Công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các sản phẩm được sản xuất theo phương pháp công nghiệp trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường. Đây không chỉ là điều kiện pháp lý cần và đủ để một sản phẩm được lưu thông trên thị trường mà còn là cam kết của nhà sản xuất về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên trong số 5.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở mọi lĩnh vực và hàng nghìn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong các làng nghề truyền thống của tỉnh ta mới chỉ có một số doanh nghiệp sản xuất nhóm hàng đặc trưng theo quy chuẩn quốc gia hoặc có tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ hiện đại là tiến hành xây dựng chất lượng sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế…, còn hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ chưa thực hiện công bố chất lượng và cam kết thực hiện theo tiêu chuẩn cơ sở. Điều này không chỉ cản trở sản phẩm tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại mà còn bất lợi cho sản phẩm khi vướng phải những tranh chấp thương mại trong quá trình tham gia thị trường. Để khắc phục hạn chế này, các ngành chức năng đã nỗ lực hỗ trợ cả về vật chất, tập huấn nâng cao nhận thức và hướng dẫn thủ tục pháp lý cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Chế biến thực phẩm tại Cty CP Đầu tư Nam Phát (TP Nam Định). |
Thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc hiệu chuẩn, thử nghiệm và công bố các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng phù hợp và kiểm soát việc thực hiện tiêu chuẩn chất lượng theo đăng ký, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tập trung tuyên truyền tới các hộ sản xuất, chế biến sản phẩm thuộc danh mục phải công bố chất lượng các quy định của pháp luật về ATVSTP, quyền và lợi ích của việc công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Tổ chức rà soát những cơ sở chưa đăng ký chất lượng sản phẩm để có biện pháp vận động, tuyên truyền, hỗ trợ tài chính. Đồng thời cử cán bộ đến từng cơ sở sản xuất tư vấn kỹ thuật và hướng dẫn quy trình đăng ký, công bố chất lượng sản phẩm. Do đó, từ đầu năm đến nay, đã có hàng trăm doanh nghiệp được các cơ quan chuyên môn tư vấn hỗ trợ đăng ký chất lượng sản phẩm. Trong đó, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TĐC) (Sở KH và CN) đã kiểm tra, hướng dẫn và ra thông báo tiếp nhận 50 hồ sơ của 13 lượt doanh nghiệp thực hiện công bố hợp chuẩn và hợp quy; hướng dẫn 30 doanh nghiệp thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm hàng hóa thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) đã hỗ trợ đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, gia hạn chứng nhận đăng ký tiêu chuẩn chất lượng cho 13 doanh nghiệp với 17 sản phẩm nông, thủy sản dưới dạng bao gói sẵn như nước mắm, mắm tôm, sứa ăn liền, cá khô, rau củ sấy khô, tương ớt, dấm ăn và giò nóng… Đáng chú ý, do làm tốt công tác tuyên truyền nên từ đầu năm 2016 đến nay có nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ cũng đã nhận thức được lợi ích của việc đăng ký chất lượng cho sản phẩm của gia đình và triển khai thực hiện. Trong đó có 16 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình trong các làng nghề truyền thống đăng ký chất lượng cho các sản phẩm dạng mắm. Hầu hết các sản phẩm sau khi được hỗ trợ công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đều mở rộng được kênh tiêu thụ, phân phối với lượng hàng hóa xuất bán ra cao hơn trước. Nhiều sản phẩm sau khi đăng ký chất lượng đã được các doanh nghiệp phân phối hàng hóa lớn đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị trong toàn quốc như sản phẩm nông sản sấy khô của Cty Minh Dương, gạo của Cty TNHH Hương Giang (TP Nam Định), Cty TNHH Toản Xuân (Ý Yên)... Cty CP Đầu tư Nam Phát (TP Nam Định) đã cung ứng ra thị trường các sản phẩm giò, nem chua, giăm bông, chân giò hun khói… từ năm 2011. Trong đó có sản phẩm “giò nóng 7 phút” ngon nổi tiếng nhưng phải đến năm 2015, cơ sở mới thực hiện đăng ký và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Ngay khi đăng ký chất lượng và nhãn hiệu cho sản phẩm, sản lượng hàng hóa tiêu thụ của cơ sở đã tăng lên đáng kể. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, Cty tiêu thụ 7-8 tạ thịt nguyên liệu và cho xuất xưởng trên 30 nghìn sản phẩm các loại cung ứng ra thị trường. Sản phẩm của Cty đã nhanh chóng chinh phục được khẩu vị của người tiêu dùng với hương vị đặc trưng giò gói lá thủ công theo phương pháp truyền thống và có thể luộc nóng, ăn nhanh trong vòng 7 phút. Vừa ngon, lại tiện dụng nên sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường và có mặt hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Anh Trần Văn Vững, Giám đốc Cty cho biết: “Nối nghề kinh doanh đồ ăn sẵn từ thời cha mẹ tôi nên tôi đã nung nấu ý tưởng chế biến những sản phẩm ăn nhanh. Sản phẩm ra đời được khách hàng tín nhiệm nên Cty “mải” lo tổ chức sản xuất, phát triển thị trường mà chưa làm các thủ tục đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng. Khi được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tư vấn các vấn đề liên quan, từ quy định về các chỉ tiêu chất lượng cần công bố đến các hiệu quả của việc đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng cho các sản phẩm Cty mới “giật mình”. Nhất là trong bối cảnh vấn nạn ATVSTP hiện nay, nếu doanh nghiệp không chú trọng điều này có khi tự hại mình. Cty đã khẩn trương tiến hành các công việc cần thiết, đồng thời thực hiện áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và xây dựng chuỗi sản xuất an toàn cho các sản phẩm của Cty”.
Theo số liệu của cơ quan chức năng mặc dù nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp công bố chỉ tiêu chất lượng sản phẩm nhưng đến nay tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện mới chỉ chiếm khoảng 70% tổng số danh mục sản phẩm hàng đóng gói sẵn sản xuất trên địa bàn tỉnh. Do đó, trong thời gian tới bên cạnh việc tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công bố chất lượng sản phẩm, các cơ quan chức năng sẽ phải tăng cường các biện pháp kiểm soát việc công bố chất lượng hàng hóa của các sản phẩm sản xuất trên địa bàn; kiên quyết xử lý các đơn vị cố tình vi phạm quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng nói “không” với sản phẩm nhiều “không”: không tem nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không chỉ tiêu chất lượng và không hướng dẫn sử dụng…
Bài và ảnh: Nguyễn Hương