Cần các giải pháp đồng bộ để khai thác hiệu quả vùng bãi ven sông

08:08, 27/08/2016

Trên địa bàn tỉnh có 31 bối với tổng diện tích tự nhiên trên 5.000ha, trong đó có 3.300ha đất canh tác ngoài bãi. Các địa phương có vùng đất bãi đã có cách làm hiệu quả để khai thác lợi thế đất đai màu mỡ đạt giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện cuộc sống người dân.

Đi dọc trên đê sông Đào, chúng tôi chứng kiến không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân xã Tân Thành (Vụ Bản) trên các đồng bãi, ai nấy đều đang tất bật, nhanh tay hái rau xanh để kịp cho thương lái đến thu mua. Với truyền thống thâm canh cây rau màu, những năm qua, nông dân Tân Thành đã khai thác tối đa diện tích đất bãi ven sông trồng rau màu. Có hơn 1 sào đất màu bãi, mùa nào rau ấy, gia đình chị Vũ Thị Thu luân phiên canh tác các loại rau xanh như: xà lách, cải hoa, cải canh, rau diếp... Chị Thu cho biết: Để trồng rau quanh năm, tôi đã cải tạo vườn tạp tự ươm rau giống. Cứ lứa này đủ ngày đánh ra ruộng màu ngoài bãi lại tiếp tục gieo hạt rau giống, chuẩn bị cho vụ kế tiếp. Nhờ biết tận dụng quỹ đất, lách thời vụ nên ngày nào gia đình tôi cũng có rau để bán, thu nhập bình quân 300 nghìn đồng/ngày. Hiện các hộ nông dân Tân Thành gieo trồng luân canh một năm từ 5-8 vụ rau màu với các loại cây chủ lực như đỗ xanh, vừng, su hào, cải bắp, súp lơ… và các loại rau ngắn ngày cho thu hoạch nhanh để tránh bị ngập úng như: rau xà lách, rau diếp, rau cải các loại, rau ngải cứu… Việc luân canh, gối vụ này là kinh nghiệm trồng màu lâu năm được đúc kết cùng với trình độ thâm canh cao của nông dân nơi đây. Công thức luân canh phổ biến của nông dân vùng đất bãi ven sông ở Tân Thành là: Tháng 3 trồng đỗ xanh, tra vừng; đến tháng 6, tháng 7 thu hoạch đỗ xanh, vừng và trồng rau cải các loại như: cải thìa, cải ngồng, cải canh…; sau trồng cải 2 tháng thì thu hoạch và trồng các loại cây su hào, súp lơ, súp lơ xanh, xà lách… để đón Tết Nguyên đán. Bên cạnh công thức luân canh, cũng có nhiều hộ dân lại trồng chuyên canh các loại rau ngắn ngày. Nhờ tăng hệ số quay vòng sử dụng đất nên giá trị thu nhập của 1ha đất bãi Tân Thành đạt 150-200 triệu đồng/năm. Xã Yên Hưng (Ý Yên) có một phần diện tích ven sông Đáy chỉ cấy được một vụ lúa xuân. Đồng chí Nguyễn Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã cho biết: Yên Hưng đã quy hoạch chuyển đổi diện tích đất thùng đào, thùng đấu ven đê sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại và mô hình lúa - cá. Hiện nay, có gần 100 hộ tham gia sản xuất tại vùng chuyển đổi. Nhiều hộ đã tổ chức nuôi thả thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả tạo thành các trang trại, gia trại tổng hợp xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường, thuận lợi trong việc kiểm soát vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh. Nhiều cây trồng, vật nuôi mới như: cam Đường Canh, thanh long ruột đỏ, cá rô phi đơn tính, cá lăng… được các hộ vùng chuyển đổi đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình lúa - cá cho thu nhập gấp chục lần so với cấy 2 vụ lúa cũng đang được nông dân nhân rộng. Hiện thu nhập bình quân từ vùng chuyển đổi ven sông Đáy ở Yên Hưng đạt 80-100 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm cho trên 200 lao động địa phương, góp phần tạo nên sự chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Từ năm 2015, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) đã tích tụ 140ha vùng đất bãi Hành Thiện ven sông Hồng và cho Tập đoàn Vingroup thuê để thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao. Đây vốn là vùng đất sản xuất không hiệu quả, nhiều diện tích còn bỏ hoang. Dự án tạo cơ hội để người dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là nền tảng để tích cực tạo chuyển biến về sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, giải quyết tình trạng lãng phí đất đai, tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh và huyện. Bên cạnh đó, Xuân Hồng sẽ có cơ hội được đầu tư lớn phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông, xây dựng có tác dụng thúc đẩy dịch vụ - thương mại của địa phương và khu vực...

Nông dân xã Yên Hưng (Ý Yên) trồng cam Đường Canh cho hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân xã Yên Hưng (Ý Yên) trồng cam Đường Canh cho hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các vùng đất bãi của tỉnh phát triển mạnh. Đã hình thành những khu vực chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa lớn như: vùng trồng cây dược liệu tại xã Hoàng Nam, Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng); vùng trồng cây cảnh ở xã Điền Xá (Nam Trực); vùng sản xuất rau màu ở các xã Tân Thành, Thành Lợi (Vụ Bản), Trực Chính (Trực Ninh); vùng trồng hoa ở xã Nam Phong (TP Nam Định), Mỹ Tân (Mỹ Lộc)... Những diện tích đất bãi ngoài bối, nông dân đã chủ động bố trí gieo trồng sớm để đảm bảo thu hoạch trước mùa lũ, các cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày có năng suất và giá trị kinh tế cao như: ngô, đậu tương, lạc, các loại rau ăn lá… Ở những nơi có địa hình cao, các cây ăn quả, cây dược liệu… tiếp tục được mở rộng diện tích sản xuất. Do có nguồn thức ăn xanh như bãi cỏ, phụ phẩm nông nghiệp và nguồn thức ăn tinh phong phú, cùng với điều kiện về bãi chăn thả nên chăn nuôi trâu bò đang trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế của nhiều hộ nông dân vùng bãi ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Xuân Trường, Nghĩa Hưng. Ngoài ra các trang trại, gia trại nuôi lợn, gà, thủy cầm đang có xu hướng phát triển tại các xã Yên Nhân, Yên Trị (Ý Yên), Tân Khánh (Vụ Bản)... Nhờ nguồn nước sạch từ các con sông lớn, các xã Trực Chính, Trực Mỹ (Trực Ninh), Nghĩa An (Nam Trực), Xuân Hòa, Xuân Vinh (Xuân Trường)... phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng đất thùng đào, thùng đấu bãi trũng ven sông. Ở đây, ngoài các giống cá nước ngọt thông thường, nông dân đã nuôi rộng rãi các giống cá lóc bông, rô phi đơn tính, cá lăng chấm… cho hiệu quả kinh tế cao. Một số xã ven đê ở huyện Xuân Trường có diện tích đất bãi canh tác không hiệu quả đã tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các trang trại tổng hợp.

Mặc dù đã đạt được những kết quả rất khích lệ song việc khai thác hiệu quả ở nhiều vùng đất bãi hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra không đồng đều giữa các vùng, địa phương. Hiệu quả sử dụng đất bãi vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu, đặc biệt hệ thống thủy lợi chưa được quan tâm đầu tư một cách bài bản. Nhiều vùng sản xuất và đời sống của nông dân thất thường do chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ theo mùa. Chất lượng, khối lượng nông sản chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Sự kết hợp giữa người sản xuất và nhà phân phối, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, chưa tổ chức được việc ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Để khai thác hiệu quả vùng đất bãi ven sông, các cấp, ngành và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ nông dân vùng đất bãi phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, chuyên canh trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản, trồng cỏ chăn nuôi, xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn, hàng hóa tập trung; kết hợp xây dựng các điểm nông nghiệp phục vụ du lịch sinh thái... Những vùng có điều kiện về thị trường, nông dân có kinh nghiệm sản xuất, cần phát triển các cây có giá trị, hiệu quả kinh tế cao như: cây dược liệu, rau an toàn… Đầu tư phát triển một cách căn bản về hạ tầng kỹ thuật giao thông, thủy lợi, điện lưới… đáp ứng các yêu cầu đặc thù vùng bãi ven sông chịu tác động của mưa lũ ngập úng. Kêu gọi, khuyến khích, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư để có nguồn lực đầu tư lớn đủ khả năng khai thác các tiềm năng vùng bãi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com