Cấp giấy phép xây dựng (GPXD) là một trong những biện pháp để cơ quan chức năng quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn bảo đảm đúng quy hoạch, an toàn công trình và trật tự xây dựng… Đây là thủ tục hành chính cần cải cách để vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi đáp ứng tốt nhu cầu về xây dựng nhà ở của người dân.
Xây dựng nhà ở dân dụng tại Khu đô thị mới Đông Đông Mạc (TP Nam Định). |
Thời gian qua, Sở Xây dựng đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiến hành cải cách thủ tục hành chính, xây dựng kế hoạch rà soát các quy định thủ tục hành chính năm 2016 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tổ chức triển khai kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính tại các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở; công khai, minh bạch đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày 7-2-2014 của Bộ Tư pháp. Hiện nay, tại Trung tâm hành chính một cửa Sở Xây dựng đã thực hiện niêm yết công khai 46 thủ tục hành chính. Tính đến hết tháng 6-2016, Sở Xây dựng đã cấp GPXD cho 46 công trình trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là các loại công trình tôn giáo, công trình dân dụng, trạm viễn thông, các công trình công nghiệp, biển quảng cáo, cửa hàng kinh doanh xăng dầu… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác này, mặc dù đã có nghị định mới hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng song vẫn gặp nhiều vướng mắc. Theo Sở Xây dựng, hiện tại, một số quy định về cấp phép xây dựng trong mục 4, chương III của Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18-6-2015 của Chính phủ chưa sát với thực tế, chưa giải quyết triệt để những vướng mắc tồn tại từ Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp phép xây dựng trước đây. Cụ thể, về điều kiện cấp GPXD đối với công trình trong đô thị, nghị định yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn. Đây là điểm khó thực hiện ở một số địa phương. Bởi, trên địa bàn tỉnh ta, hiện nay ngoại trừ Thành phố Nam Định còn các địa phương khác đều chưa hoàn thiện quy hoạch chi tiết các đô thị tỷ lệ 1/500 và chưa có đầy đủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Hầu hết các xã, thị trấn mới chỉ hoàn thiện quy hoạch các trục đường chính, các điểm dân cư NTM; tại các khu vực khác còn thiếu các quy hoạch này dẫn đến việc triển khai cấp phép xây dựng nhà ở nông thôn chưa được thực hiện nghiêm. Để tháo gỡ tình trạng này, cơ quan chức năng đưa ra giải pháp tình thế là có thể “thỏa thuận về quy hoạch, kiến trúc đối với từng công trình nhà ở”, dễ nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu. Thêm nữa, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện ở một số địa phương rất chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Một số vấn đề khác là quy định về bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ xin cấp phép không rõ ràng cũng gây khó cho cả người dân và cơ quan chức năng. Bản vẽ thiết kế là để cơ quan chức năng thẩm định tính an toàn của chính công trình đó và các công trình xung quanh, đặc biệt đối với nhà ở riêng lẻ từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng diện tích sàn xây dựng từ 250m2 trở lên. Do vậy các bản vẽ phải có đầy đủ bản vẽ mặt bằng, vị trí công trình, bản vẽ các mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt chủ yếu của công trình, bản vẽ mặt bằng móng, mặt cắt móng, kết cấu chịu lực chính. Thực tế cấp phép cho thấy có khoảng 70% hồ sơ bị yêu cầu điều chỉnh bản vẽ xin phép xây dựng do bản vẽ không đầy đủ các nội dung. Ngoài ra, các thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định mới liên quan đến nhiều sở, phòng, ban chuyên ngành khác nhau hiện vẫn chưa liên thông thủ tục hành chính được khiến thời gian xin cấp phép xây dựng bị kéo dài, nhất là đối với các công trình tôn giáo. Chẳng hạn riêng thời gian để thực hiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy theo quy định là 30 ngày và người xin cấp phép (doanh nghiệp cũng như người dân) phải thực hiện thủ công tại cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Thêm vào đó, hầu hết các địa phương đều lúng túng do Nghị định 59/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng có hiệu lực thi hành từ 5-8-2015, tuy nhiên đến nay Thông tư hướng dẫn về cấp phép xây dựng vẫn chưa ban hành nên gây khó khăn cho cơ quan quản lý hướng dẫn các biểu mẫu, đơn xin cấp phép xây dựng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Nhằm giải quyết những vướng mắc trên, Sở Xây dựng đã có văn bản kiến nghị với Bộ Xây dựng khi ban hành thông tư mới cần đơn giản hóa quy định về bản vẽ, chỉ yêu cầu một số bản vẽ chính như mặt bằng, mặt cắt chính, mặt đứng để giải quyết khó khăn về hồ sơ cấp phép xây dựng. Quy định kèm theo bản vẽ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của khu vực có dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tháo gỡ vướng mắc do quy định nhà ở, dự án phải phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Bộ Xây dựng cần tiếp tục phân cấp cho Sở Xây dựng trong việc thẩm định thiết kế dự án, công trình cao trên 23 tầng để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, Sở đã tham mưu ban hành 38 thủ tục hành chính mới, trong đó lĩnh vực quản lý kiến trúc quy hoạch có 17 thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị, công trình không theo tuyến, công trình tôn giáo, tín ngưỡng; trạm BTS. Bộ Xây dựng cần phối hợp với các Bộ: Công an, TN và MT lồng ghép thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng nhằm tạo thống nhất thủ tục hành chính liên thông một cửa theo tinh thần Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Liên Bộ Xây dựng và Bộ TN và MT cần sớm quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai phục vụ hoạt động cấp phép xây dựng bảo đảm thuận tiện, nhanh chóng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn