Tỉnh ta là một trong những tỉnh sản xuất lúa gạo lớn của đồng bằng sông Hồng. Hằng năm, diện tích gieo cấy lúa ổn định ở con số trên 150 nghìn ha, sản lượng lúa hàng hóa trên 930 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, công tác tiêu thụ mặt hàng nông sản chủ lực này của tỉnh còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020, tỉnh tập trung khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các HTX, hộ nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định bền vững thông qua các mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết theo chuỗi…, vận động nông dân cùng các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong vụ xuân năm 2016, Cty TNHH Toản Xuân hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ 183ha lúa BT7 tại một số địa phương của các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Nam Trực, Hải Hậu, Xuân Trường và Vụ Bản. Đến cuối vụ, Cty đã thu mua được 800 tấn thóc với giá 8.100 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá thị trường tại thời điểm thu mua (6.800 đồng/kg) nên bà con tham gia hợp đồng rất phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Quyền, xã viên HTXNN Nam Thành, xã Đồng Sơn (Nam Trực) là một trong những nông dân tham gia mô hình cho biết: Sản xuất lúa theo hợp đồng liên kết này mang lại nhiều hiệu quả. Ngoài việc chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đều thấp hơn trước đây rất nhiều, mô hình còn góp phần bảo vệ môi trường, nông dân được nâng cao trình độ canh tác. Ngoài ra, do đã ký hợp đồng với Cty nên lúa của gia đình ông Quyền thu hoạch đưa lên bờ là Cty đến thu mua luôn. “Bây giờ máy móc thay thế hết sức người rồi, doanh nghiệp cũng đến tận ruộng thu mua lúa tươi nên nông dân chúng tôi nhàn quá, không phải lo gặt, lo phơi mà canh cánh ngóng thời tiết chỉ sợ đến vụ gặt lại mưa gió nữa” - Ông Quyền cho biết thêm. Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Cty TNHH Toản Xuân cho biết: Hiện nay, Cty đã hoàn thành việc xây dựng dây chuyền chế biến lúa gạo với công suất 250 tấn/ngày tại xã Yên Lương (Ý Yên). Sau khi thu mua Cty sẽ đưa về chế biến, đóng gói và tổ chức kết hợp 2 hệ thống phân phối là phân phối thương mại điện tử và bán hàng truyền thống để tiêu thụ sản phẩm. Từ kinh nghiệm của vụ xuân, vụ mùa năm 2016 Cty tiếp tục hợp đồng liên kết chuỗi sản xuất lúa gạo với 17 HTX với quy mô hơn 150ha lúa BT7. Các HTX, hộ sản xuất tổ chức canh tác đồng bộ, tập trung theo thỏa thuận đã ký kết thống nhất; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP do Sở NN và PTNT xây dựng; sử dụng thuốc BVTV trong danh mục Bộ NN và PTNT cho phép để Cty xây dựng thương hiệu lúa gạo Nam Định chất lượng cao, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các tiêu chí an toàn thực phẩm, chất lượng cạnh tranh và chuỗi phân phối tới tận tay người tiêu dùng. Qua mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo giữa Cty TNHH Toản Xuân với một số địa phương trong tỉnh, vai trò và lợi ích của “4 nhà” tham gia chuỗi được nâng lên đáng kể. Nhà nông không phải lo thiếu vốn đầu tư ban đầu cho sản xuất, được chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ, được cung cấp vật tư nông nghiệp có chất lượng và được bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, họ yên tâm và mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh. Doanh nghiệp vừa phát triển kinh doanh tiêu thụ vật tư nông nghiệp như giống lúa, phân bón, thuốc BVTV, lại có nguồn nông sản nguyên liệu ổn định, chủ động trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ và nâng cao vai trò quản lý. Nhà khoa học có động lực và mục tiêu nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và chế biến lúa gạo, từng bước đưa nông dân vào tiến trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Đây được đánh giá là một trong những mô hình liên kết có tính bền vững, khả thi cao, là tiền đề để tỉnh nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo ra các địa phương khác trong các vụ sau.
Nông dân xã Nam Cường (Nam Trực) khắc phục thiệt hại lúa mùa sau bão số 1. |
Trước đó trong các năm 2014-2015 trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao như: Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) với Cty An Việt (Hà Nội); Tổng Cty Lương thực Miền Bắc với các HTXNN Nam Thành, Mỹ Hà, Vĩnh Hào; Cty CP Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình với một số HTX của Ý Yên và Vụ Bản… nhưng chưa thật sự bền vững, đến nay không còn duy trì. Nguyên nhân do công tác chuẩn bị của doanh nghiệp còn yếu về nhân lực, máy móc chưa tốt, năng lực sấy sản phẩm hạn chế; kế hoạch thu mua chưa sát với thực tế, cơ chế thu mua thiếu linh hoạt nên không tạo được sức hấp dẫn và sự gắn bó của nông dân. Theo đánh giá của ngành NN và PTNT việc xây dựng, mở rộng các liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền và nhận thức về vai trò của từng “nhà” trong chuỗi liên kết còn hạn chế. Nhà nước (chính quyền, các ngành liên quan) chưa quyết liệt “vào cuộc” tổ chức, hỗ trợ liên kết và chưa xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp để xâu chuỗi, gắn kết các nhà. Các hình thức tổ chức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh phát triển chậm. Tổ chức sản xuất nông nghiệp ở tỉnh chủ yếu dưới hình thức hộ cá thể, quy mô diện tích đất canh tác nhỏ và phân tán, đây là một trong những khó khăn khi tổ chức mô hình liên kết “4 nhà” và phát huy vai trò của từng nhà. Tuy đã đạt những kết quả đáng ghi nhận nhưng việc tiêu thụ lúa hàng hóa của nông dân theo phương thức “gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ”, hay còn gọi là “liên kết theo chuỗi giá trị” còn chưa tương xứng với diện tích và sản lượng lúa của tỉnh. Trong các năm qua, đại đa số sản lượng lúa được nông dân tiêu thụ kiểu “tự sản tự tiêu”, và chủ yếu qua tư thương, chỉ một số ít sản lượng được các doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của nông dân thực hiện thu mua thông qua hình thức hợp đồng liên kết từ đầu vụ. Tại huyện Nam Trực để thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện xác định việc tổ chức các liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ hàng đầu trong việc nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Huyện tích cực kêu gọi các doanh nghiệp vào liên kết tiêu thụ lúa, cây khoai tây, cây dược liệu… cho nông dân. Trong sản xuất lúa gạo, huyện đã xây dựng mô hình liên kết với Tổng Cty Lương thực Miền Bắc và Cty Toản Xuân tại HTXNN Nam Thành, xã Đồng Sơn. Tuy nhiên từ năm 2014 đến nay, huyện chưa phát triển, nhân rộng liên kết được ra các địa phương khác. Theo đồng chí Vũ Văn Thắng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện thì nguyên nhân là do nhận thức của chính quyền các địa phương còn hạn chế trong việc tổ chức các liên kết sản xuất lúa gạo nên chưa tích cực chỉ đạo và “xắn tay” vào cuộc. Diện tích canh tác manh mún, trình độ kỹ thuật của nông dân cũng là rào cản cho việc mở rộng các liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.
Mặc dù áp lực đầu ra cho lúa gạo của tỉnh không lớn, nhưng việc liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo đồng nghĩa với nâng cao giá trị, hiệu quả lao động của người nông dân, tăng giá trị kinh tế của việc khai thác sử dụng tài nguyên đất, ngoài ý nghĩa bảo đảm an ninh lương thực vẫn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Do vậy để tăng cường liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trong thời gian tới các cấp chính quyền và các ngành liên quan cần tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức hiệu quả, thiết thực để nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc liên kết “4 nhà”. Quyết tâm khắc phục những rào cản liên kết hiện nay; có cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Tăng cường củng cố các tổ chức hợp tác trong nông nghiệp hiện có, hình thành các HTXNN kiểu mới. Đẩy mạnh thuê gom, tích tụ ruộng đất tạo thuận lợi cho sản xuất hàng hóa lớn để phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh