Doanh nghiệp dệt may Nam Định với bài toán "nút thắt nguyên liệu"

06:07, 16/07/2016

Theo báo cáo của Sở Công thương, dệt may là ngành truyền thống của tỉnh ta, chiếm gần 40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp với 230 doanh nghiệp, gần 6.000 cơ sở sản xuất. Trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may chiếm tỷ lệ gần 85% trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, các sản phẩm nguyên liệu ngành Dệt may tỉnh ta mới chỉ sản xuất được khoảng 30% nguyên liệu dệt may, còn 70% phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu; trong số nguyên liệu nhập khẩu có tới 90% nguyên liệu phải nhập từ một thị trường Trung Quốc. Việc phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên liệu đã khiến các doanh nghiệp dệt may của tỉnh khó tạo thế chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt khi Việt Nam đã ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA), như FTA thế hệ mới giữa Việt Nam - EU (VEFTA); Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Liên minh Kinh tế ASEAN (AEC), các doanh nghiệp dệt may cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng có cơ hội được hưởng nhiều ưu đãi, trong đó ưu đãi thuế suất 0% khi xuất hàng vào các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… Thực tế này đã gây ra nhiều trở ngại cho ngành Dệt may của cả nước cũng như tỉnh ta bởi phân khúc sợi, dệt, nhuộm đang là “nút thắt nguyên liệu” của toàn ngành.

Sản xuất nguyên liệu ngành Dệt may tại Nhà máy Sợi, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định.
Sản xuất nguyên liệu ngành Dệt may tại Nhà máy Sợi,
Tổng Cty CP Dệt may Nam Định.

Để giải bài toán “nút thắt nguyên liệu”, những năm gần đây, tỉnh ta đã chủ động quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN Hòa Xá, Bảo Minh… để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất nguyên liệu dệt may theo hướng bền vững. Đặc biệt, với định hướng xây dựng một khu liên hợp dệt may công nghệ cao khép kín từ sản xuất sợi, dệt, nhuộm, nguyên phụ liệu ngành may đến hoàn tất sản phẩm tỉnh ta có chủ trương và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào dự án đầu tư KCN Dệt may Rạng Đông quy mô 600ha vào quy hoạch các KCN. UBND tỉnh đã giao cho Cty CP Vinatex làm chủ đầu tư và đã tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp. Dự kiến, đến quý IV năm 2016 sẽ tiếp nhận các nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy trên diện tích 300ha giai đoạn I, phấn đấu năm 2017 các nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động từng bước tạo nên một trung tâm công nghiệp dệt may sôi động. KCN Dệt may Rạng Đông nằm giữa hai con sông lớn là sông Đáy và sông Ninh Cơ với nguồn nước dồi dào thuận lợi cho việc xây dựng nhà máy cung cấp nước phục vụ cho các nhà máy dệt, nhuộm; khi lấp đầy sẽ có 500 doanh nghiệp hoạt động, dự kiến sẽ sản xuất khoảng 1 tỷ mét vải cùng 150 triệu sản phẩm may mặc/năm. UBND tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành chức năng khuyến khích, tạo điều kiện tối đa về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo lao động, thông tin thị trường và các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp dệt may chuyển dịch phương thức sản xuất từ cắt may gia công (CMT) sang sản xuất trọn gói (FOB), tiến tới sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM). Với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, Cty CP Dệt lụa Nam Định đã đầu tư nhà máy Nhuộm tại KCN Hòa Xá, chính thức vận hành đầu năm 2015, đạt công suất nhuộm 7 triệu mét vải và 100 tấn sợi mỗi năm. Cùng với các dây chuyền: kéo sợi TC công suất 1.000 tấn/năm; kéo sợi len công suất 1.000 tấn/năm; 80 máy dệt Picanol hiện đại công suất 6 triệu mét vải/năm; se sợi công suất 1.000 tấn/năm. Ngoài sản phẩm truyền thống là lụa tơ tằm thiên nhiên với sản lượng 300 nghìn mét/năm, Cty CP Dệt lụa Nam Định còn mở rộng sản xuất các sản phẩm phụ trợ khác là: sợi Pe/Co và cotton các loại chi số trung bình là Ne32; vải tuytsilen, PE/CO, cotton và petex… Cùng với Cty CP Dệt lụa Nam Định, nhiều doanh nghiệp dệt may của tỉnh ta cũng đã tích cực tham gia phát triển sản xuất nguyên liệu phục vụ công nghiệp như: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định sản xuất được nhiều loại sợi, vải, dệt khăn từ sợi bông; Cty CP Dệt may Sơn Nam sản xuất được các nguyên liệu: sợi xe, sợi cọc, sợi OE; Cty CP Thủy Bình đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm sợi len từ nguyên liệu xơ… Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đầu tư 465 tỷ đồng xây dựng với quy mô 3 vạn cọc sợi, sản lượng 4.770 tấn/năm (Ne30), được trang bị dây chuyền tiên tiến và hiện đại. Nhà máy sẽ đạt công suất tối đa vào tháng 12-2016 khi lắp đặt và đưa vào vận hành 6 máy sợi con (hiện mới có 12/18 máy sợi con đang vận hành). Bên cạnh các doanh nghiệp trong nước, tại KCN Bảo Minh cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia sản xuất nguyên liệu ngành Dệt may như: Cty TNHH Sunrise Spinning đầu tư gần 19 triệu USD xây dựng nhà máy kéo sợi, công suất 3.207 tấn/năm; Cty CP Dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise đã hoàn thành xây dựng, đưa vào sản xuất chuỗi nhà máy dệt nhuộm có công suất 3.600 tấn vải dệt kim và 18 triệu mét vải dệt thoi mỗi năm. Cty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) công suất sản xuất sợi 9.816 tấn/năm; dệt 21,6 triệu mét/năm; nhuộm 24 triệu mét/năm.

Để giải bài toán “nút thắt nguyên liệu” bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư sản xuất đồng bộ từ nguyên phụ liệu (sợi, vải) đến sản xuất (dệt, nhuộm, may), ngành Công thương còn chỉ đạo các doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó, chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu chuyên nghiệp của khối doanh nghiệp gia công trên thị trường. Theo đồng chí Đoàn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty CP May Nam Hà, để gỡ thế bí phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp gia công phải thật sự chuyên nghiệp. Cty đã tập trung đầu tư đổi mới, nâng cao công nghệ sản xuất và các thiết bị hiện đại theo hướng chuyên sâu; thường xuyên nâng cao tay nghề cho người lao động, thực hành tốt các công cụ quản lý: TPM (bảo trì năng suất toàn diện), Lean (sản xuất tinh gọn hay sản xuất tiết kiệm), 5S, ISO 9001:2008; hệ thống quản lý doanh nghiệp Pass 99 là hệ thống quản trị doanh nghiệp tích hợp các tiêu chuẩn: chất lượng - môi trường và trách nhiệm xã hội với các mục tiêu: năng suất - chất lượng - hiệu quả; kiểm tra chặt chẽ chất lượng các yếu tố đầu vào; tuân thủ đúng quy trình quản lý chất lượng trước, trong và sau khi sản xuất; đảm bảo thời gian giao hàng theo hợp đồng; cải thiện điều kiện làm việc, có chế độ khen thưởng kịp thời để khuyến khích giữ chân lao động giỏi, khích lệ nâng cao năng suất; tạo mối quan hệ thân thiện với các khách hàng. Nhờ đó, dù chưa có đủ tiềm lực để tự sản xuất nguyên liệu nhưng Cty vẫn khẳng định được vị thế trên thị trường xuất khẩu, là đối tác tin cậy của nhiều thương hiệu, tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới: WallMart, Target, GAP Inc, Kohl’s, Costco, Sears Hollding, Perry Ellis, JC Penney, Columbia, Avenue, Roxy, Quiksilver, K’Mart… 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của Cty đã đạt trên 60 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ, tạo việc làm cho trên 600 lao động. Không chỉ ở Cty CP May Nam Hà, trên địa bàn toàn tỉnh còn có nhiều doanh nghiệp dệt may khác như: Cty CP May Nam Định, Cty CP Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy, Cty CP May 9… cũng áp dụng các biện pháp đồng bộ, lấy năng suất, chất lượng để tạo dựng chữ tín và cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước, giảm bớt áp lực về nguồn nguyên liệu sản xuất. Nỗ lực của các doanh nghiệp dệt may đã góp phần quan trọng nâng giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 20.642,8 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Việc đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị (từ các khâu sản xuất nguyên liệu, thiết kế, gia công sản phẩm…), áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã được khẳng định là những biện pháp hiệu quả để các doanh nghiệp dệt may Nam Định giải bài toán “nút thắt nguyên liệu”./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com