Tính đến hết tháng 9-2016, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đạt 35.682 tỷ đồng, tăng 3.680 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 6.094 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Đạt được kết quả trên là do các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho phát triển kinh tế của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Các chương trình chính sách tín dụng trọng điểm được các ngân hàng chủ động triển khai đẩy mạnh như: cho vay phát triển tàu cá vỏ thép đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay ngân hàng đã nhận 30 hồ sơ, ký hợp đồng cho vay 30 tàu, tổng giá trị cam kết cho vay là 463,5 tỷ đồng, đã giải ngân theo khối lượng thi công thực tế là 327,6 tỷ đồng. Trong đó đã có 6 tàu đến kỳ trả nợ, chủ tàu đã chấp hành trả nợ theo quy định, số tiền ngân hàng đã thu nợ 2,1 tỷ đồng, số tiền còn dư nợ 325,5 tỷ đồng. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp luỹ kế đến nay đã có 170 khách hàng tham gia, số tiền cam kết cho vay là 4.691 tỷ đồng, luỹ kế số tiền giải ngân là 3.067 tỷ đồng, bằng 65,4% so với cam kết. Các doanh nghiệp được tham gia chương trình đều sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh. Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, Dự án của Cty CP Vinatex tại KCN Bảo Minh, nhu cầu vốn tín dụng 92 tỷ đồng, được Chi nhánh BIDV Nam Định cho vay, số tiền còn dư nợ 34,5 tỷ đồng. Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ của Cty TNHH Cường Tân, tổng nhu cầu vốn 75 tỷ đồng, đã được giải ngân, đến nay có dư nợ 18,5 tỷ đồng. Chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay có dư nợ 25 tỷ đồng. Chương trình cho vay đối với chăn nuôi, thuỷ sản quy định tại Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 16-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ đến nay có dư nợ 724,1 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 2.306 tỷ đồng, tăng 86 tỷ đồng so với đầu năm. Về cơ cấu dư nợ cho vay tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng phục vụ chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 15.343 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43% tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 57,1%; dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 42,9%. Phân theo ngành kinh tế thì dư nợ cho vay ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm tỷ trọng 26%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 38%; ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 36%. Phân theo khách hàng vay thì toàn tỉnh có 1.472 doanh nghiệp có dư nợ 13.702 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,4%; 32 HTX có dư nợ 98 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,3%; 251.793 hộ gia đình, cá nhân có dư nợ 21.882 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 61,3%. Số dư nợ xấu của các TCTD trên địa bàn là 302 tỷ đồng, tỷ lệ 0,85%. Như vậy tỉnh ta vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, dưới 3% theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam.
Ngân hàng NN và PTNT Nam Định ưu tiên mở rộng các đối tượng cho vay tiêu dùng nhằm bảo đảm tăng trưởng tín dụng. |
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là khoảng 18%, trong những tháng còn lại của năm, hệ thống ngân hàng, TCTD cần cố gắng bằng nhiều giải pháp quyết liệt mang tính chất đột phá theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với bảo đảm hiệu quả; kiểm soát và xử lý nợ xấu. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, UBND tỉnh, Chi nhánh NHNN tỉnh sẽ theo dõi sát tình hình hoạt động của các TCTD, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, trên cơ sở đó chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng; giải quyết theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng, tạo thuận lợi cho các TCTD trong việc thực hiện kế hoạch kinh doanh. Chỉ đạo các TCTD, ngân hàng thương mại đẩy mạnh công tác huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản và có đủ nguồn vốn để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được giao; kiểm soát các TCTD trong việc chấp hành các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất, áp dụng các mức lãi suất huy động vốn theo quy định của NHNN; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết kiệm chi tiêu, đảm bảo an toàn tài chính và chia sẻ khó khăn với khách hàng vay. Chỉ đạo, giám sát các TCTD tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chấp hành nghiêm túc các quy định về cấp tín dụng, các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, đảm bảo chất lượng tín dụng trong giới hạn an toàn. Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016, Nghị quyết số 35-2016/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của ngân hàng trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp và các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ… Đồng chí Phạm Huy Cận, Giám đốc Ngân hàng NN và PTNT tỉnh Nam Định cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Chi nhánh NHNN tỉnh, Agribank Nam Định sẽ tiếp tục ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương áp dụng mô hình mới như liên doanh liên kết, cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao… Chỉ đạo các chi nhánh cấp huyện phải sâu sát hơn với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có phương án, dự án hiệu quả để cho vay, tiếp thêm nguồn lực để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời tích cực mở rộng chương trình kết nối giữa Ngân hàng - Doanh nghiệp. Đại diện Chi nhánh Vietinbank tỉnh cho biết: Chi nhánh đang tích cực xem xét nhu cầu từng địa phương để có thể mở rộng các đối tượng là hợp tác xã, hộ gia đình, tiểu thương ở các chợ đầu mối… được hưởng ưu đãi của chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để phát triển khách hàng và cũng để đưa nguồn vốn ưu đãi đến các đối tượng thực sự có nhu cầu. Đồng thời gắn kết thực hiện chương trình này với chương trình các ngân hàng tham gia bình ổn giá thông qua việc thiết kế gói hỗ trợ với lãi suất phù hợp cho các doanh nghiệp bình ổn giá…
Với những giải pháp hiệu quả, tích cực, ngành Ngân hàng tỉnh có cơ sở chắc chắn để tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 theo đúng chỉ tiêu kế hoạch được NHNN Việt Nam và UBND tỉnh giao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, bền vững./.
Bài và ảnh: Văn Đại