Cần quan tâm phát triển hậu cần nghề cá

08:10, 07/10/2016

Dịch vụ hậu cần nghề cá là các hoạt động tạo cơ sở đẩy mạnh phát triển khai thác thủy, hải sản đảm bảo an toàn cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất từ khâu đánh bắt đến khâu tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân. Cùng với sự phát triển của các hoạt động khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sự phát triển của các dịch vụ hậu cần nghề cá đang trở thành một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy ngành kinh tế thủy sản phát triển vững mạnh.

Bảo quản hải sản bằng đá xay đảm bảo chất lượng tại tàu của anh Phạm Văn Quyến, xã Hải Chính (Hải Hậu).
Bảo quản hải sản bằng đá xay đảm bảo chất lượng tại tàu của anh Phạm Văn Quyến, xã Hải Chính (Hải Hậu).

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đội tàu công suất lớn, các dịch vụ hậu cần nghề cá như thu mua hải sản trên biển, dịch vụ sửa chữa, đóng tàu và thu mua, chế biến trên bờ từng bước được đầu tư mạnh mẽ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác và yên tâm bám biển. UBND tỉnh và Sở NN và PTNT tiếp tục khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cụm kho, cơ sở chế biến hải sản, sản xuất nước đá, cung cấp nước ngọt, xăng dầu, sửa chữa tàu thuyền… Bên cạnh đó, các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão được đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, hậu cần dịch vụ, đã tạo thuận lợi cho việc khai thác, chế biến và phòng, tránh trú bão cho tàu thuyền trong những năm tới. Cảng cá Ninh Cơ được đầu tư trạm điện công suất lớn, hệ thống cung cấp nước ngọt… đáp ứng nhu cầu của bà con ngư dân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh ta còn 5 bến cá được phân bổ tại 3 huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng đã cung ứng kịp thời nhiên liệu, các nhu yếu phẩm cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ, đảm bảo kéo dài thời gian hoạt động trên biển, giảm chi phí sản xuất do không phải đi về nhiều. Ngoài việc xây dựng các cảng cá, bến cá, ngành cơ khí đóng tàu, nâng cấp, sửa chữa tàu cũng góp phần làm dịch vụ nghề cá ngày càng phát triển. Ở huyện Giao Thủy có 4 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ đảm bảo năng lực đóng mới từ 30-50 tàu cá/năm đã được kiểm tra thẩm định và công bố đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá vỏ gỗ. Đây là các cơ sở đóng tàu truyền thống theo mẫu dân gian, lắp máy từ 200CV-450CV. Ngoài ra, toàn tỉnh có 15 cơ sở kinh doanh ngư cụ đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và 12 cơ sở sản xuất nước đá. Toàn tỉnh hiện có 1.994 tàu thuyền khai thác hải sản nên nhu cầu sửa ngư lưới cụ rất lớn. Trò chuyện với chúng tôi, tay chị Phạm Thị Đào, xã Hải Xuân (Hải Hậu) vẫn thoăn thoắt đưa những mũi khâu vá lưới. Chị cho biết: “Vá lưới là công việc hằng ngày của chúng tôi. Công việc này không đòi hỏi kỹ thuật cầu kỹ, làm lâu rồi sẽ thành quen, nhưng quan trọng phải tỉ mỉ và kiên nhẫn mới có kết quả tốt. Tranh thủ những khi nông nhàn chúng tôi làm thêm việc vá lưới để kiếm thêm thu nhập. Trung bình mỗi tháng tôi thu nhập được từ 2 đến 3 triệu đồng từ việc vá lưới”. Ngoài cung cấp nhiên liệu, thức ăn, đá lạnh ngay trên cảng biển thì phát triển thu mua, chế biến hải sản cũng góp phần giúp ngư dân bám biển dài lâu. Gặp gỡ anh Phạm Văn Quyến, xã Hải Chính (Hải Hậu), chủ của tàu khai thác xa bờ với công suất 1.250. Tàu của anh vừa cập cảng với mẻ cá bội thu. Anh cho biết, tàu của anh mỗi lần ra khơi, kho lạnh trên tàu lúc nào cũng đầy ắp 10 đến 20 tấn đá để bảo quản hải sản. Đá được gia đình anh trực tiếp làm hoặc được mua thêm từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đá trên địa bàn. Đây là nguyên liệu không thể thiếu trong mỗi chuyến ra khơi để bảo quản cá tươi ngon. Ngoài đá lạnh thì dầu cũng là thứ thiết yếu. Hiện có cả tàu chở dầu ra tiếp cho tàu cá trên biển để tàu không phải đi về nhiều tiếp nhiên liệu, tiết kiệm thời gian và chi phí. Bình quân mỗi chuyến đánh bắt xa bờ kéo dài từ 1 tuần đến 10 ngày, tùy công suất mỗi tàu sẽ cần từ 600-1.000 lít dầu. Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình, tạo đa dạng ngành nghề cho các địa phương vùng ven biển.

Tuy nhiên những kết quả đã đạt được trong phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như mục tiêu lâu dài của ngành kinh tế biển. Việc đầu tư các cảng cá vẫn chưa đồng bộ nên khả năng cung cấp các dịch vụ hậu cần cho số lượng tàu cá hiện có trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các cảng cá nằm ở vị trí cửa sông đổ ra biển, khí hậu biến đổi thất thường, tình trạng bồi lấp cửa biển diễn ra thường xuyên. Nhiều chợ cá, bến cá nhỏ chưa được quy hoạch chi tiết nên ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Để khắc phục những khó khăn trên cần có chiến lược đầu tư dài hơi, thu hút những nguồn lực đủ mạnh để đầu tư đồng bộ các công trình cảng cá, khu neo đậu tránh bão cho các tàu cá và các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng.

Để tiếp tục phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo chú trọng phát triển các đội tàu dịch vụ trên biển, khuyến khích các thành phần tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển sản phẩm thủy sản khai thác vào bờ và cung cấp nhiên liệu, lương thực, nước đá, các nhu yếu phẩm khác để tăng thời gian khai thác trên biển, giảm thời gian đi về cho các tàu khai thác thủy sản xa bờ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế biển để người dân yên tâm vươn khơi bám biển./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com