Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại

08:11, 19/11/2016

Trong những năm qua, kinh tế trang trại đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn gắn với thị trường... Trên cơ sở đó mở ra hướng làm giàu cho nông dân, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN và PTNT), đến nay, toàn tỉnh có trên 4.000 trang trại, gia trại; trong đó có 674 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT, còn lại là gia trại. Phân theo lĩnh vực sản xuất có 325 trang trại chăn nuôi, 274 trang trại thủy sản, 66 trang trại tổng hợp, 9 trang trại trồng trọt. Các địa phương: Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng... là những nơi có số trang trại nhiều. Có thể nói, kinh tế trang trại có bước phát triển nhanh, chuyển dịch tích cực theo hướng hàng hóa.

Trang trại gà đẻ trứng của một hộ chăn nuôi ở xã Nam Thanh (Nam Trực).
Trang trại gà đẻ trứng của một hộ chăn nuôi ở xã Nam Thanh (Nam Trực).

Thông qua kinh tế trang trại, nhiều tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới được áp dụng thành công và nhân rộng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra những nông sản hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường. Nhiều trang trại chăn nuôi mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuồng kín, lắp đặt máng uống tự động, máng ăn bán tự động, xử lý chất thải bằng hầm khí sinh học bi-ô-ga… nên hiệu quả cao hơn hẳn chăn nuôi nông hộ. Một số trang trại hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp có vốn lớn, trình độ công nghệ hiện đại. Các trang trại nuôi trồng thủy sản (NTTS) chuyển dịch nhanh từ nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh, tập trung chuyển đổi mạnh các đối tượng nuôi; xử lý ao đầm và môi trường nuôi bằng chế phẩm sinh học thay cho hóa chất. Đặc biệt một số trang trại đã từng bước làm chủ công nghệ sản xuất giống nhân tạo một số loài hải sản có giá trị cao như: cá song, cá chim biển, cá bống bớp, tôm sú… Do mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới nên phần lớn các trang trại đã khai thác và sử dụng khá hiệu quả tài nguyên đất đai, mặt nước và lao động. Giá trị sản xuất bình quân 1ha đất trang trại đạt 407 triệu đồng/năm. Mỗi năm, tổng lợi nhuận của các trang trại đạt trên 205 tỷ đồng, bình quân 305 triệu đồng/trang trại. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, các trang trại còn tạo việc làm ổn định cho trên 3.300 lao động, qua đó góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đồng thời góp phần thay đổi tư duy làm kinh tế của các hộ nông dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay kinh tế trang trại phát triển không đồng đều giữa các địa phương và giữa các lĩnh vực sản xuất. Trong số 674 trang trại, chủ yếu là trang trại chăn nuôi và thủy sản, trang trại tổng hợp chỉ chiếm 9,8% và trang trại trồng trọt chỉ có 1,3%. Các trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu phát triển theo tính tự phát, nhiều trang trại vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Trình độ năng lực quản lý, tiếp cận thông tin về thị trường của chủ trang trại còn hạn chế, chất lượng lao động thấp, thiếu mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiến độ cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo tiêu chí mới chậm, hiện toàn tỉnh vẫn còn khoảng 75% số trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận, do đó các chủ trang trại khó tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất. Các huyện, thành phố mặc dù đã có quy hoạch vùng kinh tế trang trại, gia trại tập trung nhưng chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nên sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh vẫn có điều kiện phát sinh. Công tác quản lý đất đai ở các vùng kinh tế trang trại, gia trại chưa thật sự chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng sử dụng đất sai mục đích. Hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đồng bộ, chưa có chính sách riêng hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại. Các quy định về bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất trồng lúa (theo Nghị định 42/2011/NĐ-CP) gây khó khăn cho các địa phương bố trí quỹ đất để phát triển vùng trang trại tập trung. Vẫn còn nhiều địa phương chưa có kế hoạch và giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế trang trại, còn lúng túng khi giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Sự phối hợp giữa các ngành với các địa phương chưa tốt trong việc giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, chính sách tín dụng… để phát triển kinh tế trang trại. Tâm lý giữ ruộng mặc dù không có nhu cầu sử dụng ruộng đất canh tác của một bộ phận nông dân gây cản trở quá trình tích tụ ruộng đất, phát triển kinh tế trang trại. Đây là những trở lực không nhỏ đến mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại.

Để khuyến khích, hỗ trợ và định hướng cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và phát triển kinh tế trang trại, các cấp, các ngành và các địa phương cần phải tập trung vào các giải pháp: Lựa chọn mô hình phát triển kinh tế trang trại phù hợp với từng vùng. Về đất đai, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; hình thành các vùng trang trại tập trung với quy mô phù hợp gắn với bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các chủ trang trại, hộ gia đình nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư vào sản xuất cũng như vay vốn để sản xuất. Khuyến khích các hộ dân chuyển nhượng, dồn đổi tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, chuyển đổi từ đất khác sang trang trại chuyên canh hoặc kết hợp.  Tích cực huy động các nguồn lực của địa phương, doanh nghiệp, chủ trang trại để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật thiết yếu ở vùng quy hoạch như: hệ thống giao thông -  thủy lợi, điện, nước…; từng bước chuyển trang trại đang nằm trong khu dân cư vào vùng quy hoạch kinh tế trang trại. Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận nhiều nguồn vốn tín dụng, nhất là đối với vốn tín dụng ưu đãi với thủ tục vay đơn giản, hợp lý, có sự ưu tiên và có thể tín chấp bằng công trình đầu tư trong trang trại. Về khoa học kỹ thuật, cần chú trọng đầu tư cho công tác khuyến nông, khuyến ngư; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho chủ trang trại như: đưa các giống cây, con có phẩm chất tốt, chất lượng cao, năng suất khá vào sản xuất; áp dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản nông sản… Hướng dẫn các chủ trang trại thực hiện quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế như: VietGAP, HACCP, GMP, SSOP… Hằng năm, có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho đội ngũ chủ trang trại về kỹ năng quản trị kinh doanh nhằm tìm hướng phát triển phù hợp trong cơ chế thị trường; đào tạo nghề phù hợp cho lao động làm việc ở trang trại, nhất là những lao động kỹ thuật của trang trại. Khuyến khích và đẩy mạnh mối liên kết giữa cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản bằng việc cung cấp thông tin thị trường, tư vấn định hướng cho các trang trại sản xuất những sản phẩm thị trường cần và tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các trang trại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần xây dựng và ban hành cơ chế chính sách đặc thù về khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, gia trại; trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ giao đất ổn định lâu dài cho các trang trại đạt tiêu chí mới, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ chế biến và xây dựng thương hiệu nông sản, thủy sản./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com