Theo xu hướng đô thị hóa, quỹ đất bề mặt của các đô thị sẽ dần cạn kiệt, vì vậy để duy trì, phát triển không gian công cộng xanh, đảm bảo mỹ quan đô thị văn minh, hiện đại, đặt ra yêu cầu phải tận dụng, phát triển song song cả chiều cao lẫn chiều sâu của đô thị.
Không gian ngầm đô thị bao gồm 3 loại hình chính là công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, công trình giao thông ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng. Ở công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, các đường dây, đường ống ngầm thường được đặt sâu dưới đất không quá 3m và bố trí riêng rẽ với các độ sâu khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế là các đô thị cũ ở tỉnh ta, chủ yếu là Thành phố Nam Định không có hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, các công trình cấp nước, điện, thông tin… trong hộp kỹ thuật hoặc tuy-nen. Trong khi đó mỗi công trình này lại được quản lý bởi nhiều cơ quan khác nhau và hầu hết các đô thị chưa lập được bản đồ hiện trạng tổng hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. Hiện tại, các đơn vị xây dựng phần lớn chỉ thực hiện ngầm hóa theo kỹ thuật rất thô sơ đơn giản là chôn xuống đất trong một ống gọi là cống hay bể ngầm, ít thực hiện bài bản là xây hộp hay hào kỹ thuật để lắp đặt đồng bộ toàn bộ các đường dây trên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh ta mới chỉ có 3 khu đô thị là Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung và tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, tuyến đường 52m, tuyến kênh Phúc Trọng chạy qua các xã Mỹ Xá - Lộc Hòa và phường Trường Thi đấu nối vào tuyến Kênh Gia được quy hoạch xây dựng hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tại tuyến kênh Phúc Trọng, hệ thống hào kỹ thuật có 3 ngăn với kết cấu bê tông cốt thép được thiết kế ngầm dưới mặt hè và mặt đường phục vụ đi ngầm cho đường điện, dây cáp truyền thông và cấp, thoát nước. Tại các khu đô thị Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung, Cty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội sử dụng hào kỹ thuật cho thành hạ tầng ngầm. Tại mỗi vị trí hố ga có thang xuống, khoảng cách 25-40 m/ga. Các hào kỹ thuật được xây lắp với 5 rãnh chờ phục vụ thoát nước ngầm, cấp nước, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng với chiều cao 1,8m và rộng 1,8m. Đến nay, Cty vẫn thường xuyên phối hợp với Cty Điện lực Nam Định, Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định, Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định xây dựng quy trình phối hợp trong lắp đặt và sửa chữa, bảo trì các hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu đô thị Hòa Vượng. Khu đô thị Thống Nhất đã triển khai lắp đặt được 100% hệ thống hào kỹ thuật tại các tuyến đường giao cắt với tổng chiều dài gần 1,2km. Tại tuyến đường 52m, các hệ thống hào kỹ thuật gồm 2 loại kích cỡ là 1,8 x 2m và 1,25 x 1,4m, đấu nối trực tiếp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh.
Hạ ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị góp phần tạo bộ mặt đô thị mới có khoảng không gian đồng bộ hiện đại (Trong ảnh: Tuyến đường 52m tại TP Nam Định). |
Thực tế trên cho thấy số lượng dự án hạ ngầm hào kỹ thuật trên địa bàn tỉnh chưa thực sự nhiều, chủ yếu tập trung vào các dự án khu đô thị mới và một dự án giao thông trọng điểm. Theo giới chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu là do mức đầu tư ban đầu hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm khá cao (thường gấp 3-4 lần so với công trình bố trí riêng rẽ). Bên cạnh đó, theo quy định, công tác khai thác, vận hành, quản lý hạ tầng ngầm đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ, sử dụng công nghệ cao ngay từ khâu thiết kế, thi công trong khi các văn bản quy định pháp luật hướng dẫn chưa đầy đủ gây khó khăn cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công loại công trình kỹ thuật này. Ngoài ra, tỉnh ta chưa có quy hoạch tổng thể các công trình hạ tầng ngầm do khó khăn về vốn, đồng thời hồ sơ, tư liệu về không gian ngầm tại đô thị không có khiến cho thi công chồng chéo dễ gây hư hại, sụt lún, nứt gãy bề mặt công trình… Quy chuẩn quốc gia QCVN 07:2010/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉ quy định chung về tuy-nen và hào kỹ thuật chứ không quy định rõ về cấp công trình xây dựng, điều kiện thi công và yêu cầu kỹ thuật đối với hào hay tuy-nen kỹ thuật… Chính vì thế, dễ xảy ra các sự cố mất dấu đường dây kỹ thuật, kích thước của hào và tuy-nen chưa thống nhất để tiện cho khai thác và sử dụng. Nhằm khắc phục thực trạng trên, thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật ngầm, mới đây Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia “Các công trình hạ tầng kỹ thuật - Công trình hào và tuy-nen kỹ thuật (QCVN 07-3:2016/BXD). Trong đó, đã xác định rõ đối với công trình hào kỹ thuật, đây là công trình ngầm theo tuyến có kích thước nhỏ để lắp đặt các đường dây, cáp và các đường ống kỹ thuật. Kích thước hào kỹ thuật được xác định theo nhu cầu (có dự phòng 10%) lắp đặt đường dây, đường ống kỹ thuật và khoảng cách an toàn giữa các đường dây, đường ống. Khoảng cách từ đỉnh nắp hào tới mặt của hè phố không nhỏ hơn 0,3m, tới mặt đường của xe chạy không nhỏ hơn 0,7m. Mép hào cách tường nhà không nhỏ hơn 1m. Tại vị trí giao nhau, chuyển hướng và trên đường thẳng phải có một hố ga kỹ thuật với khoảng cách tối đa 100m. Tuy-nen kỹ thuật là công trình ngầm theo tuyến có kích thước lớn đủ để đảm bảo cho con người có thể thực hiện các nhiệm vụ lắp đặt, sửa chữa và bảo trì các thiết bị, đường ống kỹ thuật. Chiều cao thông thủy của tuy-nen kỹ thuật tối thiểu là 1,9m. Chiều rộng thông thủy tối thiểu là 1,6m. Chiều rộng thông thủy của lối đi lại trong tuy-nen kỹ thuật không nhỏ hơn 0,8m. Đáy của tuy-nen kỹ thuật phải có độ dốc dọc tối thiểu 0,1% về phía hố thu nước. Phải bố trí cửa lên xuống tại chỗ giao nhau và trên tuyến tuy-nen với khoảng cách tối đa 500 m/cửa. Các cửa phải có thang công tác xuống tuy-nen. Ngoài ra, các công trình hào và tuy-nen phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn cháy nổ, chiếu sáng, thông gió, thoát nước. Cấp công trình hoặc hạng mục công trình hào và tuy-nen kỹ thuật phải được xác định trong dự án đầu tư xây dựng và phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành. Công trình hào và tuy-nen kỹ thuật phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu, cơ chế quản lý chặt chẽ, thống nhất đối với công trình hạ tầng kỹ thuật hào và tuy-nen kỹ thuật. Theo đó, việc cần làm trước mắt nhằm đưa hệ thống hào kỹ thuật vào sử dụng phổ biến hơn trong thời gian tới là các cấp, các ngành, nhất là Sở Xây dựng, cần phối hợp sớm hoàn chỉnh, thống nhất hồ sơ, tư liệu về không gian ngầm của các đô thị trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ đối với các chủ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, đáp ứng yêu cầu lắp đặt các công trình đường dây, đường ống và hạ ngầm các công trình, tăng hiệu quả trong đầu tư, góp phần phát triển đô thị bền vững./.
Bài và ảnh: Đức Toàn