Hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản ở Vườn quốc gia Xuân Thủy

08:06, 14/06/2016

Là vùng đất ngập nước đầu tiên của Việt Nam tham gia công ước Ramsar vào năm 1989, Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy đã từng bước được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa với nhu cầu sinh kế của cộng đồng dân cư. Một loạt dự án đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai từ hơn 10 năm nay đã tạo nên một hệ thống công trình hạ tầng, dịch vụ từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý bảo tồn, khai thác VQG. Các công trình đã không chỉ hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học mà còn tạo tiền đề cho việc phát triển hoạt động du lịch sinh thái tại đây. Từ chỗ là một đơn vị khó khăn, ít người biết đến, ngoài các cơ quan, người hoạt động nghiên cứu khoa học, đến nay, VQG Xuân Thủy đã có vị thế vững vàng trong hệ thống các VQG và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Ngoài việc thực hiện tốt các chức năng cơ bản của một VQG, Xuân Thủy còn vươn lên thực hiện tốt các nghĩa vụ quốc tế của một khu Ramsar và vùng lõi quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Kiểm tra sự sinh trưởng của cây giống tại VQG Xuân Thủy. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Kiểm tra sự sinh trưởng của cây giống tại VQG Xuân Thủy.
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Viết Cách, Giám đốc VQG Xuân Thuỷ cho biết: Trước kia chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng đơn vị rất vất vả trong công tác quản lý. Lực lượng cán bộ mỏng chỉ có 8 người, cơ sở vật chất sơ sài, thiếu thốn đủ thứ khiến VQG không phát triển được các mối quan hệ hợp tác phục vụ công tác quảng bá, khai thác phát huy tiềm năng kinh tế của VQG. Giao thông thuỷ bộ đều kém, chủ yếu là hệ thống đường tạm chạy qua nền đầm lầy, đặc biệt là mùa mưa xe cơ giới đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Điện lưới mới chỉ tới khu dân cư tập trung chứ chưa kéo ra khu cồn Ngạn, các đầm tôm đều phải dùng máy phát. Hệ thống thông tin liên lạc còn nhiều bất cập, điện thoại viba thường xuyên trục trặc, hệ thống internet chưa được trang bị… Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch tham quan khám phá VQG còn rất đơn sơ (như phòng thông tin, nhà nghỉ, nhà ăn tại trụ sở vườn...). Bên cạnh đó, áp lực từ hoạt động khai thác tài nguyên tự nhiên tự phát, tràn lan thiếu tổ chức của cộng đồng dân địa phương ngày càng gay gắt đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng cơ bản của VQG để phục vụ công tác quản lý cũng như tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Trước thực trạng đó, với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên môi trường, đơn vị đã chủ động phối hợp với cơ quan tư vấn là Viện Điều tra quy hoạch rừng để xây dựng kế hoạch dự án. Trước hết, VQG ưu tiên các hạng mục công trình ở trung tâm hành chính - dịch vụ phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn và phát triển du lịch như Trung tâm du khách, bảo tàng thiên nhiên, khu nhà nghỉ sinh thái; đồng thời thiết kế và tôn tạo các điểm tham quan, các tuyến du lịch ở cồn Lu, cồn Ngạn; đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên; tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương; quảng bá và quản lý du lịch theo hướng bền vững; nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học. Hệ thống đường tuần tra, cầu cảng của 2 trạm bảo vệ và đài quan sát ở cồn Lu, cồn Ngạn cũng được đầu tư xây dựng không chỉ hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học còn tạo tiền đề cho việc phát triển hoạt động du lịch sinh thái của VQG. Ngoài ra, để phục vụ cho chương trình phục hồi sinh thái, VQG đã tiến hành đầu tư xây dựng một vườn ươm rộng 1ha để nhân giống các loại cây ngập mặn như vẹt dù, đước voi, mắm biển; vườn thực vật rộng 16ha phục vụ công tác nghiên cứu sinh trưởng của các loại cây ngập mặn; thực hiện khoán bảo vệ các khu vây vạng, khu đầm tôm, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nâng cấp hệ thống mạng lưới điện… Nhờ  vậy, đến nay trên 1.000ha rừng ngập mặn đã được phục hồi và phát huy tốt những giá trị sinh thái môi trường ở khu vực. Khu Trung tâm hành chính dịch vụ và phục hồi rừng phi lao ở cồn Lu với diện tích hàng chục héc-ta đã được mở rộng tạo nên cảnh quan môi trường tươi đẹp cho khu vực. Các nguồn lợi thủy sản như ngao bản địa, ngao, tôm, cua, cá tự nhiên ở vùng triều và nuôi ngao quảng canh ở cuối cồn Lu, cồn Ngạn đã được quy hoạch, quản lý và phát triển hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái VQG. Cơ sở hạ tầng Trung tâm giáo dục cộng đồng được đầu tư cũng đã phát huy hiệu quả phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương về bảo vệ sinh thái và chia sẻ lợi ích từ VQG. Các đề tài nghiên cứu hiện tượng biến đổi khí hậu và những tác động thiên nhiên, hệ sinh thái rừng ngập mặn và mô hình đồng quản lý bền vững, chim di cư, hoạt động khai thác tài nguyên bền vững đã được hợp tác thực hiện có hiệu quả. Cơ sở vật chất và điều kiện phục vụ du khách được hoàn thiện góp phần giúp VQG thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan và học tập. 6 tháng đầu năm 2015, VQG Xuân Thủy đã đón và làm việc với hơn 20 đoàn với tổng số 300 khách ở 10 quốc gia khác nhau. Mô hình du lịch cộng đồng từng bước được định hình với hơn 3.000 lượt khách trong những năm qua. Các mối quan hệ và hợp tác phát triển giữa VQG Xuân Thủy với các tổ chức quốc tế như Quỹ Môi trường toàn cầu; Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế, Quỹ sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai… đã ngày càng phát triển góp phần giúp đơn vị thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp bảo vệ thiên nhiên của quốc gia và quốc tế.

Để sự nghiệp bảo tồn và phát triển VQG - Khu Ramsar quốc tế Xuân Thủy bảo đảm bền vững, VQG Xuân Thủy tăng cường xúc tiến đầu tư các hạng mục công trình hỗ trợ quảng bá về du lịch, tuyên truyền, giáo dục về môi trường như xây dựng đường cầu diễn giải và đài quan sát môi trường, lắp đặt 10 bảng chỉ dẫn và nhà Trung tâm học tập cộng đồng, khu nhà dành cho nghiên cứu sinh và tình nguyện viên của dân địa phương, mô hình sinh thái nhân văn VAC với tổng mức đầu tư khoảng hơn 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VQG Xuân Thủy tích cực phối hợp giữa các đơn vị chức năng trên địa bàn, đặc biệt là sự phối hợp giữa Kiểm lâm và Công an xã trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật về quản lý rừng, tự ý chuyển đổi mục đích nuôi trồng thủy sản không đúng quy hoạch làm chết cây rừng trong thời gian vừa qua để làm gương răn đe và giáo dục cho những người còn lại. VQG Xuân Thủy cần phải đặc biệt chú trọng tới ưu tiên các công trình phục vụ công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trên tinh thần “nguyên vẹn và bền vững”./.

Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com