Những ngày này, không khí thi đua quyết tâm hoàn thành mục tiêu thu phí môn bài năm 2017 trong toàn ngành Thuế tỉnh đang khá sôi nổi. Thực hiện chỉ đạo của Cục Thuế tỉnh tại Công văn số 5945/CT-TTHT ngày 14-12-2016, Chi cục Thuế huyện Giao Thủy đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn khai, nộp thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán năm 2017 nhằm hỗ trợ người nộp thuế hiểu rõ và tự giác thực hiện kê khai, nộp thuế, nộp lệ phí môn bài. Việc tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức như: tuyên truyền trên hệ thống đài Phát thanh huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn; in và phát tờ rơi; tuyên truyền bằng xe lưu động…
Cán bộ Chi cục Thuế huyện Giao Thủy tuyên truyền về chính sách thuế và những quy định về thực hiện phí môn bài cho các hộ kinh doanh trên địa bàn. |
Không chỉ Chi cục Thuế huyện Giao Thủy mà tất cả Chi cục Thuế các huyện, thành phố; các đội thuế phường, xã đều có các hình thức tuyên truyền phù hợp, giúp người dân nhận thức đầy đủ, tự giác chấp hành và tuân thủ các quy định của pháp luật trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đồng chí Lê Đức Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Việc thu phí môn bài năm nay được thực hiện theo Nghị định 139 của Chính phủ. Theo đó, mức thu phí môn bài được rút gọn lại còn 2 bậc (Nghị định 75 cũng như Thông tư 42/2003/TT-BTC quy định 4 bậc) đối với tổ chức kinh doanh và 3 bậc đối với cá nhân kinh doanh (CNKD - trước đây quy định có 6 bậc). Cụ thể, theo Nghị định 139 thì mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng là 3 triệu đồng/năm. Đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống là 2 triệu đồng/năm. Điểm mới theo quy định của Nghị định 139 là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác chịu mức phí môn bài 1 triệu đồng/năm. Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định trên căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong trường hợp các tổ chức này có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài... Đối với mức thu lệ phí môn bài của cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm thì mức thu là 1 triệu đồng/năm; doanh thu trên 300-500 triệu đồng/năm có mức thu là 500 nghìn đồng/năm; doanh thu trên 100-300 triệu đồng/năm sẽ có mức thu là 300 nghìn đồng/năm. Những tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm. Nghị định 139 cũng quy định cụ thể các trường hợp được miễn nộp phí môn bài…
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền những chính sách thuế mới của Chính phủ về phí môn bài, xác định tầm quan trọng của việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch thu phí môn bài không chỉ giúp ngành Thuế nắm được số lượng tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thuộc diện quản lý và nộp thuế mà việc phân loại từng tổ chức, cá nhân nộp phí môn bài theo từng bậc còn giúp ngành Thuế quản lý chặt chẽ thu nhập của từng tổ chức, cá nhân trên địa bàn để điều chỉnh số thu cho phù hợp với thực tế, góp phần hoàn thành mục tiêu thu ngân sách cả năm. Chính vì vậy, ngay từ cuối tháng 10-2016, Cục Thuế tỉnh đã có Công văn số 5136/CT-TNCN về việc lập bộ lệ phí môn bài và thuế khoán đối với CNKD năm 2017. Theo đó, Cục Thuế tỉnh yêu cầu Chi cục Thuế các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND và Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn, Ban quản lý chợ, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thống kê địa phương thống nhất số hộ sản xuất, kinh doanh thống kê đến thời điểm ngày 31-10-2016 để đưa vào danh bạ quản lý của cơ quan thuế; đồng thời giao chỉ tiêu lập bộ lệ phí môn bài năm 2017 cho các chi cục thuế. Cụ thể, đối với Chi cục Thuế Thành phố Nam Định tiến hành rà soát đưa vào lập bộ trên 75% số hộ kinh doanh năm 2016, trong đó các phường là 85% số hộ kinh doanh. Đối với Chi cục Thuế các huyện rà soát đưa vào lập bộ trên 60% số hộ kinh doanh năm 2016, trong đó các thị trấn là trên 75% số hộ kinh doanh. Riêng đối với Chi cục Thuế các huyện Hải Hậu, Giao Thủy trừ các hộ sản xuất muối, các hộ nuôi trồng đánh bắt thủy, hải sản... Việc phát tờ khai phải được thực hiện chậm nhất trước ngày 19-11-2016, các Chi cục Thuế lập danh sách CNKD phải phát tờ khai thuế mẫu 02-1/QTr-CNKD, danh sách CNKD phải nộp tờ khai thuế mẫu 02-2/QTr-CNKD. Trong thời gian từ ngày 20-11 đến ngày 5-12-2016 triển khai việc phát tờ khai thuế đồng loạt đến từng CNKD. Tổ công tác tiếp nhận tờ khai của Chi cục Thuế hướng dẫn CNKD trực tiếp nộp tờ khai thuế và ký xác nhận vào danh sách nộp tờ khai thuế. Trường hợp CNKD nộp thuế khoán mới ra kinh doanh hoặc thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh trong năm thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ mười kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh. Trường hợp CNKD nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với doanh thu trên hóa đơn chậm nhất là ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế trên hóa đơn. Căn cứ danh sách CNKD phải phát tờ khai thuế mẫu, đội kê khai và kế toán thuế cập nhật vào hệ thống. Căn cứ danh sách CNKD phải nộp tờ khai thuế mẫu 02-2/QTr-CNKD, đội kê khai và kế toán thuế cập nhật vào hệ thống. Chi cục Thuế căn cứ số lượng tờ khai thuế đã tiếp nhận để thực hiện nhập thông tin tờ khai thuế, đảm bảo 100% tờ khai thuế được nhập vào hệ thống theo đúng thời gian quy định để thực hiện công tác quản lý thuế đối với CNKD năm 2017 theo đúng quy trình. Việc lập bộ thuế hộ khoán năm 2017 được xây dựng trên cơ sở mức doanh thu khoán trên sổ bộ năm 2016; mức doanh thu do cá nhân tự khai của năm 2017; cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế; kết quả khảo sát thực tế tại các hộ kinh doanh của chi cục; dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá; ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn. Trong đó, chú trọng việc tổ chức rà soát, khảo sát các CNKD trên địa bàn trong quý IV năm 2016 để có cơ sở xác định doanh thu và mức thuế khoán của CNKD đưa vào lập bộ năm 2017 sát với thực tế kinh doanh. Căn cứ dự toán thu được giao, để hạn chế thất thu về thuế, Cục Thuế tỉnh yêu cầu Chi cục Thuế các huyện, thành phố rà soát và giao chỉ tiêu tăng số hộ lập bộ và tăng mức thuế khoán cho các đội thuế. Số hộ lập bộ thuế khoán năm 2017 của các chi cục phải bằng số hộ lập bộ môn bài Cục Thuế giao. Các chi cục có thể giao các mức tăng khác nhau theo nhóm địa bàn từng phường, xã, thị trấn; thực hiện công khai thông tin về doanh thu và mức thuế khoán theo đúng quy định tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15-6-2015 và Quy trình quản lý thuế đối với CNKD ban hành kèm theo Quyết định 2371/QĐ-TCT ngày 18-12-2015 của Tổng cục Thuế. Việc công khai thông tin được gửi trực tiếp đến cá nhân kinh doanh và dán niêm yết danh sách công khai tại vị trí thích hợp, dễ quan sát tại bộ phận “một cửa” của Chi cục Thuế, UBND huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn, trụ sở đội thuế, ban quản lý chợ. Sau khi duyệt sổ bộ thuế ổn định năm 2017, các Chi cục Thuế kiểm tra, rà soát đối chiếu thông tin để công khai trên website của Cục Thuế tỉnh.
Bằng các biện pháp tích cực, Chi cục Thuế các huyện, thành phố, các đội thuế quyết tâm hoàn thành sớm kế hoạch thu phí môn bài năm 2017, tạo tiền đề để ngành Thuế tỉnh bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch thu ngân sách Nhà nước được Tổng cục Thuế và UBND tỉnh giao./.
Bài và ảnh: Văn Đại