ, quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành; huy động cao độ sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tự giác của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và nhân dân. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cần xác định: Nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp là chủ thể; chính quyền các cấp giữ vai trò quản lý, định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông qua việc ban hành và thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… Mục tiêu là xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả và bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng NTM và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cũng nhấn mạnh tập trung phát triển kinh tế “nhiều thành phần”, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và vai trò của kinh tế trang trại, gia trại trong xây dựng NTM hiện nay. Tiếp thu tinh thần chỉ đạo đó, các cấp chính quyền ở huyện Mỹ Lộc nói riêng và toàn tỉnh nói chung cần xem xét giải quyết một cách “thấu tình, đạt lý” mong muốn chính đáng không chỉ của riêng bác Lộc mà còn khá nhiều chủ trang trại, gia trại khác trong tỉnh là được cấp Giấy chứng nhận trang trại làm “tài sản bảo đảm” để có thể thế chấp vay vốn từ các ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc cấp Giấy chứng nhận trang trại cần căn cứ vào hiệu quả làm ăn thực tế của các trang trại chứ không nên cứng nhắc, dập khuôn… tạo thuận lợi cho những nông dân có nhiệt huyết, quyết tâm vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay và trí tuệ của mình. Đừng để “cái khó bó cái khôn” cản trở con đường chiến thắng đói nghèo của nông dân./.
Văn Đại