Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp giảm nghèo. Các chính sách, các chương trình, dự án giảm nghèo của Nhà nước đã đến được với đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cty TNHH May Nghĩa Hưng DAE YANG, xã Nghĩa Lạc đi vào sản xuất từ tháng 5-2016, tạo việc làm cho trên 600 lao động. |
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lạc cho biết: Xác định vai trò quan trọng của công tác giảm nghèo trong đảm bảo an sinh xã hội, tạo nền tảng bền vững thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hằng năm, UBND xã đều kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã; xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo, hỗ trợ cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ. Xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác giảm nghèo là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các thành viên trong xã hội, đồng thời triển khai kịp thời các chính sách kinh tế - xã hội hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Hằng năm, xã tổ chức rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, qua đó phân tích, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các nhóm đối tượng là do thiếu vốn, bị tàn tật hoặc ốm đau thường xuyên, người già sống đơn thân không có sức lao động. Trên cơ sở đó xã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và triển khai các giải pháp hỗ trợ cụ thể phù hợp đối với từng nhóm đối tượng như: Cho vay vốn sản xuất, cấp thẻ BHYT, miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho trẻ em nghèo, hỗ trợ xây sửa nhà cho hộ nghèo. Những năm qua, hàng trăm lượt hộ nghèo, người nghèo trên địa bàn xã được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước như hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ khó khăn đột xuất, tặng quà nhân dịp lễ, tết… Các đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật đang hưởng trợ cấp hằng tháng đều được cấp thẻ BHYT ngay từ đầu năm. Khi phát sinh đối tượng được hưởng, UBND xã lập danh sách gửi Phòng LĐ-TB và XH huyện đề nghị cấp thẻ BHYT, đảm bảo các đối tượng được cấp thẻ bổ sung kịp thời. Một trong những giải pháp trọng tâm thực hiện trong công tác giảm nghèo của xã là tranh thủ các nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ, nhất là hộ nghèo, cận nghèo do thiếu vốn tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Trong năm 2015, xã có 1.359 lượt hộ được vay vốn, với tổng dư nợ 73 tỷ 620 triệu đồng; trong đó có 561 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ 13 tỷ 54 triệu đồng. Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn xã có 1.297 hộ được vay vốn, với tổng dư nợ trên 76 tỷ đồng; trong đó có 522 lượt hộ nghèo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ 13 tỷ 96 triệu đồng. Các hộ vay đều sử dụng vào mục đích kinh doanh, sản xuất và đa số có lãi, cải thiện kinh tế gia đình. Cùng với việc được vay vốn, các hộ nghèo, cận nghèo còn được quan tâm, hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm; được tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Trong 3 năm qua, xã đã tổ chức 10 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động theo Đề án 1956, gồm 9 lớp dạy nghề may công nghiệp, 1 lớp dạy nghề trồng nấm, mỗi lớp 35 học viên. Đầu năm 2016, xã đã tổ chức 1 lớp đào tạo chăn nuôi lợn cho 35 lao động, chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; phối hợp với Cty TNHH May Nghĩa Hưng DAE YANG tổ chức dạy nghề may công nghiệp cho 150 lao động. Sau khóa học, người lao động đều tìm được việc làm phù hợp, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, hằng năm, các đoàn thể: MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, các con nuôi, giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao… thu hút trên 1.000 lượt người tham gia; trong đó ưu tiên đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ; đồng thời vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, nhất là hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó hằng năm có hàng chục lượt hộ nghèo đã phát triển sản xuất hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Ngoài việc hỗ trợ hộ nghèo, thời gian qua xã Nghĩa Lạc đã phát triển đa dạng các ngành nghề sản xuất CN-TTCN, tạo thêm việc làm cho người lao động. Hiện nay, trên địa bàn xã có 9 cơ sở may gia công và 8 cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, tạo việc làm cho khoảng 200 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Xã còn tạo điều kiện, chính sách thu hút các nhà doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh trên địa bàn xã. Cuối năm 2015, Cty TNHH May Nghĩa Hưng DAE YANG (vốn Hàn Quốc) đã đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng nhà máy may công nghiệp tại xã, với quy mô 1.200 lao động, trên diện tích 2ha. Từ tháng 4-2016, Cty đã đi vào hoạt động, bước đầu đã thu hút trên 600 lao động, trong đó trên 400 lao động là người dân trong xã với mức thu nhập 3-6 triệu đồng/người/tháng.
Từ việc triển khai kịp thời các chế độ, chính sách và triển khai các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, công tác giảm nghèo của Nghĩa Lạc đã đạt được kết quả quan trọng. Các hộ nghèo, cận nghèo đã được tiếp sức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 4,5%, theo tiêu chí đa chiều. Phát huy kết quả đạt được, xã Nghĩa Lạc đang nỗ lực để phấn đấu tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%, với mục tiêu là giảm nghèo mang tính bền vững, hạn chế tái nghèo trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Minh Tân