Tính đến hết năm 2016, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) mới đạt 16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), 2 tiêu chí cơ bản đạt và còn 4 tiêu chí chưa đạt. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mỹ Thắng đang nỗ lực, quyết tâm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong năm 2017. Để hoàn thành mục tiêu trên, xã Mỹ Thắng cần có nguồn vốn lớn để đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp một loạt các công trình hạ tầng cơ sở như: Hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng, tuyến đường trục liên xã, nhà văn hóa xã, khu nhà hiệu bộ và các phòng chức năng trường mầm non xã… Vậy làm thế nào để có đủ nguồn lực đang là vấn đề được cả hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, đội quan tâm tìm hướng giải quyết.
Cơ sở sản xuất chăn, ga, gối, đệm Sáu Sen ở xóm 9, xã Mỹ Thắng. |
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Công Tụ, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng NTM trong năm 2017 đối với xã Mỹ Thắng nói riêng và huyện Mỹ Lộc nói chung, Đảng bộ, chính quyền xã đã có nghị quyết, chương trình hành động cụ thể chỉ đạo các thôn, xóm tổ chức tuyên truyền, động viên, kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn và những người con quê hương đang làm ăn thành đạt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước hướng về quê hương đóng góp xây dựng xóm, làng. Cùng với đó, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất, kinh doanh các loại nông sản, sản phẩm chăn, ga, gối, đệm của làng nghề, đồng thời phát triển dịch vụ thương mại tại khu vực chợ Sắt nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân và đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đối với các hộ nông nghiệp, xã khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại tại vùng chuyển đổi rộng hơn 90ha đã được quy hoạch gọn vùng nhằm gia tăng giá trị lao động nhờ sản xuất quy mô hàng hóa, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương. Xác định nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất chính là nguồn lực quan trọng đối với ngân sách xã để phục vụ chương trình xây dựng NTM, UBND xã đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của huyện lập kế hoạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí đã được quy hoạch ở thôn Thịnh, xóm 7 và xóm 13. Song song với việc khai thác nguồn thu từ đất, xã Mỹ Thắng tập trung phát triển sản xuất CN-TTCN coi đây là giải pháp hiệu quả để tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho địa phương. Vẫn theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ khi có nghị quyết chuyên đề về phát triển CN-TTCN của huyện, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các Cty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hiện đại. Xã còn chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đứng ra tín chấp, hỗ trợ các cơ sở sản xuất vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT và Ngân hàng CSXH huyện, với tổng dư nợ hơn 55 tỷ đồng. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, pháp lý cho các doanh nghiệp vay gần 50 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích và định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tập trung đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển sản xuất theo hướng đa dạng hóa các loại sản phẩm, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Hiện hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư các loại máy móc thiết bị mới như: máy thêu vi tính, máy trần thêu, máy trần chăn, máy làm bông... giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Không chỉ có nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm truyền thống phát triển khá mạnh, đến nay các gia đình ở các thôn, xóm còn không ngừng cải tiến trang thiết bị máy móc kỹ thuật để sản xuất các loại quần, áo nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Anh Trần Sỹ Sáu, chủ một cơ sở sản xuất chăn, ga, gối, đệm lớn ở xóm 9 cho biết: Được các cấp chính quyền xã, thôn tạo điều kiện thuận lợi nên việc làm ăn kinh doanh của gia đình tôi khá phát triển. Nghề sản xuất chăn, ga, gối đệm làm quanh năm nhưng càng về cuối năm thì chúng tôi càng tất bật vì nhu cầu thị trường tăng cao, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Hiện nay, các sản phẩm của các làng không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà đã có mặt khắp cả nước. Đến nay xã Mỹ Thắng đã có 9 doanh nghiệp tư nhân, 2 Cty TNHH và hơn 300 hộ tham gia phát triển các ngành nghề. Trung bình mỗi doanh nghiệp tạo việc làm cho khoảng 20-30 lao động, ngoài ra còn hàng trăm lao động tham gia sản xuất tại các hộ, cơ sở sản xuất. Theo thống kê của xã, hiện các ngành nghề phát triển đã thu hút, tạo việc làm cho trên 500 lao động ở trong và ngoài xã, với mức thu nhập bình quân 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Để tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, nước thải... từ làng nghề, UBND xã Mỹ Thắng đang lập quy hoạch xây dựng CCN làng nghề. Theo đó trong năm 2017 xã sẽ tập trung xây dựng CCN xã tại khu vực xóm Nội, thôn Thịnh, xóm 7 và xóm 8 với quy mô khoảng hơn 34ha, tạo cơ sở thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình vào đầu tư phát triển sản xuất tập trung. Đồng thời xã cũng tạo điều kiện để xây dựng một số doanh nghiệp mạnh làm động lực thúc đẩy phát triển làng nghề, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, bảo đảm ổn định, bền vững… Cùng với phát triển nguồn thu, UBND xã Mỹ Thắng cũng đang phối hợp với Chi cục Thuế huyện Mỹ Lộc xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện lập sổ bộ kê khai, nộp thuế, phí môn bài theo phương pháp khoán năm 2017, từ đó tạo nguồn thu và đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương.
Bằng những giải pháp chủ động, tích cực trong việc tạo và tăng nguồn thu tại chỗ sẽ giúp xã Mỹ Thắng có nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM của xã theo đúng kế hoạch đã đề ra, góp phần tạo diện mạo mới cho quê hương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân./.
Bài và ảnh: Văn Đại